2,609 views

Cá Không Ăn Muối

Công Bố Phúc Âm

Đề Tài

Cá Không Ăn Muối

Lời Thánh Kinh:  “ Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng; thế thì, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham.”  STK 18: 16-21

Bài Học Khôn Ngoan trong sự dạy dỗ con cái.

Câu Chuyện .

      Cách đây không lâu, ông bà Peterman ở Tiểu bang Idaho Hoa-kỳ, đã phải trả một giá qúa đắt để có được một bài học.  Ấy là ông bà này có một câụ con trai- cưng lắm, muốn làm gì thì làm, vì ông bà chiều con một cách qúa đáng, muốn gì được nấy.

        Ông bà  không ý thức được hậu qủa, cho nên nó đã trở thành hư hoại. Và mỗi ngày lớn lên cậu trở thành một đứa con bướng bỉnh và làm việc gì cũng cẩu thả.  Một ngày kia cậu lái xe bất chấp luật lệ lưu thông nên đã phạm luật. Khi bị cảnh sát chận lại, cậu còn ngang bướng-chống lại nhân viên công lực, và đã bị bắt tạm gian vào trong tù.  Nhằm hôm đó là ngày lễ, nên số thanh niên du côn bị bắt qúa nhiều, tối hôm đó cũng là tối mà có nhiều chàng thanh niên hư hỏng gặp nhau. Nhà tù đã trở thành khán đài của băng đảng trong một trận ấu đả, cuối cùng chàng thanh niên này đã bị đánh chết trong chốc lát.

       Khi nghe được tin này hai vợ chồng như xác không hồn.  Và chỉ sau khi chôn cất xong, hai vợ chồng mới có cơ hội nhìn lại mười mấy năm về trước, và cúi đầu chấp nhận sự sai xót của mình trong việc dạy dỗ con cái thì đã muộn, và hậu qủa bây giờ là nó đã qua đời.  Như vậy có nghĩa là: Vợ chồng người đó không phải nuôi con để hy vọng một điều gì đó trong tương lai. mà nuôi con để chờ gần 20 năm sau đón nhận sự đau khổ!

       Làm cha mẹ, chúng ta phải nên đặt ra một câu hỏi: Đối với những đứa con còn nhỏ nhưng đã cảm thấy khó dạy, bướng bỉnh, hay cãi lại cha mẹ. Chúng ta có nên chiều theo ý nó, hay tự cho mình là người bất lực để con mình sống một cách buông thả không?  Nếu ai đã có sự suy nghĩ để dẫn đến quyết định một trong hai, thì cũng có nghĩa là mình bằng lòng để chờ ngày nhận hậu qủa!

    Trong Thánh Kinh sách Châm ngôn  22: 6 Lời Chúa truyền: “ Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo. Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi nó.” Đành rằng trong sự dạy dỗ con cái khi còn nhỏ, có những lúc chúng ta bắt gặp nó ngang bướng, cãi lại, hay cố tình yêu sách, thì Lời Chúa cũng dạy trong Thánh Kinh sách  Châm ngôn 23:13 như sau “ Chớ tha sửa phạt trẻ thơ. Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu.” Vẫn biết rằng ở Hoa-Kỳ này thật khó cho cha mẹ khi áp dụng lọai kỷ luật “cổ điển” này, vì nếu không khéo chúng ta sẽ phạm luật pháp. Nhưng nó lại rất ư là hiệu qủa đối với chúng. Cho nên có người đã phải đem con về Việt-nam một thời gian để áp dụng loại kỷ luật “nội địa” thế mà đứa bé đã nên người.

        Xử dụng roi vọt đối với một đứa trẻ qủa là một điều khó, vì khi dùng đến roi vọt, bắt buộc các bậc cha mẹ phải là người giàu có về kinh nghiệm tâm lý. Vì khi nói đến roi vọt không có nghĩa là xử dụng hình phạt gống như người ta áp dụng kỷ luật đối với nô lệ. Nhưng cũng cái roi vọt đó, người có kinh nghiệm dạy con thì chỉ dùng roi vọt nặng về  hình thức răn bảo, và biết tăng thêm giá trị cho cái roi, hầu cho đứa bé thấy cái roi nó–cảm thấy roi có thẩm quyền đến nỗi: nó phải dừng bước trước sự ngang bướng, thế là hình ảnh cái roi có thể khiến hướng nó về sự thất vọng. Vì khi yêu sách của nó bị đánh đổ thì nó sẽ quay sang sự vâng phục. Trong  Thánh Kinh sách Ca thương 3: 27 Lời Chúa dạy:  “ Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ thơ.” Ông bà ta cũng thường nói: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ buổi ban sơ mới về.” Đức Chúa Trời bảo chúng ta dạy con trong lúc tuổi còn thơ ngây. Nhưng có nhiều người cảm thấy dạy con khi tuổi còn thơ không phù hợp, vì lấy lý do nó còn nhỏ qúa chưa biết gì, nên đã cố tình để đến tuổi đủ hư hỏng rồi mới dạy! Chứ chính mình không nhìn thấy hậu qủa từ những đứa trẻ hư hỏng khác qua mạng lưới truyền thông hàng ngày để có kinh nghiệm, hầu tự đặt cho mình một câu hỏi: Nếu bảo dạy con lúc còn nhỏ qúa nó sẽ không nhận thức được điều tốt, vậy thì tại sao nó lại tiếp nhận được điều không tốt từ chính nó để trở thành hư hỏng? Ông bà ta cũng thường dạy là: Uốn lúc còn măng, chứ thành tre rồi làm sao uốn? Nếu chúng ta không dạy sự khôn ngoan để cho nó thiếp thu từ nơi chúng ta, thì nó sẽ tự phát triển cá tính theo thói quen không chừng mực của chính bản tính nó mà thế vào chỗ trống vắng đó.

        Vô số người học Lời Chúa theo thông lệ, chứ không phải học Lời Chúa để thực hành theo Lời Chúa dạy. Tiếng “Amen” thường là một phản ứng tự nhiên ở trên môi miệng của đa số người tin Chúa khi nghe lời dạy hay lời giảng của người dạy đạo, nhưng còn làm theo Lời Chúa thì có mấy ai là người quan tâm đến sự dạy dỗ tối quan trọng ấy?

       Đa số bậc cha mẹ thất bại ở chỗ: Là không quan tâm dạy dỗ đứa trẻ khi còn ở trong tuổi còn thơ, không chiụ hướng nó theo con đường đạo đức tương lai là phải như thế nào, cứ bảo là nó còn nhỏ mà- nó có biết gì đâu! Nó còn nhỏ nó không biết gì mình mới dạy nó được. Đừng chờ cho đến khi nó lớn rồi-nó đã biết nhiều, và nó phát triển theo ý riêng nó, thì sẽ không dạy được nữa.

      Chúng ta nên nhớ một điều: Hoa-kỳ là một quốc gia văn minh thật. Nhưng không phải tất cả mọi sự dạy dỗ về đạo đức bắt nguồn từ trong học đường là tốt cho nó hết đâu. Chúng ta đừng quên rằng: Đạo đức của một con người không phải được bắt nguồn từ những sự dạy dỗ trong trường học là chính – mà là gia đình. Và một người thầy mang ảnh hưởng lớn cho cả cuộc đời của một học sinh chẳng ai khác hơn là chính cha mẹ của học sinh đó.

       Người Việt-nam chúng ta có bản tính rất đáng kính để hãnh diện đó là: Tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái phải nói là sâu đậm và khó có thể diễn tả được. Trong ca dao tục ngữ  Việt-nam đã nói lên tình thương của cha mẹ lo cho con cái , với niềm khao khát để hy vọng cho tương lai của con mình. Đến nỗi người vợ nhìn thấy người chồng đổ công dốc sức làm việc, người vợ hỏi:

Anh đi làm mướn nuôi ai.

Cho áo anh rách cho vai anh mòn?

Người chồng trả lời:

Anh đi làm mướn nuôi con

Áo rách mặc áo . Vai mòn mặc vai.

Nuôi con cho được vuông tròn

Nắng mưa dầu dãi, xương mòn cũng cam

      Tôi thú nhận không hiểu nhiều về cách giáo dục của học đường tại Hoa-Kỳ. Nhưng những gì  tôi biết, tôi thấy chẳng có cái gì tốt cho sự phát triển về đạo đức cho tuổi trẻ cả.  Đừng hỏi ai. Chúng ta cứ nhìn vào trong xã hội. Từ Hội Thánh đến học đường, từ ở trong gia đình cho đến ngoài xã hội, chúng ta đã thấy tình trạng đạo đức xuống dốc một cách trầm trọng!

    Chúng ta nên hiểu rằng: Sẽ không có phương cách  nào để thay đổi đời sống của con người. Duy nhất chỉ có Lời của Đức Chúa Trời. Các bậc cha mẹ đừng vì một sự cám dỗ nào của quyền lực tăm tối mà đứng ra ngoài Lời dạy của Thánh Kinh.  Ai muốn con mình trong tương lai sẽ trở thành người mình mong muốn hãy đặt ngay cho chính mình một câu hỏi: Tôi đang đặt đời sống tôi trên nền tảng nào để tôi dạy con tôi? Chúng ta đừng quên rằng: Hoa-kỳ là một quốc gia có những tội phạm trẻ tuổi nhất, nhưng đã mang tội giết người. Đó là những đứa trẻ không được giáo dục theo cách mà Thánh Kinh đã hướng dẫn cho các bậc cha mẹ.

     Cầu xin Chúa soi sáng cho các bậc cha mẹ, để biết vâng phục theo Lời dạy của Chúa, mà có sự khôn ngoan, hầu hướng dẫn con mình trở nên một đứa con biết kính sợ Chúa, và biết nghe theo lời dạy khuyên của  cha mẹ. Amen.

Servant  Elijah  Nghiem