3,056 views

Ai Quyết Định

Công Bố Phúc Âm

Kinh Thánh : Châm ngôn 16 : 1 – 9 “ Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va.Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài. Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.” ( CN 3 : 5-6)

Đề tài

Ai Quyết Định

I / Kinh nghiệm về quyền năng của sự cầu nguyện.

         Vô số người làm chứng lại rằng: Vào thập niên 60, quân đội Bắc-Hàn đã chuẩn bị sẵn sàng. Chờ đến Mùa đông khi con sông phân chia Nam-Bắc đông đặc lại, là họ sẽ tiến công qua sông tấn công chiếm Nam-Hàn. Và điều này là chắc-chắn. Bắc-Hàn đã nắm phần thắng trong tay.

    Vậy, theo như quý vị: Thì khi Nam-Hàn biết được điều đó, Nam-hàn sẽ có hành động chống đỡ bằng cách như thế nào? Họ sẽ chuẩn bị điều gì trước? Dàn quân tập trận, hay là báo động toàn quốc? Không! Đứng trước tình thế nguy ngập của quốc gia, họ có một hành động ưu tiên rất khôn ngoan. Và hành động khôn ngoan đó là gì? Các Hội Thánh Nam-Hàn họp lại, hiệp một, hết lòng cầu nguyện với Chúa là Đấng dựng nên con sông đó. Họ cầu xin Đức Chúa Trời can thiệp, để trong Mùa Đông năm nay, xin Chúa cứu đất nước này, cho nước con sông này đừng đặc lại. Và quả thật như vậy. Nhiệt độ của Mùa đông năm nay thay đổi, cho nên nhiệt độ nước sông cũng thay đổi, khiến nước sông không đặc lại. Cho nên công lao của quân đội Bắc-hàn chuẩn bị rất ư là kỹ lưỡng, và sự hy vọng chiến thắng của họ, đã tan tành theo mây khói. Vì Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu xin của Hội Thánh Ngài.

       Chúng ta phải biết rằng: ma qủy không sợ người mưu trí, cũng chẳng nể người học rộng tài cao, cũng chẳng khiếp sợ khi gặp phải người to con lớn tác, hoặc là người có dòng họ đã tin Chúa lâu đời. Nhưng ma qủy luôn sợ lời cầu nguyện của người tin Chúa thật lòng- trong danh Chúa Giê-xu. Cho nên đứng trước mọi thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng nhìn vào tình trạng của cải vật chất của chúng ta đang có gì, cũng đừng nhìn vào hoàn cảnh của chúng ta đang trầm bổng như thế nào. Nhưng hãy nhìn vào trong biểu đồ thuộc linh của chính mình, để xem mức độ đức tin của chúng ta đối với Chúa ra sao. Từ đó, chúng ta mới cầu hỏi ý Chúa rằng: Thưa Ngài con phải làm theo Ngài bằng cách như thế nào, xin Ngài chỉ dạy cho con.

      Từ bài học đó. Cho nên, mấu chốt căn bản để mở đường cho đời sống của một con người, xem ra có hai điều quan trọng mà chúng ta phải chọn mộ đó là:

1 / Mình tự quyết định mọi việc trên đời sống của mình mà không cần đến ý Chúa.

2 / Hạ mình để cầu xin Chúa hướng dẫn mình, cho mình biết phải quyết định mọi sự trên đời sống mình bằng cách như thế nào.

       Là một Cơ đốc nhân, chúng ta không phải là người dại dột nữa, bèn là người khôn ngoan. Cho nên chúng ta không thể nói là chúng ta chưa từng biết phải nương cậy vào Chúa bằng cách như thế nào. Trong Thánh kinh sách Ê-phê-sô 4:14 Lời Chúa dạy: “ Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.” Qua Lời dạy của Chúa, chúng ta hãy trở về quá khứ một chút, để thấy những gì con người tự quyết định mà bỏ qua Lời dạy của Đức Chúa Trời thì nó đem đến hậu qủa như thế nào? Ông A-đam và bà Eva đã không vâng theo lời dạy của Đức Chúa Trời, dành quyền quyết định theo sự khôn ngoan của cá nhân mình, kết qủa là đưa cả nhân loại đến chỗ chết mất về phần tâm linh.

Bây giờ chúng ta hãy đọc câu chuyện sau đây:

      Vào đầu năm 1988, khi thủ Đô Seoul sắp tiếp đón Thế vận hội. Thì tình hình chính trị ở Nam-Hàn rất hỗn loạn. Các sinh viên biểu tỉnh chống chánh phủ dữ dội, làm cho cả thế giới đều hướng về Séoul vì tất cả mọi sự tập dợt của các quốc gia đã sẵn sàng hết rồi. Trước tình hình đó. Ủy ban tổ chức  Olympic thế-giới phải lên tiếng cảnh cáo chính phủ  Nam-Hàn. Họ cho biết sẽ đến kiểm tra lần chót, trước khi thế vận hội tổ chức. Nếu chính phủ Nam-Hàn không dẹp được sự nổi loạn khi đi kiểm tra thì sẽ bãi bỏ Thế vận hội. Cảnh sát và các cơ quan an ninh phối hợp rất chặt chẽ bằng mọi cách nhưng đã vô hiệu quả. Tổng Thống Nam-Hàn còn một cách cuối cùng, là cầm chiếc điện thoại của mình gọi cho Mục- sư Yonggi Cho. Xin ông kêu gọi Hội Thánh cầu nguyện cho. Mục sư liền kêu gọi mấy trăm ngàn tín đồ của Hội Thánh. Kiêng ăn cầu nguyện cho cuộc biểu tình lắng diụ. Lạ lùng thay, trước khi Ban thanh tra Olympic đến một ngày, chẳng ai muốn bạo động nữa, họ tự giải tán. thế là mọi việc được tiếp tục.

      Đã là Cơ Đốc Nhân trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, tôi muốn hỏi qúy vị: Chúng ta muốn quyết định tất cả mọi sự việc trong đời sống chúng ta, hay xin Chúa quyết định cho chúng ta? Chúng ta muốn Chúa quyết định mọi việc trên Hội Thánh chúng ta, hay chúng ta tự quyết định thay cho Chúa? Chúng ta muốn quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình chúng ta, hay xin Chúa soi sáng, hướng dẫn để chúng ta quyết định theo ý muốn Ngài?

     Chúng ta có một sự sai lầm lớn, cần phải thay đổi đó là: Luôn-luôn muốn gạt Chúa qua một bên để mình quyết định trước, hầu thoả mãn sự khôn ngoan cũng như ước muốn cá nhân. Nhưng khi sự việc có dấu hiệu thất bại thì lại chẳng ai chiụ nhận khuyết điểm về cho mình, cố gắng đổ thừa cho hoàn cảnh. Nếu người Cơ-đốc mà lanh trí thì đổ thừa cho Chúa với câu: “ý Chúa được nên” thế là xong, thoát nạn. Cho nên đến lúc tan nát hết mọi việc mới bắt đầu cầu nguyện xin Chúa quyết định cho. Nếu ngày nay chúng ta cứ khăng-khăng một mực; mà đi ra ngoài sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời, không thay đổi những gì mình đã từng sai lầm, thì vậy thử hỏi: khi thực hiện những công việc thuộc về Chúa, thì chính chúng ta có phải là thủ phạm làm cho công việc của Ngài trở thành hư hại không? Những hành động bất tuân như thế, cũng đâu có thể lọt qua được sự công bình của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét đâu. Nhất là những công việc thuộc về Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

          Trong Thánh Kinh sách IICô-rinh-tô 5:10 Lời Chúa cho biết:“ Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.”

II / Cuộc đời Cơ-đốc muốn dừng lại- hay muốn tiến tới.

        Chúng ta hãy nghe lời Thánh Phao-lô được Đức Thánh Linh cảm động ông thốt lên trong sách Phi-líp 3:13-14 như sau: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” Nếu ai trong chúng ta cũng kinh nghiệm sự từng trải qua sự thành đạt của Phao-lô, thì mọi người cũng sẽ có kết qủa như Phao-lô vậy. Nhưng trên thự tế của công việc Chúa hiện nay, có rất nhiều người có quan niệm khác thường như trong Thánh kinh sách I Ti-mô-thê  1:6 Lời Chúa cho biết: “ Có vài kẻ xây bỏ mục đích đó, đi tìm những lời vô ích.”

      Nếu đời sống tâm linh của người Cơ-đốc nào đó mà muốn dừng lại, thì người đó cứ thoả lòng với những gì mình đã làm được ít nhiều về công việc Chúa trong đời sống, giống như là một chiến lợi phẩm, rồi an phận, coi đó là qúa đủ cho cả cuộc đời rồi mà không phải làm gì thêm nữa! Nhưng chúng ta đừng quên rằng: đây là sự trở ngại lớn nhất cho chính đời sống trưởng thành về phương diện tâm linh của mình. Không những thế, mà qua đó nó còn trở thành một chướng ngại làm cản trở những người khác, vì bản tánh kiêu ngạo của thành tích mình.

      Nếu muốn tiến tới thì đừng nên thoả mãn với tất cả những gì mình đã đạt được. Vì Chúa Giê-xu đã phán: “ Ngoài Ta ra các ngươi không làm chi được.” Bởi chính khi chúng ta cảm thấy mọi sự việc mình đã đạt được, so với công việc Ngài giao cho chúng ta cả một đời người, thì nó chẳng có gì gọi là đáng kể. Từ đó khiến chúng ta cảm thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa, và đó chính là động cơ thúc đẩy chúng ta hăng hái trong mọi việc Chúa, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Thánh Phao-lô đã nói: “ Tôi quên lửng mọi sự ở đằng sau……………..” Càng làm được điều gì đó, chúng ta lại càng cảm thấy mình không ra gì trước mặt Chúa. Người muốn tiến tới là người luôn hạ mình xuống, chính sự hạ mình làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Câu chuyện : Quyết Tâm Tiến Tới.

       Nhiều năm trước đây, một hoạ sỹ Hy-lạp đầy hứa hẹn tên là Timanthes ở dưới sự dạy dỗ của một thầy phụ đạo danh tiếng. Sau mấy năm hoạ sỹ thanh niên sáng tạo một bức chân dung tuyệt vời. Anh ta qúa xúc động về một việc mình đã làm từ ngày này qua ngày khác cứ ngồi chiêm ngưỡng bức họa của mình. Tuy nhiên một sáng nọ, anh thấy bức họa của mình bị thấy phá hủy . Anh đến hỏi Thầy. Thầy trả lời: Theo anh, anh thấy điều đó tưởng chừng như là đã hơn hẳn mọi người và coi như đó là điều khó mà ai đạt được . Nhưng anh đã sai rồi, anh làm như thế là anh tự dừng lại ở tại đó và bắt đầu bản tánh kiêu ngạo của anh sẽ nổi lên. Anh không thể tiến tới bằng tài năng của nghệ thuật nữa. Nhưng anh đang phát triển cá tính khó chiụ của mình. Tôi hiểu được điều đó ở trong anh. Nên bắt buộc tôi phải phá hủy vì tương lai của anh.

         Anh học trò khóc và nói rằng: Thưa thầy, đây là những giọt nước mắt đầu tiên mà con phải đổ ra, mà cũng chỉ một mình thầy có thể làm cho con khóc. Nay con bằng lòng để thầy quyết định trên cuộc đời của con. Thầy bảo: bây giờ con hãy vẽ bức hoạ khác xem có tốt hơn bức hoạ đầu tiên không? Lần này anh ngồi vẽ với vẻ khiêm nhường và hạ mình, trao trọn mọi sự quyết định cho thầy để nhờ thầy hướng dẫn. Anh tạo ra một tác phẩm tuyệt tác mệnh danh là “ Sự hy sinh của Iphigenia” Được coi là một bức hoạ đẹp nhất thời cổ.

       Một người Cơ Đốc nếu ý thức được: Chúa là Đấng luôn-luôn làm tất cả mọi tốt lành nhất cho cuộc đời mình. Và nếu người đó có một sự hiểu biết, để ý thức được về lời dạy của Đức Chúa Trời qua thư của  Phao Lô viết trong sách Phi-líp 4 : 13 : “ Tôi làm được mọi sự là nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.”  Thì người đó cũng có thể mở miệng để nói như Phao lô rằng: “ Trong những kẻ có tội đó ta là đầu “ và  “ Tôi coi mọi sự như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.” Thánh Phao-lô đã được cảm bởi Thánh Linh để ông thốt lên một lời nói vô cùng chân thật với lòng mình được chép trong Thánh Kinh sách “Phi-líp 3:13 như sau: “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích.”

       Chính đời sống của một người hạ mình là một đời sống kết qủa. Một đời sống hạ mình khiêm nhường là một đời sống biểu hiện từ trong lòng ra ngoài hành động, đó là một điều đáng tin. Chứ không phải bằng hành động ở ngoài để cố gắng chứng minh những gì đang có ở trong lòng mình, thì đây là điều đừng dễ tin.

III / Làm sao có thể thay đổi từ sự quyết định của mình. Nay chiụ phục dưới sự quyết định của Chúa?

   Câu chuyện :

     Nhà thiên tài sáng chế Thomas Edison đã thiệt mất hoàn toàn những phòng thí nghiệm to lớn ở tại New Jersy trong cơn hoả hoạn xảy đến vào một đêm tháng 12 năm 1914. Sáng ngày hôm sau, ông bước đi giữa đống hoang tàn của một toà nhà trước kia rất sang trọng và đẹp đẽ với không biết là bao nhiêu là dự án chưa hoàn tất của ông. Edison bấy giờ đã 67 tuổi. Ông nói: “Cơn tai biến này rất qúy giá. Trong đống đổ nát này có những điều tôi đã sai lầm với Đức Chúa Trời được chôn vùi ở tại đây. Cảm tạ ơn Chúa đã cho tôi cơ hội bắt đầu trở lại.”

      Chúng ta đã có quá nhiều sự tính toán phải không? Chúng ta đã có nhiều ước mơ phải không? Chúng ta đang có những kế hoạch thật tốt đẹp trong tương lai phải không? Và chúng ta có nghĩ rằng, một ngày nào đó tất cả những điều ấy đã trở thành sai lầm mà Chúa phải phá hủy nó hoàn toàn để giải phóng chúng ta ra khỏi tất cả mọi sự lầm lạc không?

      Có phải đến lúc đó chúng ta mới nhận ra và thưa với Chúa rằng: Tất cả những gì con đã bị tiêu tan là do sự tính toán sai lầm của con, vì con bước đi theo ý con, chứ không theo ý Chúa. Bây giờ xin Chúa cho con làm lại từ đầu và con xin tuân theo sự quyết định của Ngài. Có đúng vậy không?

      Có nhiều sự việc, hay công trình trong đời sống chúng ta bị gãy đổ một cách hình như bất ngờ, khiến chúng ta ôm ấp sự thất vọng tràn trề. Nhưng rồi một thời gian sau đó chúng ta nhìn lại. Chúng ta cảm ơn Chúa vì Ngài đã giải phóng chúng ta. Những cái chúng ta đã mất: là những cái làm chúng ta mất phước. Nay Chúa làm mới lại, ban cho chúng ta những điều tốt nhất theo ý muốn Ngài. Đó là những sự phước hạnh mà chúng ta cần phải có trong đời sống của chúng ta, mà qua biến cố đó chúng ta đã tỉnh thức.

      Một đời sống Cơ-đốc khôn ngoan, thiết tưởng: đó phải là một đời sống gắn liền với Lời của Đức ChúaTrời, và luôn-luôn xin Ngài hướng dẫn mọi sự việc trong cuộc đời mình, và nhất quyết không để một sự sai lầm đáng tiếc nào được lập lại mà xảy ra trong tương lai. Lời Chúa phán trong Thánh Kinh sách Châm ngôn “ Lòng người toan định đường lối mình. Song Đức Giê-hô-va chỉ dẫn các bước của người.“Amen.

Servant  Elijah  Nghiem