2,582 views

Tìm Về Chân Giá Trị

Công Bố Phúc Âm

Kinh Thánh: Thi-Thiên 8

Lời Kinh Thánh: Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút. Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.”

Đề Tài

 Tìm Về Chân Giá Trị

Quý Vị Quý Mến.

      Gia đình tôi đã trải qua ba lần thay đổi niềm tin. Đời ông bà nội tôi thì theo phật giáo, nhưng sau khi ý thức được; phật giáo là do con người tự lập ra, không phải thờ Đức Chúa Trời mà thờ hình tượng và các thần bằng đất bằng đá. Nên đến đời ba mẹ tôi thì quay sang niềm tin Công Giáo thờ Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vũ trụ và loài người.

      Đến đời tôi; vào khoảng năm 1981 tôi mới tận mắt đọc được Lời Đức Chúa Trời, lúc đó tôi mới nhận ra rằng, những hình thức thờ phượng Đức Chúa Trời trong giáo hội Công giáo La-mã mang tính hạ thấp thần tính của Đức Chúa Trời chí cao, coi Đức Chúa Trời Chân Thần hằng sống, chẳng khác nào như những hình tượng bằng đất đá, do tay người ta làm ra, mà Đức Chúa Trời đã tuyệt đối cấm trong Thánh Kinh. Chính vì lẽ đó mà tôi đã phải đoạn tuyệt với giáo hội Công giáo để quay trở về với Chân Lý nguyên thủy của Thánh Kinh- mà người ta thường gọi là Đạo Tin Lành, để cứu linh hồn của tôi và gia đình, thoát khỏi sự trừng phạt của Chúa trong thế giới đời sau.

     Khi nói đến Đạo Chúa, thì chữ Đạo chỉ về Đức Chúa Trời.  Vì Đức Chúa Trời là Đạo. Và Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đức Chúa Trời thành nhân, giáng thế chịu chết cho toàn thể nhân loại. Cho nên Ngài là con đường sự sống vĩnh cửu để cho những ai tin nhận Ngài thì được sự sống đời-đời, hầu có tên trong sách sự sống ở thiên đàng. Chính vì lẽ đó mà trong Thánh Kinh sách Giăng 14: 6 Lời Chúa Giê-Xu phán : “ Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống , không bởi ta thì không ai được đến cùng Đức Chúa Trời.” Nhưng trên thực tế, khi nói đến Đạo Tin-Lành thì lại có nhiều giáo phái, mặc dù chỉ thờ chung có một Chúa. Cho nên vấn đề quan trọng đối với một người tin nhận Chúa Giê-xu, thì không phải là mình được quyền tự-do chọn giáo phái tin-lành nào bất kỳ cho phù hợp với sở thích của chính mình, giống như những người không tin Chúa Giê-xu chọn tôn giáo. Mà phải xem giáo lý của giáo phái ấy; và lời giảng dạy có đúng với Lời của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh hay không.

     Khi nói đến theo Chúa, nhiều người đã lầm tưởng rằng, cứ tin nhận Chúa Giê-xu rồi gia nhập bất kỳ giáo phái, giáo hội nào cũng được, để mình không bị xếp vào loại chối Chúa, hay vô thần là xong! Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Vì người không theo Chúa Giê-xu thì linh hồn coi như đã chết rồi, cho nên họ có thể theo bất kỳ tôn giáo nào cũng được, và hành động niềm tin theo cách như thế nào cũng chẳng sao. Nhưng người theo Chúa thì hoàn toàn khác. Vì theo Chúa, hay thờ Chúa, thì phải đúng với những gì Chúa dạy bảo. Không làm và không truyền đạt sự sai lầm trái ngược với lời dạy của Chúa cho người khác. Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 28: 20 Lời Chúa Giê-xu phán: “ Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân. Hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-tem cho họ, và dạy họ tất cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi, và này ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”

      Bạn cứ thử nghĩ, khi bạn muốn đến nhà hàng nào đó để thưởng thức món ăn mà bạn ưa thích nhất, và bạn thỏa lòng sau khi thưởng thức, thì bạn không thể đến bất cứ nhà hàng nào có món ăn đó. Mà bạn phải đến nhà hàng nổi tiếng về món ăn đó, mà các nhà hàng khác không thể nào làm giống được thì bạn mới hài lòng chứ? Cho nên khi nói về phương diện thờ phượng Đức Chúa Trời thì qủa là vô cùng quan trọng. Nhất là trong việc nghe Lời Đức Chúa Trời dạy, mà nhiều người đã nói nôm-na là “đón nhận thực phẩm thuộc linh.”

       Khi nói đến thực phẩm của thuộc thể thì bạn đã thấy tầm quan trọng của nó như thế nào rồi. Chuẩn bị tất cả mọi chi tiết cần có, để hoàn thành một món ăn nào đó mà cung cấp cho thuộc thể đã là một điều khó, vì phải sắp xếp các loại phụ gia có tính cách thứ tự bắt buộc để chất lượng đạt được theo ý muốn. Nhưng  điều quan trọng là bạn phải ăn lúc còn nóng, và phải chín, chứ không bao giờ nấu nửa sống nửa chín rồi lại để cho có mùi hôi mới ăn, bạn công nhận điều đó chứ? Cho nên người rao truyền Lời Đức Chúa Trời, và người nghe Lời Đức Chúa Trời phải chuẩn bị tấm lòng mình thật kỹ lưỡng, trước khi đón nhận, chứ không phải tấm lòng như thế nào đón nhận lời Chúa cũng được cả đâu. Vì trong Thánh Kinh sách I Ti-mô-thê 3: 16 Lời Chúa phán: “ Lời Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào, chia hồn linh cốt tủy và xem xét tư-tưởng cùng ý định ở trong lòng.” Cho nên nếu bạn là người không chuẩn bị tấm lòng để tuyệt đối chỉ nghe Lời Đức Chúa Trời, hoặc ai đó không có diễm phúc được nghe Lời Chúa, mà chỉ nghe những lời của loài người đã chết, thì chẳng khác nào bạn đã đưa những “thực phẩm tâm linh hư hoại” vào tàn phá linh hồn của chính mình.

       Người theo Chúa Giê-xu thì phải làm theo lời dạy của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh, chứ không được làm theo giáo phái, giáo hội, hay bất kỳ một tổ chức tâm linh nào. Vì nếu một người tin Chúa Giê-xu mà làm theo sự dạy dỗ của giáo phái, thì cũng chẳng khác gì những người không theo Chúa Giê-xu, chuyên làm theo lời dạy của các tôn giáo vậy. Trong bài học này, chúng ta không đào sâu về những phương diện ấy, Vì trong tương lai, sẽ có những bài liên quan đến. Còn trong bài học này, chúng ta sẽ luận đến hai vấn đề chính sau đây:

 I/ Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

     Trong Thi-Thiên đoạn 8 – sau khi đọc Lời Đức Chúa Trời xong, thì bạn thấy, Lời Chúa bày tỏ cho bạn  sự hiểu biết về một Đức Chúa Trời vinh quang, cao cả mà bạn đang đặt niềm tin và thờ phượng. Vậy thì bạn đã biết Ngài là Đấng tột cùng của sự cao trọng, vinh hiển và quyền năng như thế nào rồi chứ? Cho nên bạn phải có một tấm lòng xứng đáng như thế nào, và cách thờ phượng của bạn như thế nào qua tấm lòng, để trở thành một của lễ mà bạn biết chắc-chắn rằng, Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận sự thờ phượng của cá nhân bạn. Trong Thánh Kinh sách Giăng 4: 23 Lời Chúa dạy: “ Nhưng giờ hầu đến và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật, lấy tâm thần lẽ thật mà thờ phượng Cha, ấy đó là những kẻ mà Cha ưa thích vậy.”

     Có khi nào bạn đặt cho mình một câu hỏi thắc mắc như: Làm cách nào để tôi có được một tấm lòng đúng theo sự đòi hỏi của Thánh Kinh mà  thờ phượng Đức Chúa Trời?Chắc có lẽ bạn đã qúa quen thuộc với những giờ thờ phượng Chúa ở bất kỳ Hội Thánh nào mà bạn đã thường xuyên đến nhóm lại mỗi Chúa Nhật rồi chứ? Sẽ có bốn thành phần trong Hội Thánh khi đến thờ phượng Chúa mà bạn sẽ không ngờ, và trong bốn thành phần đó, bản thân bạn sẽ rơi vào trong thành phần nào sau đây:

1/ Thành phần đến thờ phượng Chúa theo thói quen ngày Chúa nhật.

     Thành phần này, sáng Chúa Nhật hàng tuần  thức dậy để chuẩn bị đi thờ phượng, thì xem ra tinh thần chuẩn bị còn kém xa những ngày khác trong tuần. Vì thường ngày; khi thức dậy chuẩn bị đi làm, hoặc bất kỳ công việc gì đó, thì tinh thần chuẩn bị còn chu đáo và sốt sắng hơn đi thờ phượng Chúa nhiều. Thậm chí có người còn không muốn cầm Kinh Thánh theo, vì sợ mình không đủ sức khỏe, hay là cố tình quên cuốn Kinh Thánh, vì không muốn cho người khác biết mình đi nhà thờ-thờ phượng Chúa. Như vậy, vấn đề bề ngoài mà còn thể hiện như thế, thì ở trong tấm lòng làm sao mà có được tiêu chuẩn thờ phượng Chúa theo Thánh Kinh! Thậm chí còn có những cặp vợ chồng, cứ chọn thời điểm sắp đi thờ phượng là hục hặc, cãi nhau hết chuyện này đến chuyện khác, mang bộ mặt bất mãn, giận giữ,dễ sợ vào trong Hội Thánh để ra mắt Đức Chúa Trời, thì thử hỏi, những người này đi thờ phượng Chúa với tấm lòng như thế mà được sao? Có những người cố tình đi chợ, hay công việc gì đó gần giờ nhóm, để có cơ hội kéo dài thời gian, hầu cho sự thờ phượng ngắn bớt đi- khỏi phải chán ngán trong khi ngồi trong thánh đường!

2/ Thành phần thờ phượng Chúa sốt sắng mang tính cố tình thiếu hiểu biết.

       Trong Thánh Kinh sách Giê-rê-mi 29:13 Lời Chúa phán: “Các ngươi tìm ta và gặp được, khi các ngươi tìm kiếm ta hết lòng.” Có một số khá đông người hầu việc Chúa và tín đồ lầm lẫn về sự hiểu biết câu Thánh Kinh trên. Cho nên thay vì tìm kiếm Chúa theo Lời Chúa dạy, thì Chúa Nhật hàng tuần lại rủ nhau đến nhà thờ cùng tìm kiếm Chúa theo đặc điểm của giáo phái dạy. Trong giờ thờ phượng, họ liên tục thốt lên những lời kêu gọi Chúa giống như người ngoại đạo gọi “Trời ơi” trong lúc hoạn nạn mà chẳng hiểu biết gì cả. Những lời kêu gọi thảm thiết của họ theo thói quen như: Đức Chúa Trời ơi ……xin đến, Đức Thánh Linh ơi ….xin đến, và không phải họ chỉ kêu có một lần là đủ, mà kêu Chúa liên tục không biết bao nhiêu lần như vậy, khiến bầu không khí trang nghiêm biến thành vô trật tự. Một Hội Thánh quyền năng diệu kỳ đã biến thành huyền bí bệnh hoạn. Xem cách thờ phượng của họ nó giống như là Chúa và họ có hợp đồng gặp nhau vào mỗi Chúa Nhật đúng giờ nhóm của họ, mà họ đã tỏ ra là một tập thể tuân theo hợp đồng đến sớm, còn Chúa không tuân theo hợp đồng, luôn chậm trễ nên họ kêu gào thảm thiết thấy kinh khủng lắm! Có những nơi luôn hát những bài thờ phượng mang nội dung mời Đức Thánh Linh đến, để được yên tâm là Đức Thánh Linh đã vui lòng ngự giữa Hội Thánh sau những bài hát năn nỉ, ỉ ôi của họ. Chứ họ đâu có hiểu rằng, sở dĩ họ ra sức kêu cầu Đức Thánh Linh theo thói quen của giáo phái, để chứng tỏ cái tinh thần quyền năng của giáo phái một cách đầy đủ, chứ đó đâu phải là họ khao khát Đức Thánh Linh đâu! Tôi thách thức bất kỳ ai đó mở Thánh Kinh để chứng minh cho mọi người biết rằng: Những ai trong Hội Thánh đầu tiên mà có cách thờ phượng kêu gào vô trật tự như thế ấy mà họ đã nhận được Đức Thánh Linh? Giả sử, có ai đó bảo rằng: Thánh Kinh quên truyền đạt những điều này! Vậy thì có phải bạn, hay giáo hội bạn đã phủ nhận tính Chân Lý của Thánh Kinh, mà chính bạn hay giáo hội bạn bây giờ mới giúp Thánh Kinh được hoàn toàn chứ gì? Bạn cứ nghĩ đi, nếu ngày Chúa Nhật mà tất cả mọi nơi thờ phượng trên thế giới đều ra sức kêu gọi Chúa Thánh Linh đến giống như bạn, thì chắc có lẽ Chúa Nhật sẽ là một ngày thờ phượng Đức Chúa Trời mà mọi người cảm thấy dễ sợ lắm ở trên đất này. Vì người ta chẳng thấy Chúa làm gì, mà chỉ thấy bạn kêu gào giống như một người bệnh nặng đang cần xe cấp cứu đến vậy. Vì theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh, thì có sự hiện diện của Chúa hay là không, thì không phải do cái cách khôn ngoan của giáo phái, mà do sự chuẩn bị tấm lòng của từng người đến thờ phượng Ngài.

       Rồi bạn thấy gì? Ở Việt-nam đã có một thời gây rối loạn về phong trào nói tiếng lạ. Có một số nơi thờ phượng mà người ta gọi là “ trung tâm nói tiếng lạ” tệ hơn hết là có những nơi dạy người ta nói tiếng lạ, giống như thầy pháp dạy người ta niệm thần chú- mới gọi là vô lễ với Chúa chứ! Vì người ta quan niệm nói tiếng lạ là dấu hiệu được Báp-tem bằng Đức Thánh Linh, ít người được rơi vào trong tình trạng phước hạnh này! Vậy tôi muốn hỏi: Ông Phao-lô là người đã công nhận mình nói tiếng lạ rất nhiều, nhưng đã có bao giờ ông chỉ vào mặt các Sứ đồ khác mà kết luận họ là những Sứ đồ không được Báp-tem bằng Đức Thánh Linh, không được ơn không? Đức Chúa Giê-xu đã có lần nào xác nhận các Sứ đồ đã được Báp-tem bằng Đức Thánh Linh qua thực hành nói tiếng lạ chưa? Đức Chúa Giê-xu đã được Giăng Báp-tít làm phép Báp-tem bằng nước. Nhưng sao không thấy ai đặt tay để Chúa Giê-xu nói tiếng lạ mà xác nhận Ngài đã được phép Báp-tem bằng Đức Thánh Linh hết vậy? Phải chăng Ngài chưa nói tiếng lạ cho nên Ngài không được Báp-tem bằng Đức Thánh Linh? Nhưng Ngài được đầy dẫy Thánh Linh là do nguyên nhân nào? Vậy thì những người đã tự xác nhận mình được Báp-tem bằng Đức Thánh Linh, một dấu hiệu tâm linh vô cùng quan trọng do nói tiếng lạ, như thế đâu có cần sự cứu rỗi từ nơi Chúa Giê-xu là Đấng không được nhận Báp-tem bằng Đức Thánh Linh làm gì nữa! Bởi vì những người này nhận quyền năng của sự cứu rỗi từ Chúa Giê-xu là Đấng không được phép Báp-tem bằng Đức Thánh Linh,vì Ngài chưa từng nói tiếng lạ, vậy Ngài kém ân tứ hơn những người ấy thì sự cứu rỗi có lợi gì cho họ?

       Bạn biết rằng, khi ngồi nói chuyện với một người thuộc phái ân tứ, bạn sẽ được họ giải thích, và chứng minh vô số những câu Thánh Kinh có liên quan, để hợp thức hóa cho những gì mà họ cho là Chúa Thánh Linh ban một số ơn đặc biệt họ đang sở hữu, mà người không phải phái ân tứ không hề có. Có một vài anh em hỏi tôi nghĩ gì về vấn đề này. Tôi thì rất đơn giản, vì Chúa có dạy trong Thánh Kinh sách Giô-suê 1: 8: 8Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”  Cho nên đây là điều mà Thánh Kinh không dạy: Chúa Giê-xu không làm, các Sứ đồ không thực hành, các Tiên tri không làm. Đây là việc giáo phái đặt ra làm, tôi không thể bỏ Lời Đức Chúa Trời mà theo lời giáo phái. Vì trong Thánh Kinh sách Công vụ 5: 26 có ghi lại câu trả lời của các sứ đồ như sau: “ Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta.”  Chúng ta không phủ nhận bất kỳ ân tứ nào từ nơi Chúa ban cho. Nhưng chúng ta không chấp nhận thực hành ân tứ một cách sai lạc mang tính lên mình, kiêu ngạo và cực đoan, gây chia rẽ.

        Có một điều nữa khá quan trọng, mang tính thu hút một số Cơ-đốc nhân Việt-Nam bệnh hoạn, non lòng nhẹ dạ ở khắp mọi nơi, đó là sự việc đặt tay té ngã. Có một vài mục sư ở Việt-Nam qua Hoa-kỳ được một số Hội Thánh mời đến để đặt tay, nhiều người mong muốn được vị diễn giả này đặt tay để được té ngã, vì họ cho rằng người được ơn đặt tay té ngã là vô cùng đặc biệt, và người được té ngã là vô cùng phước hạnh, sẽ được đổi đời, ân tứ dồi dào!

      Bạn có biết rằng, có một quan niệm rất nguy hiểm trong một số đông Cơ-đốc Nhân hiện nay đó là: Họ nghĩ,  những gì xảy ra trong Hội Thánh mang tính huyền bí đều được họ quy cho là từ nơi Đức Thánh Linh. Chỉ vì họ nghĩ đơn giản là Đức Thánh Linh luôn ngự giữa Hội Thánh! Chứ họ không lấy Thánh Kinh để tra, xem sự việc ấy, Đức Thánh Linh đã có bao giờ thực hiện; mà được Thánh Kinh ghi lại chưa? Họ đâu có nhớ rằng trong Thánh Kinh Chúa đã dạy, được ghi trong sách Mác 13 22: ” 22Những christ giả, tiên tri giả sẽ nổi lên, làm những dấu lạ phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng dỗ dành chính những người được chọn. 23 Hãy giữ lấy, ta đã nói trước cho các ngươi cả.” Tôi muốn hỏi bạn: Có khi nào bất kỳ ai đó bỏ vô trong nhà bạn một trái lựu đạn, rồi khi bạn phát hiện bạn lại vui mừng công bố, trái lựu đạn này ở trong nhà tôi, là thuộc quyền sở hữu của gia đình tôi không? Hay là có khi nào bạn bị người ta gạt, đến nỗi bạn bị thuyết phục, nên khuyên gia đình cố gắng uống một loại độc dược nào đó để tăng cường sức khỏe không? Chắc là không chứ? Nhưng trong Hội Thánh Chúa thì có đó, đang xảy ra đó.Vậy nếu cả cuộc đời theo Chúa của bạn mà không lấy Thánh Kinh làm nền tảng, thì đến chừng nào bạn mới thật sự trưởng thành để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Và đến khi nào thì Đức Chúa Trời mới được tôn cao trong đời sống bạn. Nếu bạn không làm theo Lời Đức Chúa Trời, thì cả đời của bạn cũng chẳng có một sự thờ phượng bằng tâm thần lẽ thật như sự mong mỏi của Thánh Kinh.

         Có một mục sư tôi xin được miễn nêu tên, từ Việt-nam qua Hoa-Kỳ, tiếng đồn xa gần cho hay rằng, vị mục sư này đặc biệt lắm, đặt tay vào ai thì người đó té ngã, và nhiều người đã quan niệm một cách bất bình thường rằng: Té mới được đầy dẫy Thánh Linh. Nói đến đây tôi nhớ lại thời kỳ tôi còn ở trong Công giáo. Bà Ma-ri được đổi danh xưng theo từng thời kỳ, rất nhiều lần, và cho đến bây giờ chắc có lẽ những người Công giáo trẻ đã không quen khi nghe ai nhắc đến danh xưng” Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Về Phương diện Tin-lành cũng vậy, không phải là hầu hết, nhưng có một số mục sư và tín đồ đang chạy đua theo phong trào ân tứ: Tiếng lạ đã phai mờ, dạy tiếng lạ đã lỗi thời, bây giờ đến đặt tay té ngã, cười..v..v. rồi trong tương lai ra đời cái gì nữa thì chưa biết, hãy chờ xem!

    Tôi được một số con cái Chúa đi dự buổi nhóm của một Hội Thánh nọ về khoe rằng: Có một mục sư người nước ngoài từ Canada qua, đầy ơn, đặt tay vào ai thì người đó cười bất tận. Tôi cảm thấy rùng rợn, vì Thánh Kinh đâu có chỗ nào ghi lại những sự việc này do Đức Thánh Linh làm đâu. Mà trong mọi ân tứ, tôi thấy Lời Chúa trong Thánh kinh đâu có ban cho ai ân tứ ” cười” bao giờ, mà bây giờ nhiều con cái Chúa cảm thấy vui mừng, hớn hở là sao? Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa thấy người Việt-Nam nào thuộc Cơ Đốc Nhân đã được ông này đặt tay cho cười nghiêng ngửa mà có mặt ở Hollywood trong chương trình kể chuyện cười cả. Vậy thì những người được ông ấy cho cười để làm gì trong Hội Thánh Đức Chúa Trời? Bạn nên nhớ cho một điều quan trọng này: Đó là những gì mà Đức Thánh Linh làm trong Hội Thánh đều có mục đích làm vinh hiển danh Ngài. Ngài không bao giờ làm cho ai khó hiểu, và cũng chẳng mang tính khoe khoang, hay quảng cáo. Bạn cứ mở Thánh Kinh đọc trong phân đoạn Đức Chúa Giê-xu đầy dẫy Thánh Linh được đưa đến đồng vắng chịu ma quỉ cám dỗ. Vậy thì ma quỉ cám dỗ Ngài như thế nào? Và Chúa Giê-xu trả lời nó như thế nào? Và những Hội Thánh siêng mời những vị diễn giả này đến giúp vui bây giờ Hội Thánh thế nào? Đã phục hưng chưa, hay cần phục hồi?

    Nếu bạn có cơ hội chứng kiến một người đặt tay cho một người khác té ngã ở tại thành phố Oakland, thì sau khi người bị đặt tay té ngã rồi, vị mục sư tiếp tục nói: nữa đi… thêm nữa đi…. Ai nữa đi cho ai? Và ai ra lệnh cho ai thêm cho ai nữa đi? Nếu nói rằng xin Đức Thánh Linh, thì sao lại nói vô lễ thế? Đây là hành động điều khiển Đức Thánh Linh chứ có phải xin Đức Thánh Linh đâu! Làm sao Đức Thánh Linh lại đón nhận những lời vô lễ từ một kẻ chẳng xứng đáng gì là sao? Theo ánh sáng của Thánh Kinh, thì đây không phải là việc Đức Thánh Linh làm. Vì hiện tượng này Thánh Kinh chưa bao giờ đề cập đến, mà nó giống như một người thầy pháp đang điều khiển âm binh mà sai nó thực hiện một công việc gì đó theo ý muốn mình trên một người khác. Tôi không muốn bạn đối chất, hay tranh luận với tôi về hiện tượng này, nhưng bạn có Thánh Kinh, tôi cũng có Thánh Kinh, cho nên tôi muốn bạn tự trả lời cho bạn một số câu hỏi của tôi như sau đây:

1/ Bạn dựa vào câu Thánh Kinh nào trong tất cả các sách để bạn qủa quyết rằng: Đây là việc làm của Đức Thánh Linh?

2/ Đức Thánh Linh đã thực hiện công việc này với bất cứ ai giống như bạn đã thực hiện mà được Thánh Kinh ghi lại trong toàn bộ Thánh Kinh chưa?

3/ Tại sao Chúa Giê-xu không làm, các Sứ đồ không làm, các tiên tri không làm, Đức Thánh Linh không làm, mà bạn lại làm việc đó, mà vội vã cho là Đức Thánh Linh? 

    Khi nói đến Chân Lý là phải chứng minh bằng Chân Lý. Vì Chân lý luôn có nguồn gốc của tất cả mọi sự việc thuộc Chân Lý. Tuyệt đối không được chứng minh bằng việc làm của con người đối với nhau để hợp thức hóa cho chân lý, mà phải chứng minh bằng việc làm và Lời dạy của Đức Chúa Trời cho con người đã xảy ra trong cuốn Thánh Kinh mà bạn đang có đó.

    Có một mục sư thích được một mục sư khác đặt tay cho mình té ngã để được đầy dẫy Thánh Linh, vì ông tin là như thế. Sau khi biết được là ông đã được té như ước nguyện, tôi đã khuyên ông nên bỏ sự ước ao vô bổ đó đi mà ăn năn với Đức Chúa Trời, nhưng ông phản đối. Vì theo tôi, những gì không có trong Thánh Kinh  mà mình cố tình làm ra cho có thì được gọi là tà giáo. Tôi nghe được những người tín đồ trong Hội Thánh ông cho tôi biết rằng: Ông nói trong một buổi học Kinh Thánh là ông đã gọi điện thoại cho tất cả những vị mục sư có cùng một quan niệm và sự khao khát như ông, thì họ đã kết luận  tôi là tà giáo, còn ông té như thế là đúng Chân Lý. Tôi thắc mắc tự hỏi: tại sao hiện tượng xảy ra ngoài Chân Lý Thánh Kinh mà lại được gọi là Chân Lý? Phải chăng họ có một Chân Lý riêng cho việc làm của họ mà tôi không biết? Nếu không có chân lý riêng, thì dựa vào đâu để chứng minh việc làm ngoài Thánh Kinh là chân lý? Phải chăng điều này cũng giống như một kẻ sắp thực hành vụ cướp của, giết người, gọi điện thoại hỏi ý kiến những kẻ cướp khác, là việc làm của tôi sắp sửa thực hiện có tội không? Thì những kẻ cướp khác sẽ trả lời: Tại sao ăn cướp mà lại có tội! Còn mọi người biết ăn cướp là có tội, vì họ biết rằng luật pháp của Đức Chúa Trời, và luật pháp  của loài người đã lên án sự việc vô nhân đạo này.

    Nếu bạn là một người theo phái ân tứ cực đoan, hoặc thích đặt tay té ngã, thì bạn có thể giới thiệu bất kỳ ai đó được ơn nhiều nhất, hầu việc Chúa thành công nhất là do đã té ngã nhiều lần sau khi đặt tay để tôi có cơ hội ngưỡng mộ nhân vật ấy. Tôi đã từng chứng kiến vô số người té nằm dài, sau khi đặt tay của một vị diễn giả nào đó, và họ té liên tục trong nhiều ngày, nhưng cuối cùng họ cũng chẳng thay đổi gì đâu. Bạn hãy nhìn lại một số Hội Thánh thuộc phái ân tứ tại Việt-Nam, có những vị mục sư quản nhiệm đã đầy đủ mọi sự ước ao cần có như: Báp-tem Thánh Linh, nói tiếng lạ, té ngã nhiều lần, chuyên đặt tay té ngã. Nhưng Hội Thánh được bao nhiêu người! Nếu ân tứ được ban cho một người, mà do chính con người dùng hết hình thức này đến hình thức khác để hợp thức hóa ân tứ ấy cho ai đó, mà không phải Đức Thánh Linh thì đâu còn gọi là ân tứ nữa. Trong Thánh Kinh sách Công vụ 8 : 18 có ghi lại rằng: “ 18 Si-môn thấy bởi các sứ đồ đặt tay lên thì có ban Đức Thánh Linh xuống, bèn lấy bạc dâng cho, mà nói rằng: 19 Cũng hãy cho tôi quyền phép ấy, để tôi đặt tay trên ai thì nấy được nhận lấy Đức Thánh Linh. 20Nhưng Phi-e-rơ trả lời rằng: Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời! 21 Ngươi chẳng có phần hoặc số trong việc nầy; vì lòng ngươi chẳng ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. 22 Vậy, hãy ăn năn điều ác mình, và cầu nguyện Chúa, hầu cho ý tưởng của lòng ngươi đó họa may được tha cho.”

      Tôi nghĩ, có vô số người lầm lẫn về câu Thánh Kinh này, cho nên họ thực hành việc đặt tay để ban ân tứ cho vô số người hết nơi này đến nơi khác mà họ không cần sự chỉ thị của Đức Thánh Linh, chỉ vì họ không muốn hiểu tận gốc rễ cái nguyên nhân tại sao mà Đức Thánh Linh lại sai các sứ đồ thực hiện việc đặt tay này, cho nên có nhiều người không cần hiểu mà chỉ cần bắt chước các sứ đồ để lấy tiếng thôi, cho nên Sa-tan có cơ hội.

   Có một hiểm họa đến với một số Hội Thánh tại Hoa-Kỳ đó là: Có một vài mục sư thuộc phái ân tứ từ Việt-Nam qua, đi giảng từ nơi này đến nơi khác, đã biến một số Hội Thánh đang sinh hoạt bình thường trở thành xáo trộn, sau đó phân tán thành một nhóm nhỏ thuộc ân tứ, mà nó cứ nhỏ mãi, chứ không thể lớn lên được. Như vậy thuộc phái ân tứ để làm gì?

    Tôi có một sự thắc thắc, ấy là trong lịch sử truyền giáo, những cơn phục hưng đến một cách rất là lạ lùng và diệu kỳ, ảnh hưởng của những cơn phục hưng đã thay đổi cả một thành phố, một quốc gia, chỉ qua lời cầu nguyện khao khát của những người rất đơn sơ, tầm thường, với những giọt nước mắt thật giá trị. Nhưng sao Việt-nam ta khi nói về phương diện tâm linh thì nó chỉ ồn ào khi đô-la đổ vào và giáo phái Ngũ tuần từ các quốc gia hiện diện. Còn nếu không có những sức mạnh này thì tâm linh những người từng ồn ào lại trở về tĩnh lặng như mặt biển tháng ba là thế nào? Vậy thì chừng nào danh Chúa mới được tôn cao trên đất nước Việt-Nam. Chừng nào thì Chúa Thánh Linh mới thực sự thăm viếng các Hội Thánh? Tôi cũng thừa nhận rằng: làm việc Chúa mà không có tài chánh cũng khó. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, nếu tài chánh là xương sống của công việc tâm linh, thì đừng cầu xin Đức Thánh Linh phát triển về phương diện tâm linh nữa, mà chỉ cầu xin Chúa cho đô-la thôi là đầy đủ rồi. Vì đô-la phát sinh ra đủ thứ phép lạ!

3/ Thành phần hiếu kỳ chẳng hiểu biết gì.

    Có một số mục sư và tín đồ thuộc Hội Thánh Việt-Nam và ở Hoa-Kỳ rất hiếu kỳ. Khi họ nghe một diễn giả nào có ân tứ ở Việt-nam qua Hoa-kỳ, thì diễn giả đi đến đâu họ chạy theo đó, cũng giống như bầy vịt con mà chạy theo mẹ vậy. Tôi đã biết một số người, hội đồng giáo phái nào cũng đi, diễn giả nổi tiếng có mặt ở đâu họ cũng đến, sau khi diễn giả đi xa rồi thì họ lại trở về cái bịnh làm biếng của họ. Đây là những mẫu người hiếu kỳ chạy theo người chứ không phải bước theo Chúa. Những con người này gây khó khăn cho Hội Thánh địa phương không phải là ít, vì họ tự xếp loại cho họ là người mà đã tiếp thu những sự sâu nhiệm mang tính quốc tế, cho nên họ gây khó khăn cho mục sư họ bằng cách, so sánh vị mục sư của họ với diễn giả nào đó, khiến cho họ không thỏa lòng về nơi họ nhóm, cho nên họ cứ chạy hết nơi này đến nơi khác giống như tín đồ không nhà thờ vậy. Tôi chưa bao giờ thấy loại tín đồ này đổi mới, mà chỉ làm rắc rối Hội thánh thêm thôi. Đây là loại tín đồ hiếu kỳ, chẳng làm được việc gì cho Hội Thánh, chuyên đi quảng cáo diễn giả mà mình đã học hỏi, nhưng còn chính mình thì chẳng bao giờ thay đổi. Cái nguyên tắc bất di bất dịch của Thánh Kinh cho một Cơ-đốc Nhân mà Chúa Giê-xu đã dạy trong Thánh Kinh là gì, sách Ma-thi-ơ 5: 15 Lời Chúa Giê-xu phán: “ Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, nhưng để trên chân đèn thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà.” Cho nên đây là loại tín đồ thờ người chứ không phải thờ Chúa, vậy thì đến chừng nào thì Đức Chúa Trời vinh quang cao cả mới nhận được sự thờ phượng thật từ nơi tấm lòng của họ đối với Ngài.

4/ Thành phần yêu Chúa và thờ phượng Chúa bằng tấm lòng.

   Trong bất kỳ Hội Thánh nào, thì thành phần này rất là ít và hiếm. Trước khi đến nhà thờ họ đã chuẩn bị tấm lòng rất kỹ lưỡng, biệt riêng tấm lòng cho Chúa, trong đời sống thường ngày, Chúa luôn-luôn là Đấng được tôn cao trong đời sống họ, Chúa là trên hết. Nếu để ý bạn sẽ thấy, họ không bao giờ có những lời lẽ vô lễ  trong lúc thờ phượng, họ không nói chuyện riêng, họ không quay qua, quạy lại, nói chuyện với người này người khác, hầu làm ảnh hưởng những người xung quanh, họ không theo xu hướng nào hết mà chỉ làm theo Lời Thánh Kinh. Họ chăm chú trong tất cả mọi tiết mục thờ phượng, hát thờ phượng Chúa với cả tấm lòng của mình, chứ không phải hát cho xong bài, họ không kích động ai, cũng chẳng cực đoan. Họ không khoe mình, không cười cợt vô ý thức. Họ không theo bất kỳ phe nào, nhưng luôn thể hiện là một người có Đức Thánh Linh, yêu thương mọi người, hàn gắn đổ vỡ, và phục hồi chia rẽ. Luôn đặt hoàn cảnh của người khác vào chính mình để dễ yêu thương và thông cảm. Trong Thánh Kinh sách Rô-ma 12 : 5 Lời Chúa dạy: “ Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc.” Họ luôn có trách nhiệm với sự phát triển Hội Thánh, nhưng rất nhu mì và khiêm nhường trong mọi lời chỉ trích hoặc nặng nhẹ của bất cứ ai. Vì họ ý thức được Lời Chúa dạy trong Ma-thi-ơ 5: 9 : “ Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận,vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” Chúng ta nghĩ gì khi một Hội Thánh mà tất cả mọi người trong Hội Thánh đó đều giống nhau ở những điểm này. Chắc-chắn danh Chúa sẽ được tôn cao, và Đức Chúa Trời sẽ vô cùng hài lòng về sự thờ phượng của con cái Ngài.

II/ Lấy lại giá trị mà Chúa ban.

    Chắc có lẽ chẳng ai trong chúng ta phủ nhận mình là người tội lỗi, bất toàn, không xứng đáng gì trước mặt Chúa chứ? Nhưng nhiều người cứ viện vào những lý do trên để biện hộ cho sự bất toàn của mình, để rồi hợp thức hóa cho sự thất bại liên tiếp trên con đường thuộc linh là điều rất đáng tiếc. Qua phần hai này, chúng ta nên sơ lược qua một số sự việc sau đây để tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu khiến cho một số khá đông Cơ-đốc nhân đang thất bại trên con đường xây dựng công việc Chúa.

    Về phương diện dâng hiến. Nếu bạn đang ở tại Hoa-Kỳ thì bạn sẽ nhận thức được một điều quan trọng như sau đây. Trên đất nước của một quốc gia thờ Chúa, đặt nền tảng trên Lời của Đức Chúa Trời là Hoa-Kỳ, nhưng chỉ riêng Phật Giáo, họ đã xây được rất nhiều chùa trên đất nước này. Sở dĩ chùa được xây nhiều là do sự đóng góp rất nhiều của phật tử. Và theo các vị sư cho biết rằng, rất nhiều phật tử đã đến chùa dâng cúng, chứ không phải vận động khó nhọc đến từng gia đình, hay cá nhân, điều này không phải chỉ xảy ra ở một hay hai nơi nào đó đối với Phật giáo, nhưng hầu như tinh thần dâng hiến của những người phật tử ở đâu cũng đa số sốt sắng như vậy. Chúng ta nên thắc mắc để đặt ra một câu hỏi như sau: Tại sao tinh thần dâng hiến của các tôn giáo khá mạnh mẽ và hưởng ứng có vẻ đồng loạt, còn Đạo Chúa thì nhiều Hội Thánh khi nói đến dâng hiến cho công việc Chúa lại có vẻ khó khăn, còn tinh thần dâng hiến thì tín đồ nặng nề, không hưởng ứng đồng loạt?

   Chúng ta nên hiểu rằng, một bệnh nhân, nếu bệnh viện không tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, thì người bệnh khó hy vọng được chữa khỏi. Nhưng nếu bệnh viện đã xác định được bệnh trạng mà bệnh nhân không chịu uống thuốc thì nỗ lực của bệnh viện cũng trở thành hư không, còn bệnh nhân cũng chẳng có gì tốt hơn, mà chắc-chắn sẽ tệ hơn là điều không thể tránh khỏi. Trong Thánh Kinh sách II Cô-rinh-tô 9: 7 Lời Chúa dạy “Mỗi người nên tùy lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn nàn hay là vì ép uổng vì Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng hiến cách vui lòng.” Nhưng trong II Cô-rinh-tô 9: 10 Chúa lại hứa rằng: “ Đấng phát hột giống cho kẻ gieo giống và bánh để nuôi sống mình, sẽ phát hột giống cho anh em để làm sanh hóa ra nhiều. Ngài lại sẽ thêm nhiều trái của sự công bình anh em nữa.” Mặc dù lời hứa của Chúa cho những ai có lòng dâng hiến cho công việc thì được rất nhiều sự phước hạnh, nhưng sao có một số đông con cái Chúa vẫn khó dâng là thế nào. Để tìm hiểu về phần này chúng ta nên xem xét sơ qua hai phương diện sau đây:

      Là một Cơ-đốc nhân bạn nên hiểu cho rằng: Trên thế giới này dù loài người có đông đến đâu, và tôn giáo có mọc ra như thế nào, thì cũng chỉ được chia ra làm hai thành phần sau đây:

a/ Thành phần không theo Chúa Giê-xu.

      Thành phần không theo Chúa Giê-xu, thì Chúa Giê-xu không có ở trong tấm lòng họ, mà các thần khác sẽ ở trong tất cả mọi người thuộc thành phần này. Nếu bạn thắc mắc là tại sao lại dễ như thế, thì tôi xin trả lời: Miễn người đó không tin Chúa Giê-xu là đủ tiêu chuẩn được thần ở trong. Cho nên khi tôn giáo nào cần dâng hiến, hay kêu gọi về một vấn đề nào đó, thì thần ở trong lòng tín đồ họ, đồng loạt thúc dục họ tham gia, cảm động họ đóng góp. Cho nên họ nôn nóng để được góp phần, hầu tin rằng phước hạnh sẽ đến với sự dâng hiến của mình. Vì thế mọi công việc xây dựng và phát triển tôn giáo không có gì khó khăn.

b/ Thành phần tin theo Chúa Giê-xu.

       Thành phần tin theo Chúa Giê-xu- thì không phải ai tin Chúa Giê-xu cũng đều được Đức Chúa Trời ngự ở trong lòng, điều này bạn nghe có thấy lạ không ? Người tin Chúa Giê-xu muốn được Đức Chúa Trời ngự trong tấm lòng thì phải có tiêu chuẩn sống, chứ không phải cứ tin Chúa rồi, sống sao cũng được rồi Chúa ngự ở trong đâu. Mà phải là người tin Chúa với tấm lòng yêu thương, chân thành, nghe và làm theo Lời Chúa dạy. Tôi xin đơn cử một số câu Kinh Thánh sau đây để bạn có thể tạm hiểu được những gì tôi muốn nói.

Trong Thánh Kinh sách I Giăng 2: 3 Lời Chúa dạy: “Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. 4 Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật(c) quyết không ở trong người. 5Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài. 6 Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”

Trong Thánh Kinh sách I Giăng 2: 15 Lời Chúa dạy: “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy.”

  Trong Thánh Kinh sách I Giăng 3: 17 Lời Chúa dạy: “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!”

Trong Thánh Kinh sách I Giăng 3 : 24 Lời Chúa dạy: “Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta, là nhờ Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.”

    Cho nên trong một Hội Thánh, mà trình độ đức tin cố tình kém xa nhau, lòng yêu mến Chúa không tăng trưởng, tinh thần hầu việc Chúa sa sút, nhiều người vô trách nhiệm với linh hồn tội nhân, coi thường quyền lãnh đạo Hội Thánh, thì đa số, chắc-chắn không có Chúa ở trong long. Đó là những dấu hiệu rất tệ hại mà Hội Thánh không bao giờ có thể phát triển được. Vì khi Hội Thánh kêu gọi một công việc gì đó, dù là tài chánh, hay công sức, hoặc trách nhiệm, thì người có Chúa trong lòng tham gia thì ít, trong khi người người không có Chúa trong lòng để cảm động thì lại nhiều, nhưng lại thuộc thành phần tiêu cực, có người dẫn đến phá đổ nữa là khác.

      Như thế thì chúng ta nên đặt ra một câu hỏi: Vậy trong tương lai, có phải các tôn giáo sẽ phát triển mạnh mẽ và đi đến thành công, còn Đạo Chúa thì từ-từ lui đi rồi thất bại phải không?

Xin trả lời: Những điều tôi nói ở trên, thực tế dang diễn biến trên đất, nhưng chúng ta đừng quên rằng: Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên vũ trụ và loài người, Ngài đang cầm quyền cai quản nó, Chúa Giê-xu đã thắng thế gian rồi, và sự sống sự chết của con người trên đất đang nằm trong bàn tay quyền năng và diệu kỳ của Ngài. Ngài là Đấng làm từ không ra có, và chỉ một lời phán của Ngài thì mọi sự việc từ có ra không? Điều quan trọng là sự quyết định của tất cả mọi sự việc từ trên trời dưới đất và bên dưới đất đều nằm trong tay quyền năng của Ngài. Chỉ tiếc một điều, là những người đã được Ngài kêu gọi, mua chuộc bằng chính dòng huyết quyền năng vô tội của Chúa Giê-xu mà không ý thức được giá trị mà Chúa đã ban cho. Bạn nghĩ gì khi Thi-Thiên 8từ câu 4 đến câu 6 Lời Chúa cho biết: “

Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến?

Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?(l)

Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút,

Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.

Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm,

Khiến muôn vật phục dưới chân người:(m)”

 

        Chúng ta phải thừa nhận, là chúng ta không xứng đáng gì với Chúa cả. Nhưng trong câu 5 Ngài cho chúng ta biết rằng: Ngài dựng nên chúng ta chỉ kém Ngài một chút thôi. Vậy thì khi đối diện với con người thật, từ tấm lòng của mình, mình có dám can đảm để thưa với Chúa rằng: Đúng vậy thưa Chúa, con chỉ kém Ngài một chút thôi không? Thật đáng buồn để nói rằng: vô số người trong chúng ta không còn giống Chúa nữa, mà có rất nhiều đối tượng trên thế gian này để cho nhiều người trong Chúa giống họ. Còn nếu hầu hết chúng ta giống Chúa thì sẽ khao khát làm việc Chúa như Chúa đã là chứ? Rồi “Chúa đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.” Qua câu Thánh Kinh này, chúng ta muốn đặt ra một câu hỏi: Chúa đội cho chúng ta sự vinh hiển và sang trong để làm gì? Tôi vẫn biết, khi ai đó đặt ra cho bạn một câu hỏi: Người đạt danh hiệu Hoa hậu và nhận vương miện xong sẽ làm gì? Thì bạn không khó gì để trả lời. Vì bạn đã biết, Hoa-hậu của quốc gia nào cũng vậy, sau khi đón nhận vương miện thì họ sẽ tham gia tranh đấu cho hòa bình, làm từ thiện từ quốc gia này đến quốc gia khác, thăm viếng những nước nghèo, tham gia vận động cho bất kỳ chương trình nào của xã hội cần đến, mà vương miện hoa-hậu chỉ có một năm thôi. Còn Chúa đội cho chúng ta sự vinh hiển và sang trọng cả đời. Nhưng công việc của chúng ta làm cả đời trong Hội Thánh có bằng người hoa-hậu chỉ hoạt động một năm ở xã hội không? Đó là điều chúng ta cần phải nhìn thấy sự yếu kém không cân xứng của chính mình để xấu hổ với những gì mà Chúa đã ban cho.

     Nhưng khi nhìn vào thế giới Cơ-đốc, chúng ta vô cùng hãnh diện, vì hàng triệu người đã ý thức được giá trị của mình mà Chúa đã ban. Anh ,Chị, Em đang ngày đêm vật lộn với những công việc bề bộn xung quanh mình không mệt mỏi để phát triển công việc Chúa qua nhiều phương diện khác nhau. Tạ ơn Chúa, danh Chúa đang được cả sáng qua những bài Thánh ca được sáng tác, bài làm chứng vinh hiển danh Chúa, bài giảng luận đầy ơn. Cầu xin Chúa ban thêm sức cho các anh chị em để nhờ sức Chúa “ Cất cánh bay cao như chim ưng, đi mà không mệt nhọc, chạy mà không mòn mỏi.” Nhưng bên cạnh đó, còn vô số Cơ-đốc nhân yếu đuối sa sút, luôn-luôn muốn mình trở thành một bệnh nhân trong Hội Thánh, không thể tăng trưởng được, không thể thăm người khác được, mà cứ muốn mục sư và người khác thăm mình. Không thể nói Lời Chúa cho người khác nghe được, nhưng nói lời tầm phào, vô bổ thì cả ngày cũng không sao. Có người đọc một tuần một khúc Thánh Kinh không được, nhưng xem một ngày 3 ,4 bộ phim cũng còn thèm! Vậy thì đến chừng nào những người này mới lấy lại được giá trị mà Chúa đã ban cho họ. Nếu không kíp thay đổi thì muộn rồi không còn nữa. Trong Thánh Kinh sách Khải Huyền 22: 12 Lời Chúa Giê-xu phán: “ Nầy ta đến mau chóng và đem phần thưởng theo với ta để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.”

     Bạn là người Cơ-đốc theo Chúa Giê-xu. Bạn có sự trông đợi về phần thưởng mà Chúa Giê-xu đã hứa cho những người hầu việc Ngài không? Bạn có chắc mình là người có trong số những người đón nhận phần thưởng của Chúa không? Nếu muốn, thì từ nay trở đi, bạn đừng ở trong vị trí khán giả Cơ-đốc nữa, nhưng hãy trở thành diễn viên, để hoàn thành những công việc mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho Hội Thánh Ngài trên đất. Amen.

Servant  Elijah  Nghiem