2,964 views

Hướng Về Tương Lai

Công Bố Phúc Âm

Thánh kinh :” Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm.” Ca-Thương 3:23 

Đề Tài

Hướng Về Tương Lai

Câu Chuyện:  Đừng nhìn mình, hãy nhìn Chúa .

        Khi Nữ Hoàng Elizabeth đã luống tuổi. Mặt bà nhăn nheo rất nhiều. Người ta kể rằng, một ông chủ hãng đúc tiền, không may đã bị thất sủng. Vì cố tạc hình bà cho thật giống trên đồng Silling. Thấy được vết nhăn của mình trên hình đồng tiền, bà rất sợ, và khi soi kiếng mỗi ngày vết nhăn càng hiện ra nhiều hơn. Bà rất sợ soi gương. Các hầu cận biết được ý bà; nên cẩn thận gỡ hết tất cả mọi tấm gương soi trong cung điện. Tờ Quartely  Revieuw ( một tạp chí thời đó ) nói rằng: Nữ Hoàng đã không dám nhìn mặt mình trong gương suốt 20 năm cuối cùng của cuộc đời. Chỉ vì bà sợ phải đổi diện với những cái cằn cỗi già nua mỗi ngày trên gương mặt.

      Khi nói đến Nữ Hoàng, ai cũng biết được bà là người phụ nữ quyền cao chức trọng  vào bậc nhất của Nước Anh. Thì đối với bà, những loại mỹ phẩm có mặt trên thế giới, dù đắt tiền đến đâu đi chăng nữa, cũng chẳng có gì là đáng kể so với địa vị và khả năng tài chánh của bà. Và những loại máy móc tối tân, những bàn tay bác sĩ thẩm mỹ lừng danh thế giới có thể góp phần lấy lại vẻ trẻ trung cho bà chứ? Nhưng lấy lại được bao nhiêu, và trẻ trung đến mức độ nào?, thì chẳng phải chỉ có Nữ Hoàng, mà nói chung là phái Nữ, thì ai cũng sợ già, sợ xấu, sợ da nhăn, sợ mặt nám.

      Bởi vậy, khi ngồi suy nghĩ một chút, chúng ta thấy: Đức Chúa Trời dựng nên con người chúng ta có bộ da thật tuyệt vời. Đến lứa tuổi nào, thì nó sẽ phải thế nào, dù có ai muốn chống lại sự phát triển của nó; bằng cách căng da mặt đi chăng nữa, thì nó có bổn phận phải nhăn trở lại, còn ai mà cứ cố tình căng mãi, thì đến một lúc nào đó, nó cũng trở thành dị dạng khó coi. Trong số này, cũng chẳng phải chỉ là phái nữ không thôi đâu, mà cũng có thoáng qua dáng dấp của những người thuộc phái mày râu nữa. Thế mới biết; là vô số người đang trau dồi, chau chuốt cái vẻ đẹp của con người bề ngoài một cách quá cẩn thận, còn cái sống chết của con người bề trong thì lại cố tình bỏ bê! Cho nên trong Thánh kinh sách IICô-rinh-tô  4:16 Lời Chúa khuyên dạy chúng ta: “  Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ càng ngày càng đổi mới càng hơn.” Đó là Thánh Kinh nói về những người đặt niềm tin vào Chúa Cứu Thế Giê-xu. Còn nếu người không đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu, mà  nếu người bề ngoài hư nát, thì con người bề trong cũng chẳng còn gì! Có nghĩa là linh hồn sẽ hư mất đời-đơi nơi hỏa ngục. Qua bài học này, chúng ta lướt sơ qua một số nét sau đây:

I  /  Đời sống Cơ Đốc là đời sống đổi mới .

           Khi nói đến đổi mới, có nhiều người muốn lắm. Vì mỗi người đều có một; hay nhiều khuyết điểm, hoặc có những tật  xấu, thói quen khó bỏ. Nhưng nếu muốn bỏ, muốn thay đổi, để đừng bao giờ phải làm phiền lòng những người xung quanh như: Gia đình, vợ con, bạn bè, hay người lân cận, thì phải làm thế nào, để có thể thay đổi được? Đó là câu hỏi mà có cả hàng triệu người đã quan tâm, nhưng không nhận được kết qủa khả quan về cho bản thân mình. Cho nên cứ hứa đi, hứa lại, với người này, người nọ, rồi cuối cùng cũng trở về lại bản tính, hay con người cũ, mà nhiều người thường nói nôm na : “Ngựa quen đường cũ” là như vậy.

            Chúng ta phải hiểu rằng: Khi đời sống của một người muốn đổi mới, thì không có nghĩa là người đó tự tuyên bố, rồi tự thay đổi. Vì cốt lõi của những cái xấu trong đời sống của mình,  nó không nằm ở ngoài thân thể mình, nhưng nó nằm ở trong tấm lòng mình. Việc đổi mới ở trong lòng, không phải là việc của con người, hay là của tôn giáo, hoặc là từ một quyển sách của nhà tâm lý học nào đó mà kết quả được. Mà do quyền năng biến đổi của Đức Thánh Linh, đối với những ai có lòng thật tâm. Một người không thật tâm, không phải Đức Thánh Linh không thể có cách nào để thay đổi người đó. Nhưng Ngài không bao giờ làm việc đó, đối với những người giả hình, không muốn thay đổi.

      Con người, do chính Đức Chúa Trời dựng nên, Ngài ban cho chúng ta có sự suy nghĩ, có lương tâm như một tòa án thu hẹp nằm ở trong tấm lòng. Để chúng ta có thể xem xét những hành vi cử chỉ, cùng những quyết định đúng sai thế nào, trước khi chúng ta quyết định, và hành động. Nhưng nếu chúng ta là người thuộc loại cứng lòng và chai lỳ với lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời, thì lương tâm coi như không còn nhậy bén nữa. Vì lương tâm không thể gíup để thuyết phục cho con người xác thịt, chai lỳ, ngoan cố, khi đứng trước bất kỳ một sự việc gì!

          Trong một thế giới tối tăm tội lỗi này, Hội Thánh của Đức Chúa Trời đang được Đức Thánh Linh xây dựng ở khắp mọi nơi. Khi nói đến Hội Thánh, là nói đến những con người đã được biến đổi, biến cải. Họ là một tấm gương, hay hình ảnh đậm nét tình yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu, khiến cho người thế gian phải chú ý đến và tìm hiểu về Chúa. Nhưng khi đi vào thực tế của các Hội Thánh trên khắp thế giới hiện nay, không ít thì nhiều, Hội Thánh nào cũng đầy dẫy những gánh nặng, những nan đề, khó có thể giải quyết được, đang nằm trong đời sống của một số Cơ-Đốc nhân. Nếu không xây dựng, không sửa sai, cứ im lặng, thì công việc Chúa bị ảnh hưởng, làm gương xấu cho những tân tín hữu, hay thân hữu, mỗi khi đến nghe lời Chúa. Nhưng khi nói đến; mặc dù chỉ bằng cách khuyên bảo nhẹ nhàng thôi, thì bản tánh xác thịt sẽ nổi dậy, có thể tuần lễ sau đó sẽ biến mất, mà người ta thường nói vui là:“ bốc hơi rồi.” Sau đó dùng điện thoại lôi kéo hết người này đến người khác, nói xấu mục sư, và tìm cách lập bè đảng để, nói hành, cốt ý làm cho người đó về phe mình mà rời bỏ Hội Thánh. Đây là thành phần Cơ-đốc nhân thuộc loại giả hình, đang hiện diện khắp nơi, ở trong các Hội Thánh. Thiết tưởng Hội Thánh trên toàn thế giới phải có chương trình cầu thay đặc biệt cho những con người này! Trong Thánh Kinh sách Ga-la-ti 5: 19 có liệt kê một số bản tính xác thịt mà chúng ta thường gặp như sau: “ Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm ô-uế luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán tranh đấu, ghen gét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, gây gỗ say sưa, mê ăn uống cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em như tôi đã nói rồi. Hễ ai phạm những việc thể ấy, thì không hưởng được nước Đức Chúa Trời.”

      Nếu bạn muốn trở thành người Cơ-Đốc không có những bản tính xác thịt nằm trong danh sách ở trên, thì bạn phải thuộc vào loại người kính sợ Đức Chúa Trời. Vì trong Thánh Kinh Lời Chúa dạy “ Kính sợ Đức Giê-hô-va ấy là khởi đầu sự khôn ngoan.” Nếu bạn không có sự khôn ngoan từ nơi Chúa, thì bạn không thể là người yêu mến Chúa. Mặc dù hiện nay bạn tự cho mình là người thuộc loại hầu việc Chúa sốt sắng đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là những công việc tâm linh mang tính bề ngoài, nó như tấm màn, che đậy những cố tật thuộc xác thịt, nằm ở bề trong của bạn, để chờ ngày xuất đầu lộ diện. Cho nên, bạn không thể là người có bản tính khiêm nhường, hạ mình, để học tập theo gương của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ông bà mình thường nói với con cháu “ No thì mất ngon, giận thì mất khôn.” Nhưng nếu một người Cơ-Đốc mà không kính sợ Chúa, thì đã có khôn đâu mà mất? Trong Thánh Kinh sách Châm-ngôn 9: 10 Lời Chúa dạy: “ Kính sợ Đức Giê-hô-va ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là điều thông sáng.”

       Hiện nay có một số khá đông Cơ-Đốc nhân tại Hoa-Kỳ xem ra không còn là người Cơ-Đốc nữa. Họ không còn “ Khôn ngoan như rắn, đơn sơ như chim bồ câu”. Mà họ đã biến họ, và một số người Cơ-đốc yếu đuối theo họ, để trở thành “một sản phẩm gây rối”. Nay thì họ kéo nhau đến với Hội Thánh này, một thời gian sau không bao lâu thì họ muốn đến hội thánh khác. Đi đến đâu cũng muốn được mọi người tôn trọng, đón tiếp nồng hậu. Nếu đến với Hội Thánh nào mà mục sư cảm thấy mừng, giống như được Chúa ban cho, thế là họ bắt đầu lên mình, làm giá. Chứ họ không phải là những người khao khát Lời Chúa tìm đến để học hỏi. Cho nên hơi một chút xíu gì đó, thì lại tỏ thái độ bất mãn đòi đi, rồi tạo phe đảng, rủ rê một số người tín hữu nhẹ dạ đi theo. Họ đi đến đâu, thì gieo tai họa đến đó. Những loại tín hữu này thuộc loại hâm hẩm. Càng học lời Chúa, bản chất càng khó trị, nói miệng thì thuộc linh, mà hành động toàn là thuộc thể.  Thành phần này được gọi là “ Cơ-đốc nhân du mục.” Công việc của họ là đi khủng bố tâm linh.” Chứ không phải đến để thờ phượng Đức Chúa Trời, và góp phần xây dựng công việc Chúa. Nhưngsự phán xét của Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh sách II Cô-rinh-tô 5: 10 Lời Chúa cho biết như sau: “ Bởi vì chúng ta phải ứng hầu trước tòa án của Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh điều thiện, hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.”

 II /  Đổi mới là dấu hiệu mong ước ở tương lai.

           Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 7: 21 Lời Chúa phán: “ Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạu Chúa, lạy Chúa thì đều được vào nước thiên đàng đâu, nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.”

       Sau ngày 30 Tháng Tư Năm 1975, Việt-Nam rơi vào trong tình trạng thay đổi chế độ! Không những xáo trộn về chính trị, nhưng kéo theo cả về kinh tế, và vô số phương diện khác bị khủng hoảng nhanh chóng trước sự đen tối của quốc gia. Lúc ấy, các địa phương có những cửa hàng lương thực mở ra bán gạo, và các lọai nhu yếu phẩm, theo hộ khẩu. Người mua xếp hàng thật dài, kiên nhẫn chờ đợi cả tiếng đồng hồ, mới đến phiên mình,nhưng vẫn vui vẻ, miễn là  tên mình ở trong danh sách được gọi là vui rồi. Hàng lối xếp theo sự chỉ dẫn, và rất là trật tự. Mọi người răm rắp tuân theo lệnh của cửa hàng trưởng, đa số là phụ nữ, những người có vóc giáng rất  nhỏ bé.

       Nếu qua hình ảnh đó, để mỗi người chúng ta tự hỏi rằng: Tại sao, tôi lại thuận phục một con người tầm thường, chẳng ra gì? Nhưng xem ra lại dễ hơn là thuận phục Đức Chúa Trời cao cả quyền năng vô hạn lượng, là Đấng dựng nên con người đó? Nếu ai viện dẫn câu Thánh Kinh mà Đức Chúa Trời dạy là “ Phải vâng phục các bậc cầm quyền.” Nếu nói như vậy thì đối với vô số người, Đức Chúa Trời là Đấng không có quyền gì hết hay sao? Có phải Ngài là Đấng dựng nên những người có quyền không? Tại sao chỉ có một chút vật chất phải trả bằng tiền, mà chúng ta dễ nghe lời con người? Còn Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã tự nguyện hy sinh trên thập tự vì tội lỗi của chúng ta, mà chúng ta không phải sắp hàng để đón nhận. Hơn nữa, Ngài còn hứa ban thiên đàng vô điều kiện cho chúng ta. Như vậy có phải nhiều người nghĩ là “thiên đàng qúa rẻ” và sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu quá dễ, cho nên không thể tôn trọng Lời dạy của Đức Chúa Trời sao?

      Khi đặt ra những câu hỏi này, chúng ta cảm thấy thật sự xấu hổ về chính bản thân mình, mà không thể che dấu được trước ánh sáng của lời Chúa! Khi chúng ta đối diện với Lời của Đức Chúa Trời! Người Cơ-đốc đã từng hiểu được: Đức Chúa Trời là Vua trên các vua, là Chúa trên các chúa mà? Và mọi người tin Chúa Giê-xu đều biết được giá trị của lời Chúa là quyền năng, đâu có giống như lời của loài người bất năng, bất toàn đâu. Trong Thánh Kinh sách Thi-Thiên 19: 9  nói về giá trị của Lời Chúa như sau: “ Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng. Lại ngon hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong. Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu. Ai gìn giữ lấy, được phần thưởng lớn thay.”

        Quyết định đổi mới đời sống con người, là tránh nhiệm của chủ mỗi con người đó. Không phải trách nhiệm của tập thể, hay bất kỳ một giáo hội, giáo phái nào . Trong Thánh kinh sách I Phi-e-rơ 3: 3 Lời Chúa khuyên chúng ta: “ Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt. Nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức ở bề trong, giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sách chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng. Ấy là quí giá trước mặt Đức Chúa Trời.”

      Nếu bạn là người muốn đổi mới, bạn phải có chìa khóa để mở cho mình một bước khởi đầu vững chắc, thì bạn mới có thể hy vọng. Sự đổi mới là một quyết định vô cùng quan trọng, vì nó liên quan đến sự sống chết của mỗi Cơ-đốc nhân. Sự đổi mới là một bước ngoặc lịch sử vĩ đại, đối với bất kỳ ai đó, khi đã nghe và thấm nhuần lời dạy của Đức Chúa Trời. Người thật sự đổi mới, là người lấy tâm linh để hướng dẫn cho thuộc thể. Có nghĩa là người đó bước đi theo lời dạy của Đức Chúa Trời. Và nếu ai đi theo đúng như vậy, thì thuộc thể phải phục tùng theo sự hướng dẫn của tâm linh. Thánh kinh dạy cho chúng ta cách đặt nền tảng bước đầu cho việc đổi mới được chép trong Thánh Kinh sách Lu-ca 18 : 16 Chúa Giê-xu phán: “ Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm, vì nước Đức Chúa Trời, thuộc về những người giống như con trẻ ấy.” Đối với con người, khi mới lọt lòng mẹ, thì người ta gọi đứa bé là trẻ sơ sinh. Khi tuổi đời mỗi năm được thêm vào, thì người ta có cái cách gọi thứ tự theo từng lứa tuổi. Người tuổi càng cao, thì kinh nghiệm sống càng nhiều, suy hơn tính thiệt, và cân nhắc, đắn đo, tính toán kỹ lưỡng từng chút một. Vì ông bà ta cũng thường nói “sai một ly, đi một dặm.” Đó là những lời dạy phải cẩn thận trong sự tính toán- đối với một thế giới, một xã hội, mà mình không thể dễ dàng tin tưởng ở mọi người, với bất kỳ công việc gì. Vì con người ở thế gian này: khó tin, khó trung thực. Gian dối và lừa đảo khắp nơi khắp chỗ.

       Nhưng con người thuộc linh, theo lời Chúa dạy, thì nó hoàn toàn đi ngược lại với con người thuộc thể. Vì Chúa dạy: Con người thuộc thể của bất cứ ai đang trong lứa tuổi nào mặc dầu, thì đối với Lời dạy của Đức Chúa Trời, người đó phải giống như con trẻ. Vì cái đặc biệt của một đứa trẻ mà người lớn không có đó là: 1/ Chỉ biết nương dựa duy nhất vào cha mẹ. 2/ Bảo gì nghe nấy. Không hề biết cãi lại. 3/ Dặn điều gì là nhớ điều ấy, và cứ thực hành đúng như vậy. 4/ Luôn-luôn nói thật. Cho nên, nếu Cơ-đốc nhân bất kỳ thuộc lứa tuổi nào, mà tâm linh luôn ở trong tình trạng của một đứa trẻ, khi đối diện với Lời của Đức Chúa Trời, sẽ đạt được những điều sau đây:

       1/1 Luôn-luôn nương dựa vào Chúa, không nương dựa vào của cải, bằng lòng với tất cả những gì hiện có, khôngchạy theo sự giàu sang của đời này, hay tìm cách trục lợi về cho mình một cách bất chính.

      2/2  Không bao giờ biết nghịch lại với lời dạy của Đức Chúa Trời. Không tự ái, hay mặc cảm khi lời Chúa đụng đến những khuyết điểm của bản thân mình, vì Chúa phán: ” Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào, đến nỗi chia hồn linh cốt tủy và xem xét tư tưởng và ý định ở trong lòng.” Hê-bơ-rơ 4: 12

      3/3 Chúa hướng dẫn điều gì, và dạy cách thực hành như thế nào, thì người đó cứ nhất-nhất tuân theo. Không bao giờ dùng lý trí, hay sự tự cao, tự đại, qua các bằng cấp đạt được của thế gian, cũng chẳng bao giờ nghe theo sự xíu dục của Sa-tan mà thực hành ngược lại với lời dạy của Đức Chúa Trời.

        4/4 Đối với Lời Đức Chúa Trời, khi truyền đạt cho bất cứ ai, phải nói thật, không được nói sai. Phải nói theo Thánh Kinh, chứ không nói theo giáo hội, hoặc giáo phái. Lời Chúa dạy trong Thánh kinh sách II Ti-mô-thê 2: 15 “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời, như người làm công không chỗ trách được., lấy lòng ngay thẳng, giảng dạy lời của lẽ thật.”

      Trên thế giới hiện nay, đang có hơn hai tỷ người quay trở về với Đức Chúa Trời. Thuộc nhiều giáo hội và giáo phái khác nhau. Tất cả mọi người tin Chúa Giê-xu đang ở trong các tổ chức này, ai nấy đều tin rằng: Mình chắc-chắn được về thiên đàng sau khi chết. Vâng, đó là lời hứa của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài không bao giờ thay đổi với bất cứ ai. Vì Ngài là Đấng Trung tín và Chân thật. Nhưng về phần bạn, bạn có làm theo lời Chúa dạy để được về thiên đàng gặp Chúa sau khi chấm dứt ở đời tạm này hay là không, thì điều đó không phải do Chúa, mà là do chính sự quyết định của mỗi người, khi thực hành niềm tin, có làm đúng với lời dạy của Ngài hay không? Hay là làm theo sự chỉ vẽ của giáo hội, giáo phái? Trong Thánh Kinh sách Rô-ma 12: 1 Lời Chúa dạy: “ Đừng làm theo đời này, ,nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” Amen.