3,179 views

Quyền Hành Giáo Phái

Công Bố Phúc Âm

Đề Tài

Quyền Hành Giáo Phái

        Không biết xuất phát từ đâu. Mà có người viết thư đến cho tôi. Chia sẻ về sự buồn bã trong vấn đề tâm linh hiện nay. Nên hỏi tôi một loạt câu hỏi để xem ý kiến cá nhân tôi thế nào.

     Trước khi đi vào nội dung của những câu hỏi và câu trả lời, thì tôi xin thưa trước rằng: mỗi người chúng ta đều có toàn quyền chọn lựa cho phần tâm linh của mình, vì hiện nay có một số giáo hội, lãnh đạo đã dùng quyền hành để “bao vây” tâm linh tín hữu, bằng những quy định này, thông báo nọ. Đó là sợi dây xích tâm linh vô hình mà Sa-tan đã trao cho người lãnh đạo có trách nhiệm với nó để “cột trói bạn”. Khiến bạn bị “bại liệt tâm linh,”chỉ loanh quanh luẩn quẩn với quy định của loài người, hầu biến bạn trở thành một thành viên của tổ chức tôn giáo trần gian mà không biết. Và những câu trả lời của tôi trong bài này, mang tính cá nhân. Bạn có thể đón nhận hay phá bỏ nó đều có giá trị ngang nhau. Bởi bài viết không mang tính đả phá, phê bình hay chỉ trích, mà nó chỉ tỏ rõ trình độ hiểu biết rất giới hạn của người trả lời, có thế thôi. Chúc bạn đọc vui vẻ!

 Câu hỏi thứ nhất: Chương trình thờ phượng Chúa của các Hội Thánh trong giáo hội, có cần phù hợp với giáo nghi không?

Xin Trả Lời: Nếu bạn tự nguyện hiến “Thân” và “Hồn” cho một tổ chức thuộc giáo hội, hay giáo phái nào đó, để họ tự quyền sử dụng “thân” và “ hồn” của bạn. Thì bạn phải chấp nhận sự thờ phượng theo quy định của họ một cách đồng nhất là điều đương nhiên. Giả sử, nếu bạn là người có trình độ hiểu biết về phương diện thờ phượng-mà Chúa đã dạy trong Kinh Thánh, hơn cả người ra quy định hay thông báo cho bạn, mà bạn vẫn nắm níu ở đó, thì cũng có nghĩa là bạn tình nguyện đem sự hiểu biết về Lời Chúa của bạn-mà dâng cho luật lệ của loài người để họ vô hiệu hóa điều qúi giá mà bạn đang có!

    Cho nên, nếu bạn cố tình khép mình vào phép tắc loài người, khiến nghẹt ngòi sự tương giao với Đức Chúa Trời, nhất là trong sự thờ phượng, để bạn sống bởi luật lệ hay quy định của tổ chức, thì có nghĩa là bạn đã đi theo sự hướng dẫn của loài người, chứ không còn theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh nữa! Vì thế, bạn không còn cơ hội bày tỏ tấm lòng mình trong sự thờ phượng bằng cách hết lòng đối với Đức Chúa Trời. Chính vì lẽ đó mà Đức Thánh Linh không thể hướng dẫn tấm lòng bạn dâng cao đến tột đỉnh của sự thỏa lòng. Trong Thánh Kinhn sách Giăng 4: 43 Lời Chúa dạy: “ Nhưng giờ hầu đến và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.” Chúa đã dạy rõ là lấy “tâm thần, lẽ thật” Chứ Chúa không hề dạy: lấy “quy định và thông báo” của giáo phái, hay giáo hội để thờ phượng!

 Câu Hỏi Thứ Hai: Ông nghĩ gì về việc một giáo hội nọ quy định: Tòa giảng phải được biệt riêng để giảng Lời Chúa?

    Theo cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng: Đây là một quy định, hay thông báo mang nhiều “ kẽ hở”. Thiếu rõ ràng và kém phần tế nhị. Vì tòa giảng nào mà chẳng biệt riêng để giảng Lời Chúa? Nếu không biệt riêng thì ai lại đi gọi là tòa giảng. Phải chăng điều này không dám nói rõ, vì muốn ngăn chặn mọi thành phần, bất cứ là thành phần nào có tên tham dự trong tiết mục thờ phượng, khi bước lên chỗ “có cái bục giảng”? Hay là muốn cái gì đó! Chứ  cái bục giảng nó chỉ là sự hình thành của một số miếng gỗ, nhưng đừng vì mục đích ngấm ngầm không thể nói, mà thần thánh hóa nó giống như “hình tượng”. Bục giảng dù có giá trị đến đâu, cũng không quan trọng bằng người đứng giảng! Chân lý không phải bởi bục giảng mà ra, nhưng do người giảng. Những cuộc truyền giảng ngoài trời, nhiều chỗ đâu có bục giảng, mà cả hàng chục ngàn người tin Chúa. Chẳng qua là muốn nâng quản nhiệm lên cao hơn, và muốn ngăn chận thành phần nào đó. Nên không muốn cho ai lên chỗ đó để đứng có thế thôi.

     Một Hội Thánh mà có sắp đặt đầy đủ chỗ cho mọi thành phần, thì bục giảng, ngoài ông mục sư cũng đâu có ai muốn “leo” lên đó đâu. Nhưng đây là quyền của một tổ chức lãnh đạo. Bạn không có quyền thì bạn cứ phải làm theo. Nếu bạn không muốn làm theo, vì nghe nó hơi ngộ-ngộ thì bạn đừng “theo!” Cho nên phải nghiên cứu thêm một vài câu được trích dẫn ra sau đây để thêm phần thú vị:

Tòa giảng phải được biệt riêng, để dành cho mục sư chủ tọa.

Như vậy có nghĩa là; ngày đó có mục sư Hội Trưởng đến giảng, cũng không được đứng vào chỗ đó, vì ông không phải là mục sư chủ tọa!

Tòa giảng phải được biệt riêng để giảng Lời Chúa.

Phải chăng bất kỳ ông mục sư lãnh đạo nào, đến bất kỳ Hội Thánh nào trong giáo hội, mà không liên quan đến giảng Lời Chúa, cũng không được đứng trong bục giảng? Nếu ông có được mời cầu nguyện khai lễ đi chăng nữa, thì ông cũng phải đứng ngoài bục giảng để làm gương chứ, cho đến tiết mục giảng lời Chúa thì ông mới được đứng vào chỗ đó. Vì theo thông báo mà?

Tòa giảng phải được biệt riêng cho mục sư.

   Nếu đừng có mục sư ở bất kỳ giáo phái nào được giáo phái, hay giáo hội này mời đến thì được. Nhưng thực tế thì vấn đề này hơi khó. Cho nên, nếu dùng câu này, thì giáo hội, hay giáo phái phải ra luật cho mục sư quản nhiệm. Hầu cho họ không được mời bất kỳ mục sư nào ngoài giáo hội! Nếu vi phạm thì………….. đó là xác thịt!

Câu Hỏi Thứ Ba: Không được xoay qua xoay lại, xoay trước, xoay sau bắt tay chào hỏi, theo ông thì sao?

     Tôi nghĩ rằng: Giáo hội, hay giáo phái nào bắt buộc các Hội thánh trong tổ chức không được làm như thế, thì cũng có nghĩa là các lãnh đạo họ biết rõ: là trong tổ chức của họ không có thánh nhân, mà chỉ có tội nhân thôi. Mà tội nhân khi bước vào“nhà tù tội” mỗi sáng Chúa Nhật còn bắt tay làm gì nữa. Lỡ trong cái bắt tay, mà truyền thư từ, hay kế hoạch vượt ngục thì nguy hiểm! Cho nên, nếu bạn không muốn mình bị xếp vào thành phần đó, thì bạn có quyết định cho bạn.

Câu Hỏi Thứ Tư: Ông có nhận thấy sự thờ phượng Chúa bây giờ mất tự do không?

   Tôi thấy chứ! Nhưng sự thờ phượng Chúa có tự do hay là không, đều do chính mình tự chọn lựa nơi để thờ phượng thôi. Người Việt-nam của chúng ta đang sống trong một quốc gia mất tự do. Đây là điều mà bạn không thể chọn lựa, nên bạn phải chấp nhận. Còn hiện nay. Vấn đề tâm linh lại đến thời kỳ Hội Thánh phải ở trong một giáo hội mất tự do. Vậy thì còn ý nghĩa gì cho phần tâm linh? Vấn đề này không bắt buộc bạn phải chấp nhận, mà bạn có quyền chọn lựa. Tôi thiết nghĩ, trong thời Thánh Phao-lô cũng chưa từng xảy ra như một số giáo hội ngày nay.  Như vậy, xem ra mục sư quản nhiệm bây giờ chỉ là “bù nhìn” của một Hội Thánh. Theo tôi nghĩ, nếu tình trạng Hội Thánh bây giờ mà giáo hội, hay giáo phái quản lý luôn phần tâm linh con người, thì đừng gọi là “mục sư quản nhiệm Hội Thánh” nữa. Mà hãy gọi là “mục sư quản lý tâm linh” cho nó đúng với tổ chức.

 

Câu Hỏi Thứ Năm: Hiện nay ông đang theo giáo hội hay giáo phái nào?

       Tôi hiện chẳng theo giáo hội hay giáo phái nào cả. Vì tôi đã được nếm mùi vị rất sâu đậm của hai loại tổ chức này. Nên tôi quay về với Thánh Kinh: Đó là theo Chúa. Khi bạn theo Chúa là bạn vượt lên trên tổ chức trần gian, bạn sẽ tiến đến phi giáo phái. Có như thế, thì bạn mới mở rộng vòng tay để chan hòa tình yêu thương giữa những người tin Chúa với nhau, để cùng nhau làm chứng về Chúa, hỗ trợ nhau trong công tác rao truyền danh Chúa-mà không phân biệt bất kỳ tổ chức, hay Hội Thánh nào. Đức Thánh Linh thành lập Hội Thánh, chứ Ngài không thành lập giáo hội hay giáo phái. Nhưng để cho sự hầu việc Chúa được kết qủa, thì con dân Chúa phải sống trong một tập thể được gọi là Hội Thánh Đức Chúa Trời. Nhưng không dùng tập thể để phô trương hay lên mình kiêu ngạo, hay tạo thành một tổ chức để trị. Mà gắn bó với nhau những ngày còn trên đất, để rao truyền danh Chúa. Hầu cho mỗi người  hoàn thành bổn phận mà Chúa đã giao phó cho mình.

    Chúc bạn sáng suốt để đặt đúng mục đích sống cho tâm linh mình. Cuộc đời còn lại của mỗi chúng ta trên đời tạm này, còn lại duy nhất là phần tâm linh. Đừng cho phép ai dùng “ xiềng xích” để “cột trói” nó. Vì không ai có quyền xâm phạm nó. Duy nhất người sở hữu phần  tâm linh mới có quyền quyết định tâm linh cho chính mình thôi.

Servant  Elijah  Nghiem