2,460 views

Đừng Sợ

Công Bố Phúc Âm

Đề Tài

Đừng Sợ

       Tác giả Henri Nouwen nhận xét rằng: Những trang đầu của sách Phúc Âm Lu-ca đầy dẫy những con người chờ đợi như: Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét, Ma-ri và Giô-sép, Si-mê-ôn và An-ne, tất cả những người ấy đều mong chờ một lời hứa của Đức Chúa Trời. Nhưng thay vì họ thụ động chờ đợi, thì mọi người đã chủ động trông đợi Chúa từng ngày, điều mà Nouwen gọi là “ Có Mặt Ngay Đúng Lúc.”

      Thí dụ như: Si-mê-ôn không để cho sự vô vọng điều khiển, mà được Thánh Linh thúc dục vào đền thờ. Lời chúc tụng của ông khi nhìn thấy con trẻ Giê-xu, tức Đấng Mê-si hứa ban, vang lên niềm hy vọng kiên trì nơi Đức Chúa Trời, ông nói: “ Mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp dân ngoại, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài.”( Lu-ca 2: 30-32)

    Nhiều người trong chúng ta thấy mình đang chờ Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện, hay làm thành một lời hứa. Nhưng trong khi chờ đợi, chúng ta bồn chồn, lo lắng rồi sanh ra bất an, phát sinh ra nhiều ý tưởng mang tính tiêu cực hay kỳ quặc, sau đó hành động theo lý trí điều khiển; chứ không phải sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Chỉ vì chúng ta quên rằng: Lời Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta ngày nay, cũng giống như đã đến với những người từng bị cuốn hút trong những sự kiện đánh dấu Giáng sinh đầu tiên như: “ Hỡi Xa-cha-ri đừng sợ” 1:13. “ Hỡi Ma-ri đừng sợ” ( 1: 30). “Hỡi kẻ chăn đừng sợ chi” ( 2: 10). Muốn đừng sợ, tất cả chúng ta đều phải lắng nghe Lời Đức Chúa Trời một cách trân trọng. Cẩn thận đặt niềm tin vào Ngài một cách tuyệt đối. Chính nền tảng của sự vâng phục tuyệt đối đó, giúp tấm lòng chúng ta mở ra, để nghe tận tường Lời Ngài hướng dẫn, hầu mình thể hiện qua hành động thực tế như thế nào cho đúng với ý muốn Chúa. Vì khi nói đến đức tin thì phải vừa tin quyết vừa hành động, chứ nếu chỉ tin mà cứ thụ động thì không được kể là đức tin. Trong Thánh Kinh sách Gia-cơ 2: 14 Lời Chúa dạy: “ Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng?

        Thật đáng buồn, khi nhìn lại khoảng thời gian dài, kể từ khi Chúa Giê-xu giáng trần đến nay đã hơn hai thiên niên kỷ rồi, biết bao nhiêu lời hứa của Chúa Giê-xu đã phán, được ghi lại trong Kinh Thánh mà Hội Thánh trong những thế kỷ đầu tiên đã đón nhận được. Biết bao nhiêu tấm gương về những anh hùng đức tin đã được nhắc đến sự thành công của họ theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh. Nhưng ngày nay, hình như càng ngày, càng có nhiều Cơ-đốc nhân thất bại về con đường đức tin. Chưa nói đến đức tin trong sự hầu việc Chúa, mà chỉ nói đến đức tin có liên quan đến đời sống thuộc thể, thì vô số người đã không thể bình an hy vọng; mà những điều họ luôn mong ước chỉ liên quan đến phương diện vật chất thôi. Vậy thì hầu việc Chúa và khải tượng về công việc Chúa; để xây dựng Hội Thánh Chúa, làm sao đức tin có thể thành hình trong đời sống của những Cơ-đốc nhân ấy được! Nếu chúng ta lấy lời hứa của Chúa Giê-xu phán trong sách Giăng: 12: 26 b “ ….Nếu ai hầu việc Ta, thì Cha Ta ắt tôn qúi người.” Đây là một lời hứa vô tiền khoáng hậu, để mọi người thấy giá trị của loài người bất toàn bất năng, hữu hạn, trước tình yêu thương của Đức Chúa Trời, về sự “ hầu Việc Chúa.” của người ấy. Chúa Giê-xu phán rằng: Nếu ai hầu việc Ngài, thì chính Đức Chúa Trời tôn qúi người ấy; chứ không phải con người trần thế này. Vậy xem ra hầu việc Chúa có qúa diễm phúc không? Nếu có cơ hội hỏi từng người, thì sẽ không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng khi nhìn vào trong Hội Thánh Việt-Nam trên toàn thế giới, thì trên thực tế có bao nhiêu người thật sự đón nhận cái diễn phúc có một không hai ấy về cho mình? Mà ngược lại, tỉ lệ phủ nhận chiếm gần hết Hội Thánh rồi! Nhưng lại khổ một điều, là không ai trong số này chấp nhận mình là người đã phủ nhận cái diễn phúc đó! Vì trong Hội Thánh thời bây giờ xem ra, “khán giả ngày càng đông hơn diễn viên” gấp bội phần. Thiết nghĩ, tỉ lệ này chỉ dành cho những chỗ vui chơi hay tổ chức sinh hoạt: Ca, vũ nhạc kịch ngoài đời. Chứ làm gì mà con số tỉ lệ này có thể đứng vững trong Hội Thánh Chúa, bao gồm toàn là những thánh nhân? Nhưng rõ ràng, thực tế Hội Thánh ngày nay là thế đó, không ai có thể chối cãi! Và nếu người Cơ-đốc cứ một mực chọn làm khán giả suốt đời, để dễ dàng xa lánh công việc Chúa, hầu cố tình trút gánh nặng cho người khác, thì có bao nhiêu người trong Hội Thánh là môn đồ thật của Chúa Giê-xu để giữ được sự gần gũi, trong mối tương giao thật sự với Chúa, mà có được bình an trong tâm hồn mình- khi đang ở trong một thế giới đầy dẫy sự bất an này?” Trong Thánh Kinh sách Rô-ma 12: 11 Lời Chúa khuyên: “ Hãy siêng năng và chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa.”

          Khi nói về lo sợ trong sự hầu việc Chúa, không phải chỉ riêng về phương diện tín đồ thôi đâu. Mà ngày nay, sự lo sợ như “cơn đại dịch” đang làm chao đảo tấm lòng của một số người chăn chiên mới đáng buồn chứ! Vì nếu không thấm nhuần Lời Đức Chúa Trời, và không nương dựa vào quyền năng vô hạn của Ngài, thì người chăn cũng mang rất nhiều nỗi lo sợ: Nào là sợ Hội thánh không phát triển! Nào là sợ Hội Thánh nọ Hội Thánh kia đông hơn Hội Thánh mình, khiến Chiên mình mặc cảm rồi chán Hội Thánh bỏ ra đi! Nào là sợ ít người, Hội Thánh không đủ chi! Nào là sợ tín đồ đi qua Hội Thánh khác lại thêm phần nói xấu mình! Rồi có nhiều nỗi sợ vẩn vơ và viển vông mà xem ra không có cách nào “điều trị” được..v….v..! Nếu công bình mà nói, thì chúng ta cũng phải thông cảm! Bởi đa số người chăn trong vùng đều sợ như thế, mà Người Chăn nào không đồng ý để cùng sợ thì cũng thật là khó! Phải chăng mình là thủ phạm gây ra sự chia rẽ anh em? Vì mình không chiụ đoàn kết để cùng anh em “Hiệp Một Trong Sự Sợ Hãi” thì làm sao coi được! Đây cũng là cái khó giải quyết cho một số ít người chăn không thích cái khuôn khổ ràng buộc mang tính xác thịt vô cùng bệnh hoạn này! Nhưng hãy theo sự dạy dỗ của Lời Chúa được truyền qua thánh Phi-e-rơ chép trong sách Công vụ 5: 29 “ Phi-e-rơ và các sứ đồ trả lời rằng: “ Thà vâng vời Đức Chúa Trời, còn hơn vâng lời người ta.”

     Có một điều rất nguy hiểm; chúng ta phải nói đến đó là: Cũng chỉ vì tình yêu thương giữa những Người Chăn với nhau qúa khô hạn, đến nỗi làm ngăn trở sự hành động của Đức Thánh Linh. Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 18: 19 Chúa Giê-xu phán: “ Qủa thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ.” Vậy thì tại sao các Người Chăn không nắm lấy Lời hứa của Chúa để hiệp một mà thành công? Tại sao nhiều Người Chăn lại cùng nhau đặt mình vào những khúc quanh do mình tự tạo ra trong cuộc đời chức vụ là thế nào? Nếu chúng ta không tỉnh thức, để tự nhổ hết những hàng rào cản vô lý thiệt hại kia, thì Đức Thánh Linh không thể làm gì trên Hội Thánh của Ngài. Hội Thánh không phát triển, là vì Ngài không thể đem tình yêu thương vô hạn của Ngài xuyên qua tấm lòng những người chăn khô hạn như thế-để đến với tội nhân! Vì tình yêu thương của Chúa trong những người chăn chưa đủ để mà yêu thương nhau, thì làm sao tình yêu Chúa “có dư” để tội nhân được hưởng “ tình yêu dư thừa ấy”? Nếu có chăng thì phần nhiều chỉ thương con số thôi, chứ không phải chủ yếu là thương linh hồn con người cho đúng với ý muốn Đức Chúa Trời! Cho nên chúng ta đừng hỏi tại sao mà Thánh Kinh bày tỏ tình yêu thương của Đức Chúa Trời cho con người xuyên suốt qua cả Kinh Thánh; từ Sáng Thế cho đến Khải Huyền? Đó là điều tối quan trọng, vì tình yêu là chìa khóa mà Chúa đã ban cho để con người theo Chúa- thành công trong cả hai lãnh vực: thuộc linh và thuộc thể. Nhưng Hội Thánh đang lần hồi đánh mất chiếc chìa khóa quyền năng mầu nhiệm đó. Ca dao Việt-Nam có câu: “ Một cây làm chẳng lên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.” Trong Thánh Kinh sách Truyền Đạo 4: 12 Lời Chúa dạy: “ Lại nếu kẻ ở một mình bị người khác thắng, thì hai người có thể chống cự nó; một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt”!

     Có nhiều nỗi lo sợ phổ biến nhất của một số Người Chăn Chiên đang trên đà phát triển trong thế kỷ thứ 20 “chuyển giao” cho thế kỷ thứ 21 này. Đó là cứ sợ tín đồ mình chạy qua Hội Thánh khác, vì như thế- thu thì sẽ hạ, mà chi thì luôn tăng, lâu dài có phần nguy hiểm, sẽ dẫn Hội Thánh đến chỗ khánh tận chăng? Vậy thì Hội Thánh sẽ phải đi đến chỗ giảm chi, cũng như một số quốc gia đang trên đà cứu nguy kinh tế vậy! Hơn nữa, nếu cả năm mà không có một tội nhân nào ở ngoài đời vào Hội Thánh thì cũng không đến nỗi nào, vì “ một linh hồn tội nhân mới chỉ quí hơn cả thế gian thôi”cũng còn được! Nhưng nếu có một “ linh hồn thánh nhân” trong Hội Thánh mà đi qua nơi khác, thì không biết lấy bao nhiêu thế gian mà có thể ví sánh được với sự mất mát vô cùng kinh khủng này! Cũng từ cái chỗ này đây, mà vô số ý kiến, vô số quy định giữa các mục sư quản nhiệm Hội Thánh trong vùng được ra đời, chỉ với mục đích “ cùm chân con chiên” hay “cảnh cáo người chăn”, để cho cả hai“Chiên” lẫn “Chăn” phải“ bỏ tật”đừng có mơ tưởng đến những linh hồn đã “qui hàng” Chúa. Còn tín đồ thì đừng mong “đứng núi này trông núi nọ” vì điều đó chỉ là mơ!

     Đây là những loại bệnh dịch rất nguy hiểm, dẫn đến chia vùng để trị. Còn nói đến Tình Yêu Thương thì từ “hiệp 1” dẫn đến “hiệp 2” chứ không còn là hiệp một như lời dạy của Chúa nữa. Nếu có kêu gọi theo gương Chúa Giê-xu, thì chỉ còn là những lời lẽ dính ở đầu môi chót lưỡi, chứ không phải ở trong lòng của một tập thể tâm linh hay Người Chăn nào đó. Vậy thì làm sao có đức tin, tình yêu thương? Làm sao sống đẹp lòng Chúa mà mong nhận lời hứa của Đức Chúa Trời? Những điều kể sơ qua ở trên không hề xảy đến trong các Hội Thánh vào thời Sứ-đồ Phao-lô. Cũng không hề có xuất hiện ở đức tính cao đẹp trong vòng những anh hùng đức tin trong Kinh Thánh. Nếu tính bảo thủ kiên cố này cứ tiếp tục kéo dài, và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, thì sự hy vọng về Đức Thánh Linh phục hưng Hội Thánh Việt-Nam đến đời nào mới thấy được mở ra; mà lại cứ cố tình kêu gọi cầu nguyện để hy vọng? Thật là xấu hổ cho rất nhiều Người Chăn thuộc Hội Thánh Viêt-Nam. Vì sợi dây phân rẽ giáo phái, giáo hội hay trong vòng những Người Chăn với nhau qúa trầm trọng, khiến chính họ từng bước vô hiệu hoá quyền năng của Đức Thánh Linh trên Hội Thánh Ngài. Đã hơn một thế kỷ, Tin-Lành đến Việt-Nam; nhưng số người tin Chúa so với tỉ lệ phát triển dân số thì được bao nhiêu? Chúng ta đang phải đối diện với nhiều thách thức và áp lực đang đè nặng trên chức vụ của chúng ta. Nhưng xem ra, thì chẳng áp lực nào đáng sợ và nguy hiểm cho bằng; chính chúng ta tạo áp lực lẫn cho nhau để ngăn trở công việc Chúa. Trên thực tế về phương diện chính trị, Mỹ đã hủy bỏ sự cấm vận đối với  Cu-Ba sau 50 năm. Hoa-kỳ đã bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt-Nam sau 40 năm. Và đã có những quốc gia cho vay nợ, đứng ra xóa nợ cho quốc gia vay mình, vì không có khả năng chi trả. Thật là một nghĩa cử vô cùng cao đẹp đáng ghi nhớ. Nhưng còn về phần nhiều Người Chăn, họ đâu có mắc nợ lẫn nhau đâu mà không xóa được “cái của nợ ấy!” Đã hơn 100 năm Tin-Lành đến Việt-Nam rồi, chẳng lẽ có nhiều người chưa thấm nhuần Lời Chúa để thức tỉnh mà khước từ sự phân biệt sao?

       Khao khát Lời Chúa, khao khát Sứ điệp của Đức Chúa Trời, đó là nhu cầu tâm linh của mỗi Cơ-đốc nhân. Bạn cứ thử nghĩ: Nếu trong mỗi gia đình, mà đến bữa cơm, người cha không quy định cho các đứa con của mình, mỗi đứa chỉ ăn duy nhất một khẩu phần bằng nhau. Chắc-chắn là vấn đề này không hề xảy ra trong gia đình, mà chỉ xảy ra trong nhà tù thôi. Vậy thì trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời; tất cả Cơ Đốc nhân cũng không có nhu cầu tâm linh bằng nhau. Việc giữ Chiên đừng để qua Hội Thánh khác, không có nghĩa là phải tìm cách “xiềng chân” Chiên lại, bằng qui định này, thông báo nọ giữa các Người Chăn trong vùng với nhau. Mà người chăn phải xem nhu cầu nuôi chiên của mình về Lời Chúa cho mọi con Chiên có đầy đủ không? Trong Thánh Kinh tác gỉa Thi-thiên 119: 50 đã kinh nghiệm được quyền năng của Lời Chúa ông nói:  “Lời Chúa làm cho tôi được sống lại. Ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn.” Cho nên, nếu con Chiên nào mà nó nghe Lời Chúa ở đó hoài mà chưa thấy được sống lại, mà cứ dở sống dở chết, thì Chiên phải đến chỗ có Chiên để kiếm thêm Lời Chúa dư dật mà sống, đó là điều tốt, mình là người chăn thì phải vui vẻ. Còn về phương diện xã giao với con Chiên đó, thì mình phải “ bình thường hóa quan hệ với Chiên” thì mới đúng là đầy tớ Chúa. Vì con Chiên ra khỏi nhà thờ mình, nhưng Chiên không ra khỏi Hội Thánh Chúa để vô Chùa hay là lạc vào Thánh thất thì mình phải cùng nhau vui mừng chứ!

     Có người hỏi tôi rằng: Theo tôi, thì một Hội Thánh có số lượng tín đồ từ bao nhiêu người trở lên mới được kể vào Hội Thánh kết qủa, để tin rằng Đức Chúa Trời sẽ hài lòng về Hội Thánh đó?

       Xin trả lời: Nếu đã gọi là Hội Thánh kết qủa thì không có con số. Vì Đức Thánh Linh là Đấng Thành lập Hội Thánh, còn Chúa Giê-xu là đầu Hội Thánh, chưa lần nào Chúa Giê-xu hay Đức Thánh Linh đề cập đến con số tín đồ mà Hội Thánh phải có. Nhưng khi đề cập đến Hội Thánh kết qủa, thì có nghĩa là tất cả mọi Cơ-đốc-nhân trong Hội Thánh đó đều phải kết qủa. Vì chẳng có bao giờ một Hội Thánh được gọi là kết qủa, mà đa số tín đồ trong Hội Thánh lại ngồi yên. Cũng chẳng có Hội Thánh nào mà tín đồ không chiụ ngồi yên, ai cũng sốt sắng rao truyền Tin Lành quyền năng của Đức Chúa Trời mà Hội Thánh đó lại không kết qủa bao giờ. Nếu bạn bảo rằng:Tình trạng Hội Thánh bây giờ khó thay đổi lắm! Vâng thưa bạn, khi đã nói đến Hội Thánh thì không có gì phải thay đổi cả. Vì Hội Thánh do Đức Thánh Linh Thành lập tiêu chẩn của Hội Thánh là tuyệt đối. Nhưng nếu đề cập đến sự thay đổi, thì từng thành viên trong Hội Thánh  phải thay đổi để phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Thánh Linh. Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh sách Lu-ca 14 27 “ Còn ai không vác thập tự  giá  mình mà  theo ta thì  không được làm môn đồ  Ta.” Sách Lu-ca 3: 9 Lời Chúa phán: “ Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.”  Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 15: 25 ghi rằng : “ Chủ đó cho người này năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn chủ lên đường.” Cho nên chúng ta phải đặt ra 2 câu hỏi:

1/ Tại sao Hội Thánh bây giờ nói chung, có một điều rất giống nhau: Ấy là Hội Thánh khó hay không thể phát triển?

Xin trả lời: Vì trong Hội Thánh ngày nay, hầu hết có một điều không thể khác nhau: Ấy là đa số Cơ đốc nhân đều muốn Hội Thánh kết qủa, nhưng lại không muốn mình kết qủa. Cho nên Hội Thánh không phát triển, có thế thôi!

2/ Tại sao Hội Thánh Việt-nam ngày nay giống như không còn muốn nhập thế nữa, mà y như là đang chuẩn bị để “xuất thế” vậy?

Xin trả lời: Vì có nhiều người chăn có cùng một ước muốn giống nhau: đó là mong Hội Thánh được phục hưng. Nhưng thực tế thì cũng trong số nhiều người chăn đó, đa số lại thích dùng “chiến thuật chia cắt Hội Thánh” thì làm sao có đủ sức mạnh để truyền bá Tin-Lành Quyền Năng của Đức Chúa Trời. Nhiều người thường đề cập đến “Chín Trái Thánh Linh, hay là Chín Phương Diện Của Đức Thánh Linh”, nhưng thực tế chỉ là những bài học thuộc lòng trên “diễn đàn” với tài hùng biện thôi! Vì nếu những người chăn cùng nhau ngồi lại để kết hợp làm một trong công tác giảng Tin-Lành, đừng ngồi lại để phân vùng, chia quyền, chỉ trích, lên án, thì Đức Thánh Linh đã thực sự thương xót mà hành động trên Hội Thánh của Ngài khắp nơi khắp chỗ; trong vòng hơn một trăm năm qua rồi.

    Nhưng cũng có một điểm phải được nhấn mạnh ở đây đó là: Đối với người Cơ-đốc Việt-nam thì cũng chẳng có bao nhiêu người khao khát được khép mình vào trong sự huấn luyện và đào tạo Truyền giáo, để trở thành một người có kinh nghiệm mà làm tròn bổn phận của mình với một công việc do chính Chúa Giê-xu giao phó, mà người ta thường nhắc đến đó là: Sứ mạng rao truyền Tin-Lành hay là Đại Mạng Lệnh của Chúa Giê-xu. Nói thì có vẻ quan trọng lắm, nhưng thực tế thì vô số Cơ-đốc nhân đang coi thường một Đại Mạng Lệnh của Vua trên muôn vua Chúa trên muôn chúa, mà bất kỳ ai thuộc về Chúa cũng không thể nào có lý do để khước từ. Cho nên số lượng Cơ Đốc nhân hữu danh vô thực hiện nay, không biết bao giờ mới trở thành “qúi hiếm” trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời! Còn lại số Cơ Đốc Nhân nhỏ bé yêu mến Chúa thì lại có phần nhút nhát, cho nên lòng hăng say bị mai một. Ca dao có câu: “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Hình như trong Hội Thánh bây giờ có hai thành phần, mà không thành phần nào phân biệt được chính mình đang thuộc về thành phần nào:“Mực” hay là “Đèn!” Cũng chẳng hiểu được mình đang là “Chiên” hay “Dê” nữa! Mà cứ sống tàng-tàng như vậy cho đến khi gặp Chúa rồi ra sao thì ra. Thật, đây là những cuộc đời giống như bài toán khó, không biết đến bao giờ mới có thể giải được đáp số vậy!

      Còn về phần Người Chăn thì phải nói rằng: Có nhiều người Chăn cũng rất là đáng kính, rất dễ thương. Nhận thấy được những sự ràng buộc trái lẽ đang làm ngăn trở công việc của Đức Chúa Trời trong vòng Người Chăn, nhưng làm sao để thoát ra. Nếu có quyết định đi ngược lại tập thể, thì sẽ có nhiều điều khó lường, có thể bị mất danh dự vì những lời xuyên tạc, chụp mũ. Cũng có thể bị cô lập trong mối quan hệ giữa các người chăn; đang chờ đợi người ấy ở phía trước. Nhưng thiết tưởng chúng ta đừng sợ. Vì khi chúng ta trở về với Thánh Kinh đi theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, vâng phục Ngài, thì chính Ngài sẽ chúc phước cho chúng ta. Vì qua sự vâng phục Chúa của chúng ta, Đức Thánh Linh có cơ hội bày tỏ quyền năng trên Hội Thánh để làm vinh hiển danh Ngài.

      Khi đề cập đến sự phát triển hay phục hưng Hội Thánh, thì hầu hết Người Chăn thích dùng trong sách Công Vụ. Mà câu Thánh Kinh hay được đề cập đến nhất đó là: Công vụ 1:8 “ Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi hãy nhận lấy quyền phép mà làm chứng về Ta tại thành Giê-ru-sa-lem cả xứ Giu-đê xứ Sa-ma-ri cho đến cùng trái đất.” Nhưng nhiều người chăn quên mất cái nguyên tắc để Hội Thánh đón nhận sự ban cho của  Đức Thánh Linh mà ra đi làm chứng; mà Hội Thánh- phải như thế nào để nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh ban cho! Không ít người cứ an phận “thủ thành” rồi lại tự dựng lên nhiều “vòng đai” chia cắt, như thế thì đến bao giờ mới nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh? Biết đến chừng nào thì Lời Chúa mới ra khỏi Hội Thánh đó, chứ chưa nói đến ra khỏi thành phố. Vậy làm sao mà Lời Chúa đến khắp thế gian được. Cho nên, trước khi người chăn và con dân Chúa muốn nhận câu Thánh Kinh trong sách Công vụ 1: 8 về cho mình, thì chúng ta đừng quên Lời Chúa Giê-xu đã dặn dò, và cách các Sứ-đồ đã một lòng một ý làm theo thật tường tận được ghi lại trong sách Công vụ 1: 12-14. Còn trong Thánh Kinh sách Phi-líp 2:1 Thánh Phao-lô đã cảm bởi Thánh Linh để ông dặn dò một cách kỹ lưỡng rằng: “ Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn. Chớ làm chi vì lòng tranh cạnh, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường coi người khác như tôn trọng hơn mình.”

     Sau khi các sứ đồ và môn đồ nghe theo lời dặn dò của Chúa Giê-xu, họ đã lên phòng cao, cuối cùng họ đã nhận được lời hứa như Chúa Giê-xu đã phán. Và từ đó trở đi, chúng ta thấy Hội Thánh Chúa phát triển không ngừng, vì các sứ đồ và môn đồ cứ một mực sống và làm theo Lời Chúa dạy, hy sinh, quên mình để tận hiến cho Đức Chúa Trời. Và cho đến sau đời các sứ đồ thì hình ảnh phát triển Hội Thánh đã bước qua một khúc quanh thật khó hiểu!

     Ước gì ngày nay, tất cả mọi Người Chăn Chiên ngồi lại theo tinh thần của câu Thánh Kinh trên, tất cả đều hiệp một, yêu thương, thông cảm, giúp đỡ nhau để cùng nhau nỗ lực rao giảng Tin-Lành từ Hội Thánh này qua Hội Thánh kia, từ thành phố này đến thành phố nọ, đan dệt với nhau như “cái lưới”, thì mới đi “đánh lưới người” được chứ. Thì mới kết qủa cho Đức Chúa Trời, mới vinh hiển danh Ngài chứ. Lúc đó Chiên nhiều rồi, nó muốn vô nhà thờ nào thì vô, chứ làm gì đến nỗi hiếm chiên như bây giờ, kiếm không ra mà phải đi “săn Chiên”, giống như đi săn thú hiếm vậy! Nhưng hiếm là đúng, vì theo như tình hình ngày nay thì vô số nơi trên thế giới   “lưới đan chưa xong,” còn đang thủng nhiều lỗ lắm, làm sao mà Chúa có thể dùng để qua chúng ta đánh lưới cho Ngài?

     Bục giảng cũng là nơi nhiều người chăn coi cao trọng lắm, điều đó là tốt. Nhưng bục giảng cũng là nơi chia rẽ, mà nhiều người chăn thuộc giáo phái khác, hay giáo hội khác đừng mong“bén bảng” tới đó được. Đành rằng chẳng phải nơi đó là tự do cho bất cứ người chăn nào muốn, vì người lãnh đạo Hội Thánh còn nhiều điều phải cân nhắc, hay sứ điệp phải phù hợp, và phải được ơn Chúa. Nhưng miễn là mình đừng có đầu óc chia rẽ anh em. Nhưng ai biết được tấm lòng ai, mà chỉ có Chúa mới biết thôi! Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 28: 19-20 Chúa Giê-xu phán: “ Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-tem cho họ và dạy họ tất cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi, và này Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Ai cũng nói đây là Đại mạng Lệnh. Đúng rồi! Nhưng khi nói tới Đại Mạng Lệnh thì chỉ đúng với ý chỉ của Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh với một số ít Người Chăn và Con Chiên thôi. Chứ không đúng với vô số Người Chăn và con Chiên còn lại. Vì nếu đúng với những người đó thì họ đâu có dám dạy và làm những gì Chúa không dạy? Và nếu đúng với tín đồ thì làm gì mà tín đồ lại nghe lời dạy “trái” của mục sư, mà bỏ qua lời dạy “phải” của Chúa?

       Có một điều quan trọng: Vì ai cũng nói là ngày Chúa đến gần rồi, thế mà người hầu việc Chúa trong vòng Tin lành, khác giáo phái, giáo hội vẫn chưa gần nhau được! Đây là một hiểm họa đang ngấm ngầm trong Hội Thánh Đức Chúa Trời, mà thiết tưởng cần phải triệt tiêu những tư tưởng không chịu tiến. Nhưng lại bị một loại bệnh là “thoái hóa tình yêu thương!” Lời Chúa đã dạy trong Thánh Kinh sách Giăng 13: 34-35 “ Các ngươi hãy yêu nhau, như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau thì tại điều đó mà thiên hạ biết các ngươi là môn đồ Ta.”

      Người ta thường nói: Người có tội thường hay ngó xuống hoặc ngó ngang, đúng như vậy. Dấu hiệu này cũng xác định cho nhiều người Chăn khi gặp nhau cũng hay ngó ngang, hoặc ngó xuống. Vì người ngó thẳng thì có Chúa ở trong, cho nên người kia phải ngó ngang là vì thấy đời sống ngươi kia có Chúa, tự cảm biết mình có tội nên không dám nhìn thẳng anh em là như vậy! Đâu có sao! Vì mình thường dạy cho tội nhân chạy đến với Chúa, để được hết tội, bỏ tật. Vậy thì mình cũng bắt chước tội nhân mà chạy đến với Ngài đi, thì Ngài sẽ sửa cái bệnh ngó ngang khi gặp anh em thành ngó thẳng, và mặt nếu có nặng như chì thì cũng được nhẹ nhàng thôi. Thế là tất cả cùng vui chứ có gì là khó! Muốn được như vậy, thiết tưởng chúng ta hãy phá cái vòng giáo phái và giáo hội, mở cửa rộng rãi và tự do cho bất kỳ Người Chăn thuộc giáo phái, giáo hội nào cũng có thể yêu thương nhau được. Nhất là kết hợp trong công tác Truyền Bá Tin-Lành, và mọi người phải thật lòng trong sự tôn trọng, để cùng nhau làm việc, nhưng phải “gớm sự dữ mà mến sự lành” như Lời Chúa dạy thì mới nên làm việc đó. Còn không thì cứ như con ốc, nằm trong cái vỏ đã có sẵn của mình rồi chờ đến ngày nằm xuống hay là đợi được cho đến khi Chúa tái lâm thì cứ duy trì. Trong Thánh Kinh sách I Giăng 4: 20 Lời Chúa phán: “ Ví có ai nói rằng; Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy , thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” Đây là một sự đáng sợ cho những ai đang đi ngược lại với lời dạy của Đức Chúa Trời. Còn nếu mình nói đâu có gì phải sợ, có nghĩa là mình đã làm theo Lời Chúa dạy, chứ không phải nói một cách bưởng bỉnh, thì Đức Thánh Linh sẽ chúc phước cho Hội Thánh Ngài phát triển khắp nơi khắp chỗ. Vậy thiết tưởng tất cả mọi người trong Chúa từ mục sư đến tín đồ, ai nấy cứ ra sức làm theo Lời Chúa dạy đi, thì có gì phải lo phải sợ đâu, mà ngược lại còn vui vẻ, phước hạnh, bình an. Và danh Chúa chắc-chắn sẽ được tôn cao khắp nơi khắp chỗ trên đất. Còn về phần hầu việc Chúa, thì mình có sự hậu thuẫn của vô số anh em gần xa, yêu thương, tận tình giúp đỡ lẫn nhau, đó là sức mạnh không thể lường được qua sự ban cho của Đức Thánh Linh, để mọi người cùng nhau hoàn thành sứ mạng mà Chúa Giê-xu đã giao phó cho đến khi được gặp  Ngài. Amen

Servant  Elijah  Nghiem ( Nghiêm – Hà- Lộc )

 

 Chân thành cảm ơn Quý vị đã vào thăm website. Xin Qúy vị giới thiệu cho nhiều người biết để cùng lãnh hội, hầu có khải tượng trong công việc Chúa sắp đến. Nguyện Chúa ban phước thật nhiều cho Quý vị và Gia quyến.