3,040 views

Vui Với Bổn Phận

Công Bố Phúc Âm

Đề tài

Vui Với Bổn Phận

       Năm 1914, trước khi chích insulin. Dì jans của corrie ten Boom được chẩn đoán là bị bịnh tiểu đường.  Bà biết mình chẳng còn sống lâu. Thế nhưng, trong vòng vài hôm sau khi biết tin này, bà liền trở về phục vụ những chính nghĩa tôn vinh Đức Chúa Trời, vài tháng sau xét nghiệm máu cho thấy kết qủa cuộc đời bà đã gần!

      Cả gia đình tập trung trong phòng của Dì Jans, khi cha của Corri ten Boom diụ dàng báo tin cho bà. Rồi ông nói thêm: “ Jans à, một số người phải về cùng Đức Chúa Trời là Cha với bàn tay không, nhưng còn chị sẽ chạy tới Cha với bàn tay đầy.

   Đáp ứng của Jans khiến mọi người cảm động. Bà nói: những việc lành của bà chỉ là những “việc nhỏ, và đồ trang sức rẻ tiền.”  Rồi bà cầu nguyện: “ Lạy Chúa Jesus thân yêu, con cảm tạ Ngài, vì chúng con phải đến với Ngài bằng tay không. Con cảm tạ Ngài,  vì Ngài đã làm tất cả – tất cả trên thập tự giá, và những gì chúng con cần lúc sống, hoặc chết, chính là phải biết chắc như vậy.”

      Chúa Jesus cũng nhắc chúng ta rằng: ngay cả sau khi đã trung tín phục vụ Ngài, thì chúng ta cũng chỉ là người đầy tớ làm bổn phận của mình. Trong Thánh Kinh sách Lu-ca 17: 10 Lời Chúa dạy: “ Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích ; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm.” Cho nên, có một số phần sau đây, giúp chúng ta nắm được từng bước; trong bổn phận và trách nhiệm của một người hầu việc Đức Chúa Trời.

I / Sự thử thách trên bước đường hầu việc

   Ai cũng biết, theo Chúa là chấp nhận con đường thập tự giá một cách tự nguyện. Con đường thập tự, có nghĩa là chương trình của Đức Chúa Trời đã hoạch định, nó phù hợp cho từng người. Con đường thập tự, không hề giống như xa lộ tại Hoa-kỳ. Có nghĩa là chạy tự do, không có đèn xanh đèn đỏ. Nhưng vẫn có luật giao thông được quy định rất khắt khe, chẳng phải riêng gì Hoa-kỳ, nhưng tất cả các quốc gia trên thế giới này đều như vậy.

    Nhưng con đường thập tự xem ra, cũng chẳng giống như những con  đường lòng vòng trong thành phố. Mà con đường thập tự thì khó khăn hơn nhiều, “đèn xanh đỏ còn nhiều hơn”, “ổ gà vô số kể” khúc quanh không thể đếm. Có cả “trũng bóng chết” nữa.  Nhưng làm sao khi đi trong con đường này, chúng ta vui vẻ, bằng lòng chấp nhận sự khó khăn gian khổ, kể cả trường hợp phải hy sinh mạng sống của mình; mà chúng ta cũng vẫn sẵn sàng chấp nhận,  không hề thốt lên những lời nói mang tính bất mãn hay bực bội khi đối diện với những hoàn cảnh, cảm thấy hình như mọi sự đi ngược lại ý muốn mình. Chúng ta hãy nghe vua  Đa-vít được Thánh Linh cảm động để thốt lên trong Thánh Kinh sách Thi-thiên 23 : 4 rằng: “ Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi cũng chẳng sợ tai hoạ nào vì Chúa ở cùng tôi.”

       Ai tin Chúa Giê-xu và bằng lòng với mọi hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống tạm bợ này, vui vẻ bước đi trong bất cứ tình huống nào, thì  đó là người đã thấy được kết qủa đời sau là thiên đàng mà mình đang đầu tư và đeo đuổi. Đó là phước hạnh đời-đời mà thế gian này không thể có. Vì chỉ có sự sở hữu đó mới là sức mạnh, và nguồn hy vọng thật, độc nhất vô nhị, để  khiến cho người theo Chúa vui vẻ chấp nhận mọi biến cố của cuộc đời, quyết bám lấy  Đức Chúa Trời cho đến khi gặp Ngài.

     Nhiều người thường cho rằng: Hầu việc Chúa khổ lắm! Nên có một số ít người thoái thác. Nhưng đời sống hầu việc Chúa mà nhiều người cho là khổ, không phải là việc mà Chúa dành rộng rãi cho mọi người, cứ hễ  ai muốn cũng được! Mà cái khổ này chỉ để dành riêng cho những ai có tấm lòng hy sinh, đã sẵn sàng chờ để  được gọi, hầu bước vào để vui vẻ chịu khổ mà thôi! Thánh Phao-lô đã được cảm bởi Thánh Linh để ông thốt lên được  Thánh Kinh ghi lại trong sách II Ti-mô-thê 2: 3 “ Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Giê-Hô-va.”

     Trong thế giới đời tạm hiện nay, con người chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau: Có nhiều người chết vì tiền, có người chết vì tình, có người chết vì buồn chán, thất vọng, có người chết vì hoàn cảnh này, kẻ chết vì biến cố kia. Nhưng người Cơ đốc nhân thiết tưởng chỉ có một cái chết cao qúi nhất ấy là chết cho chân lý, chết cho tội nhân, để hoàn thành bổn phân và trách nhiệm trong tình yêu thương mà Chúa đã giao phó cho. Muốn đứng vào hàng ngũ của những người phước hạnh đó, thì người hầu việc Chúa phải có đức tin, và tấm lòng vâng phục trọn vẹn nơi Đức Chúa Trời. Cho nên, các sứ đồ thưa cùng Chúa rằng:  Xin thêm đức tin cho chúng tôi: Chúa không hứa là sẽ ban cho họ thêm một lượng đức tin với đơn vị tính là bao nhiêu. Nhưng Ngài trả lời trong sách Lua-ca 17: 6 rằng: “ Nếu các ngươi có đức tin trộng bằng hột cải, các ngươi khiến cây dâu này rằng: Hãy nhổ đi mà trồng dưới biển, thì nó sẽ vâng lời.”  Thế thì đức tin là gì? Trong Thánh Kinh sách Hêbơrơ 11: 1 Lời Chúa dạy: “ Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.”  Vậy, đức tin có nghĩa là: mình tin vào những điều mà mình không thấy, nhưng trông cậy vào Chúa để tin, thì sẽ có ngày mình được nhìn thấy  tận mắt những điều mình  không thấy mà đã tin. Trong Thánh Kinh sách Rô-ma 1: 17 Lời Chúa dạy: “ Vì trong Tin-Lành này có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại đễn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.”

II / Người đầy tớ phải làm gì ?

      Người đầy tớ phải làm mọi việc trong nhà của Chủ. Chủ của người Cơ đốc nhân là Chúa, nhà của Chủ tức là Hội Thánh của Ngài. Hội Thánh thì có nhiều việc: việc ở trong, việc ở ngoài, việc ở gần, việc ở xa. Nhưng tất cả mọi việc mà chúng ta đã từng vâng lời Đức Chúa Trời mà  làm, thì đó cũng chỉ là bổn phận của mình phải làm mà thôi. Và khi được làm công việc Đức Chúa Trời thì đó không phải là giúp đỡ cho Đức Chúa Trời, hay Hội Thánh, mà là một đặc ân được phục vụ trong nhà Chúa, để hoàn thành bổn phận của mình.

      Chúng ta nhớ rằng: vâng lời không phải là một điều gì đó quá đặc biệt, mà chúng ta phải cố gắng lắm để cho Chúa vui. Nhưng đó chỉ là bổn phận của mỗi người; được gọi là con của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus không có ý đánh giá thấp sự phục vụ của chúng ta, hay là làm cho chúng ta không có tinh thần hay sự khích lệ, mà chỉ thấy sự ràng buộc! Nhưng Ngài đang chống lại những người đầy tớ tự đánh giá cao con người của mình qua sự phục vụ Chúa, dẫn tới sự kiêu ngạo thuộc linh là điều đáng tiếc cho những ai đang là người hầu việc Đức Chúa Trời.

      Ở trong Thánh Kinh sách Mathiơ 20: 28 Lời Chúa dạy : “ Ấy vậy, con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” Vậy, để phục vụ Chúa được kết quả thì  mỗi người hầu việc Chúa trong Hội Thánh phải  nắm rõ hai điều sau đây:

1 / Phải hiểu rõ bổn phận mình là người đầy tớ.

     Lời Chúa dạy: “ Ai trong các ngươi có đầy tớ đi cày hoặc đi chăn, khi ở ngoài đồng về, biểu nó rằng: Hãy đến nay mà ngồi ăn hay sao? Trái lại há không biểu nó rằng: hãy dọn cho ta ăn, thắt lưng hầu ta. Cho đến chừng nào ta ăn uống xong, rồi sau người sẽ ăn uống sao? Đầy tớ vâng lịnh mà làm, thì chủ có biết ơn gì nó chăng? các ngươi cũng vậy, khi làm việc truyền phải làm, thì nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích, điều chúng tôi đã làm chắc là điều phải làm.”

2/ Những người đầy tớ phải biết thương nhau. Vì mình chỉ có chung một chủ là Chúa.

Câu Chuyện

Những người leo núi là những người đặc biệt, họ hiểu nhau rất rõ. Điều đó nhất thiết là phải như vậy. Vì những người leo núi ý thức được rằng: những người leo chung, có thể là những người cứu sống mạng mình. Vì khi leo núi, họ đều cột chung với nhau trong một sợi dây, người này không rời với người khác trong nhóm, điều đó nói đến sự an toàn mạng sống cho nhau. Vì khi một người trợt ngã người ấy sẽ không rơi xa lắm, tại sao? Vì sợ dây cột chung sẽ giữ họ không rơi xa khỏi tập thể. Nếu không có sợi dây đó, leo núi sẽ là một cuộc mạo hiểm liều lĩnh mà người ta không được phép để xảy ra.

      Ở nhiều phương diện, hội thánh bao gồm “ những người leo núi.” Chúng ta tất cả đều được nối kết với nhau trong tình yêu thương ngọt ngào của Đức Thánh Linh, để chúng ta có thể giúp đỡ nhau, khích lệ nhau. Đừng làm tổn thương nhau, đừng hành hạ nhau bằng cách này hay cách khác. Đừng nói xấu nhau, đừng hạ nhục nhau bằng bất cứ hình thức nào.  Thánh Phao-lô viết trong Thánh Kinh sách Phi-líp 2: 3 “ Chớ làm chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì  hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” Trong Thánh Kinh sách Gia cơ 3 : 14 -16 Lời Chúa dạy : “ Nhưng nếu anh em có sự ganh ghét, cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng, thì chớ khoe khoang và nói dối trái với chân lý. Vì ở đâu có sự tranh cạnh, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác.”

III/ Người đầy tớ Phải trung thành với chủ như thế nào?

       Trong Thánh Kinh sách Khải huyền 2 : 10 Lời Chúa phán “ Người chớ ngại điều mình sẽ chiụ khổ, này, ma qủy sẽ quăng nhiều kẻ trong các ngươi vào ngục , hầu cho các ngươi bị thử thách, các ngươi sẽ bị hoạn nạn trong mười ngày. Khá giữ trung tín cho đến chết rồi ta sẽ ban cho người mão triều thiên của sự sống.” Người thuộc về Đức Chúa Trời một cách thật sự, thì những lời báo trước của Chúa không phải là để cho họ lo sợ, mà để cho họ lên tinh thần, để cho họ vui mừng.  Vì đó là dấu hiệu có thể xảy đến cho những người yêu mến Chúa, say mê công việc Chúa, những người trung tín hầu việc Chúa. Họ đương nhiên là mục tiêu của Sa-tan, vì họ là những con người đang có tinh thần mạnh mẽ để chiến đấu cho vương quốc của Đức Chúa Trời, làm cảm trở công việc của Sa-tan. Nhưng sa-tan không có quyền gì để quyết định trên đời sống của học cả, mà chính là Chúa.

      Những sự bắt bớ nếu có xảy đến, thì phát xuất từ sự giận hoảng của Sa-tan.  Điều đó không quan trọng bằng sự nỗ lực không ngừng để nhận phần thưởng mà Chúa hứa dành cho sự trung tín của Cơ-đốc nhân trong đời sau. Người hăng say công việc thiên đàng, họ vui mừng khi nghe tin Sa-tan đã liệt kê họ vào danh sách nguy hiểm. Trong Thánh Kinh sách Lu-ca 12 : 4 Chúa Jêsus phán “ Ta nói cùng các ngươi là bạn hữu ta. Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa. Song ta chỉ cho các ngươi phải biết sợ ai: Phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống địa ngục; phải, ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ.”

Câu chuyện hy sinh về sự dâng hiến

       Bà Inez Updegrove học được bài học về việc phải hy sinh trong sự dâng hiến, bà nói “ Tôi thường nghĩ “ ôi Chúa, ước chi con có tiền để dâng hiến cho Chúa ! Một đêm kia trong buổi nhóm thờ phượng của Hội Thánh, tôi cũng lập lại cái điệp khúc đó trước giờ dâng hiến của hội thánh. Sau khi tôi nói xong thì có một giọng nói rất nhỏ nhẹ bên tai tôi, Chúa bảo rằng: Chứ con đang có gì trong tay đó? Đó chỉ là đồng 5 xu mà tôi dùng để đi xe về nhà sau buổi nhóm. Nhưng không chần chừ tôi thưa với Chúa: Thưa Chúa: Đây là 5 xu Chúa có thể dùng nó, và tôi bỏ vào thùng tiền dâng, thế là không còn tiền để sau khi nhóm xong về nhà. Nhưng tôi bất yên tâm.

      Lúc buổi nhóm kết thúc, có một người tự hỏi tôi muốn qúa giang về nửa đường không? Và tôi leo lên xe, đến nửa đường tôi xuống, tôi vừa xuống xe xong, thì có một người bạn cũ đang ở trong một chiếc xe đậu ngay chỗ tôi xuống nói với tôi” hãy lên xe để bà ấy đưa tôi về nhà. Bà nói: tôi thật cám ơn Chúa, vì Ngài đã cung cấp phương tiện cho tôi về đến nhà mà không cân phải lo lắng, hay tính toán.“ Chúa đã cho bà nhận thấy tình yêu thương ngọt ngào rất gần gũi của Chúa. Và trong những năm kế tiếp, nhiều người đã được cảm động bởi gương mẫu của bà về sự ủng hộ các giáo sĩ và các gia đình thiếu thốn, tất cả những sự đã  bắt đầu kể từ 5 xu. Đó là chỉ  5 xu dâng Chúa mà người đàn bà đã làm đẹp lòng Chúa. Vậy còn những người dâng cả đời sống mình cho Chúa thì có nghĩ rằng Chúa rất vui lòng về sự vâng phục Chúa của mình không? Trong Thánh Kinh sách Giăng 12 : 26  Chúa Giê-xu phán: “ Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta thì Cha ta ắt tôn qúi người.” Thánh Phao lô đã được cảm động bời Thánh Linh ông nói trong sách Phi-líp 4 : 20 “ Tôi có lòng trông cậy chắc chắn này, việc chi tôi cũng chẳng hổ thẹn cả, nhưng bao giờ cũng thế, tôi nói cách tự do mọi bề, như vậy, dầu sống hay chết Đấng Christ vẫn được cả sáng trong mình tôi.”

IV / Luật dành cho đầy tớ .

      Trong Thánh Kinh sách Luca 16 : 13 Lời Chúa dạy: “ không có đầy tớ nào được làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hay là hiệp với chủ này mà khinh dể chủ kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi ma môn nữa”.

       Vấn đề trung thành và trung tín là hai yếu tố tối quan trọng đối với bổn phận đầy tớ. Dù đó là đầy tớ thuộc chủ thế gian, hay đầy tớ của Đức Chúa Trời cũng vậy.  Ở trong Thánh Kinh sách Khải huyền Chúa Giê-xu đã phán: “ Khá trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão triều của sự sống.” Cho nên người đầy tớ phải biết rằng, mình chỉ phục vụ một chủ mà thôi. Khi nói đến tiền bạc, hoặc vật chất trong đời sống là phải có, nhưng nó chỉ là những phương tiện để giúp chúng ta trong cuộc sống tạm bợ này, nó chính là đầy tớ của chúng ta, và chúng ta có quyền điều khiển nó. Nhưng đối với nhiều người, thì tiền bạc, của cải vật chất cũng sẽ trở thành ông chủ của mình. Vì nếu chúng ta có tấm lòng hướng về nó, và tôn nó lên hàng quan trọng nhất trong cuộc sống mà mình phải cần đeo đuổi. Nếu thực tế xảy ra như thế thì người hầu việc Đức Chúa Trời vừa có chủ là Chúa, vừa có chủ là tiền tài vật chất. Một người chấp nhận có nhiều chủ, thì người đó sẽ không bao giờ hoàn thành bổn phận của Chúa giao phó cho mình. Như vậy, mình sẽ trở thành người đầy tớ thất bại trong sự hầu việc Chúa Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu phán: “ Ai hầu việc Ta, thì Cha Ta ắt tôn qúi người.”

Servant  Elijah  Nghiem