3,504 views

Giáo Phái Và Sợi Dây Xích

Công Bố Phúc Âm

 

Đề Tài

Giáo Phái Và Sợi Dây Xích

      Trong Thánh Kinh sách I Cô-rinh-tô 13: 13 Lời Chúa dạy rằng: “ Bây giờ còn có ba điều này: đức tin, hy vọng, và tình yêu; nhưng điều quan trọng hơn hết đó là tình yêu.”Tiến sĩ Archibald MacLeish nói rằng: “Tình yêu giống như ánh sáng, càng qúi giá trong chỗ tối tăm.”

     Khi đề cập đến tình yêu, chúng ta có thể nói: Tình yêu trong Chúa đó là loại tình yêu bất diệt, và sức mạnh của tình yêu rất là kinh khủng, nó vô hiệu hóa được kẻ thù, để khiến thù thành bạn! Tình yêu này không phải là loại tình yêu có ranh giới, hay giới tính, vì nó mang hình ảnh thiêng liêng cao qúi từ nơi Chúa. Tình yêu này cũng chẳng phải là loại tình yêu mang tính đặc thù của một dân tộc nào. Nó cũng chẳng phải là loại tình yêu được đóng khung trong từng nền văn hóa riêng biệt của bất cứ sắc dân nào. Nhưng nó là loại “Tình Yêu Không Biên Giới”. “Loại tình yêu xuyên văn hóa”. Nhưng khổ nỗi, loại tình yêu này không thể xuyên được giáo phái! Vì hiện nay có vô số người hầu việc Chúa đã nhân danh Chúa Giê-xu để dùng loại tình yêu này xây dựng giáo phái mình. Nên nó đã trở thành loại “Tình Yêu Giáo Phái”. Có biên giới, mang tính ganh tị, chia rẽ. Vì nó kéo theo một sợi dây xích giáo điều, để biểu dương giáo phái. Đối với nhiều người Cơ-Đốc hiện nay, thì ý nghĩa nguyên thủy của một loại tình yêu bất diệt như trong Thánh kinh đã đề cập không còn nữa. Vì họ đã được vô số người hầu việc Chúa trang bị cho loại “tình yêu giáo phái.” Cho nên sợi dây xích giáo điều đã quấn quanh tâm linh họ, khiến họ chấp nhận sự “tù tội” để an nghỉ nơi sợi dây xích ấy. Đến nỗi chỉ loanh quanh luẩn quẩn như “con gà ăn quẩn cối xay”, chứ không còn nếm trải được sự ngọt ngào của tình yêu trong Chúa là gì? Và trách nhiệm cùng bổn phận của mình trong Chúa là chi?

   Ai trong chúng ta cũng biết được câu Thánh Kinh, mà mọi người thường gọi là Đại mạng lệnh của Chúa Giê-xu được chép trong sách Ma-thi-ơ 28: 19 như sau: “ Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân. Hãnh nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ tất cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Nhìn vào thực tế hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận một điều tối quan trọng đó là: Người tín hữu trong thời đại hiện nay đã qúa xa rời với Lời Đức Chúa Trời. Người tín hữu bây giờ chỉ rành rẽ về lời mục sư giảng thôi, chứ còn chẳng biết gì đến Lời Chúa phán. Cho nên hiên nay, đa số tín hữu đang ở trong “cái lò tà giáo”, bị nhiều người dẫn mình ra khỏi Chân lý mà không biết! Nhưng lại được dạy, cứ ai ngoài giáo phái mình là tà hết- thế mới lạ chứ! Vậy thì tay cầm Thánh Kinh để làm gì? Có Thánh Kinh để làm chi? Những người tín hữu thuộc thành phần này là đang sống trong “lời của người chăn”. Chứ không phải Lời của Đức Chúa Trời!

      Giả sử nếu bạn đã biết rõ một người tên là A. Người này thuộc loại xã hội đen, chuyên cứơp của giết người. Nhưng đâu có phải tất cả mọi người tên A đang hiện diện trong thế giới này đều giống anh ta đâu. Muốn biết người, hiểu người, thì phải tiếp xúc với người, chứ không phải chỉ tiếp xúc với cái tên của người đó mà đánh gía con người họ. Chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21. Trình độ hiểu biết của con người bây giờ đã được nâng lên rất cao, cho nên những sự suy nghĩ lỗi thời, thấp kém, mang tính thiển cận, ấu trĩ, thiếu hiểu biết, cần phải được loại bỏ, để nhường chỗ cho những sự hiểu biết có giá trị mà thế vào, hầu có thể hòa hợp với sự phát triển của một thế giới văn minh hiện đại. Nhất là người mục sư, hay tín hữu phải nhớ Chúa Giê-xu dạy rằng : “Người tin Chúa Giê-xu là muối của đất, là ánh sáng của thế gian.”  Nhưng thực tế vô số người đang ở trong một hệ thống tối tăm, mà chính mình không hề biết mình đang bị như thế, thì mình còn giúp cho ai được! Bạn có nhìn thấy cái điểm yếu của các tổ chức giáo phái không? Họ sợ bạn đi ra khỏi giáo phái thì tổ chức giáo phái đó sẽ yếu dần đi. Còn thu nhập thì bị giảm. Cho nên vô số Hội Thánh ngày nay đang ra sức kìm giữ tín đồ, không phải với mục đích triển khai truyền giáo để cứu người. Mà để giữ số tiền thu nhập, lại vừa củng cố cho tổ chức giáo phái thêm vững mạnh. Họ qúa bận tâm cho xác thịt và tổ chức tâm linh mang tính thế gian, đến nỗi không còn đủ thời gian để đầu tư vào công tác cứu người nữa! Một lời làm chứng cho tội nhân thì không thấy, nhưng toàn thấy những lời chỉ trích, phê bình và chia rẽ thì nhiều. Trong Thánh Kinh sách I Cô-rinh -tô 9: 22 Thánh Linh cảm động Phao-lô để ông nói rằng: “Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu được một vài người không cứ cách nào.” Tương lai linh hồn của những người tin Chúa Giê-xu mà không làm theo Lời Chúa, mà chỉ làm theo lời loài người thì cuối cùng linh hồn những người ấy sẽ đi về đâu? Trong Thánh kinh sách Ma-thi-ơ 7: 21 Chúa Giê-xu phán: “ Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa thì được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ nào làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” Là một người hầu việc Chúa, hay một tín hữu, bạn hiểu câu Thánh Kinh này như thế nào? Theo bạn nghĩ, câu Thánh kinh này có liên quan đến bạn không?

       Bây giờ chúng ta cùng nhau đặt ra một câu hỏi: Người tin Chúa Giê-xu cần giáo phái hay cần Chúa Giê-xu? Nếu công bình mà nói, thì người tin Chúa Giê-xu cần sống có tổ chức, mà tổ chức đó phải là phi giáo phái. Vì tổ chức đó trước hết, giúp cho người tin Chúa Giê-xu không bị lạc lõng trong niềm tin của mình, có nhiều người khích lệ, an ủi và sát cánh với mình để hoàn tất bổn phận và trách nhiệm Chúa giao cho mình. Đặt mình trong một tổ chức, là đặt mình trong một hệ thống hướng dẫn làm việc tâm linh mang tính thứ tự có kỷ luật để đạt hiệu qủa làm vinh hiển danh Chúa. Cho nên người đó được huấn luyện, học tập, được trang bị để trở thành một chứng nhân kết qủa cho Đức Chúa Trời. Nhưng hầu như mục đích cao đẹp đó đã bị thế chỗ. Để thay vào đó là lên mình, kiêu ngạo, coi những người trong tổ chức khác nhỏ hơn mình với con mắt không ra gì! Xuyên tạc, chia rẽ là sở trường của những người có tấm lòng thờ giáo phái, và những người lãnh đạo giáo phái lần hồi được tín đồ thiếu hiểu biết về Lời Chúa, hợp thức hóa cho họ trở nên như giáo chủ Hội Thánh vậy. Thay vì trở thành chứng nhân, bây giờ lại trở thành người “bất nhân”, coi anh em giống như là kẻ thù của mình! Như vậy thì giáo phái có tốt không? Vậy phải chăng giáo phái đã làm biến chất con người mà Chúa Giê-xu đã gọi là muối của đất, là ánh sáng của thế gian, đến nỗi bây giờ không còn cách nào để lấy lại phẩm chất tâm linh của con người mà Chúa Giê-xu đã từng đặt hy vọng vào họ để thay đổi thế giới, quốc gia , thành phố, hay chính nơi ở của họ!

       Người Việt-nam đến Hoa-kỳ một vùng đất tự do. Điều mà những người tin Chúa Giê-xu mừng nhất đó là: được tự-do hầu việc Chúa. Nói đến ngôi nhà thờ để thờ phượng Đức Chúa Trời, thì đối với những giáo hội đã thành hình từ Việt-nam, những người nắm gốc rễ có sẵn, qua vùng đất này được giáo hội mẹ, giáo hội con giúp đỡ, sớm có cơ ngơi để làm nơi nhóm họp. Nhưng đâu phải tất cả những gì xảy ra trong Chúa đều là tốt đẹp đâu. Vì còn ở trong thế giới tạm bợ này, thì còn nhiều chuyện để bàn tán lắm. Có những người hầu việc Chúa ở trong giáo hội này, hay giáo hội khác bị áp lực phải bỏ ra đi. Bây giờ tìm kiếm một chỗ nhóm để thờ phượng Chúa, tiếp tục sứ mạng cứu người đâu phải là chuyện dễ. Nhưng rồi qua lời cầu nguyện với lòng khao khát, thì Chúa cũng lắng nghe, rồi được nhà thờ này thuộc giáo phái nọ giúp đỡ, mà không có cái tên giáo phái quen thuộc như Baptist hay CMA thì cho ngay là tà giáo! Bắt đầu phun nọc độc để ngăn chận sự phát triển của họ. Thật là mâu thuẫn, khi cứ người này cầu nguyện xin Chúa giúp, thì người kia phá đổ. Chính vì như thế mà cầu nguyện hoài cũng chẳng thấy Hội Thánh kết quả? Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 18: 19 Chúa Giê-xu phán: “ Quả thật, Ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha Ta ở trên trời sẽ cho họ.” Tôi không biết bạn hiểu câu Thánh Kinh này như thế nào. Nhưng theo tôi, thì Chúa không dạy những người theo Chúa cùng chung giáo phái phải thuận nhau. Vì khi Chúa Giê-xu còn tại thế, Ngài “chưa gia nhập” giáo phái nào. Và đến khi Chúa Giê-xu thăng thiên, thì Ngài cũng không truyền cho con dân Chúa ở lại phải theo giáo phái nào. Kéo dài cho đến ngày Lễ Ngũ Tuần, thì Đức Thánh Linh lại thành lập Hội Thánh chứ không thành lập giáo phái! Vậy mà bây giờ Cơ Đốc Nhân coi giáo phái quan trọng hơn Hội Thánh! Vì thế, cho nên thay vì gìn giữ và phát triển Hội Thánh, thì người ta phát triển giáo phái là chính, còn Hội Thánh chỉ là phụ! Còn nếu bảo Chúa Giê-xu là đầu Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể Ngài thì làm gì có tình trạng Hội Thánh phân rẽ như ngày nay!

     Bây giờ chúng ta đặt thêm một câu hỏi: Người Cơ Đốc sau khi chấm dứt hơi thở cuối cùng, thì cần một lễ tang có tầm cỡ, với một mục sư chủ lễ nổi danh. Hay là cần sự bình an trong Chúa Giê-xu? Trong Thánh Kinh sách Truyền đạo 12: 7 Lời Chúa dạy: “ Bụi trong trở về đất y nguyên như cũ, còn thần linh thì trở về nơi tay Đức Chúa Trời là Đấng ban cho nó.” Bạn đừng quên rằng: xác thịt sau khi tắt hơi, thì nó lần-lần bị phân hủy để trở về đất. Nhưng việc làm của xác thịt thì không hề trở về đất, mà lại về trời, để chờ ngày phán xét của Đức Chúa Trời. Bạn có ngờ điều tôi đang nói không? Trong Thánh Kinh sách II Cô-rinh-tô 5: 10 Lời Chúa dạy: “ Bởi chưng chúng ta đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.” Lời Chúa đã cảnh báo như thế. Vậy thì có lý do nào mà chúng ta lại cố tình đảo ngược đời sống của Thánh Phao-lô, để tiếp tục đi theo tấm gương đáng sợ của Sau-lơ?  

     Ngày Chúa Giê-xu trở lại thật rất gần. Cho nên Đức Thánh Linh đã cảm động Phao-lô để ông nhận biết đời sống này qúa ngắn ngủi. Ông đã thốt lên được Thánh Kinh ghi lại trong sách Phi-líp 3: 6 “ Về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ Hội Thánh; còn về sự công bình của luật pháp thì không chỗ trách được. nhưng vì cớ Đấng Christ tôi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy sự lời như là sự lỗ, vì sự nhận biết Chúa Giê-xu là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, tôi vì Ngài mà bỏ mọi điều lợi đó. Thật tôi coi mọi sự như rơm rác hầu cho được Đấng Christ.” Người tin Chúa Giê-xu ý thức được bổn phận của mình đó là kính Chúa yêu người. Thánh Phao-lô là người đã đi đúng ý muốn của Đức Chúa Trời. Đó là yêu mến Chúa, yêu mến lẫn nhau và cùng nhau yêu mến tội nhân. Vậy, nếu bạn cho mình là người đã được tái sanh, đã được đổi mới, luôn-luôn có tấm lòng yêu mến Chúa. Thì có gì chứng minh là bạn đã từng trải qua hai bước quan trọng ấy trong cuộc đời? Thánh Phao-lô đã chứng minh, ông là con người ấy bằng suốt cả thời gian còn lại của cuộc đời mình. Và Thánh Kinh đã ghi tại trong sách II Ti-mô-thê 4: 7 như sau: “ Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ vững được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.” 

      Tôi không biết sau khi bạn đọc câu Thánh kinh này, bạn có sự hy vọng gì khi rời bỏ thế giới để trở về với Chúa mà có sở hữu được sự mong ước giống như Phao-lô không? Những lời ông được Chúa Thánh Linh cảm động để nói ra, là những lời mang mục đích tối hậu cho người Cơ-đốc trước khi chấm dứt hơi thở cuối cùng. Tôi khuyên bạn hãy đọc thật chậm và suy gẫm. Vì câu Thánh Kinh ấy gắn liền với sự mơ ước của mỗi người Cơ-Đốc. Giả sử chúng ta đặt ra một câu hỏi: Cuộc đời còn lại của người tin Chúa Giê-xu muốn gì? Chẳng lẽ bạn lại trả lời: Xe hơi, nhà lầu, vàng, hột xoàn…v…v…Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 6: 33 Chúa Giê-xu dạy gì: “ Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho mọi điều ấy nữa.” Nếu đã nói đến cuộc đời tạm, thì không cần phải có mọi điều ao ước muốn có. Vì sẽ có ngày chúng ta rời bỏ thế giới này để trở về thiên đàng. Vậy chúng ta cần gì? Chúng ta cần hoàn thành Đại mạng lệnh mà Chúa giao phó cho chính mình. Muốn thế, mọi người phải có tinh thần phi giáo phái, và phải có tình yêu thương với tất cả mọi người.

     Hơn nữa, chúng ta sẽ quyết tâm noi theo gương Phao-lô, để coi hết thảy mọi sự lời như sự lỗ. Chúng ta nên dẹp bỏ tất cả những gì mang tính thế gian, làm cản trở bước đường tin kính và yêu mến Chúa của chúng ta. Hãy xóa bỏ ranh giới giáo phái. Hãy yêu thương nhau bằng tấm lòng chân thật, chứ không phải đầu môi chót lưỡi. Để cùng nhau góp công góp sức mà hầu việc Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh sách Rô-ma 12: 9 Lời Chúa dạy: “ Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.” Hãy cùng nhau nỗ lực truyền giáo, hãy có lời nói an ủi và khích lệ lẫn nhau, hầu có sức mạnh mà chịu đựng thử thách cũng như gian khổ mà tiếp tục rao truyền Tin-lành cho đến hơi thở cuối cùng. Trong Thánh Kinh sách Ê-phê-sô 4: 29 Lời Chúa dạy: “ Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói, hãy nói một vài lời lành cho kẻ nghe đến.” Đừng bàn đến thịt và huyết. Nhưng hãy quan tâm đến Sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mình, để có nhiều người được biết đến Danh Chúa Giê-xu, hầu tội họ được tha, linh hồn được cứu, tên họ có trên thiên đàng. Mà chính mình cũng không bị trật phần ân điển. Đừng xem trọng giáo phái hơn Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Và cũng đừng mang bản tính phân rẽ, hay ném những cái nhìn thiếu thiện cảm, lạnh lùng, hoặc lời lẽ khó nghe đối với những người không cùng giáo phái với mình. Amen.

 Servant  Elijah  Nghiem