2,173 views

Không Mù Chữ-Nhưng Mù Nghĩa

Công Bố Phúc Âm

Đề-Tài

Không Mù Chữ-Nhưng Mù Nghĩa

Nếu bạn “ quăng “ tầm nhìn vào trong thế giới, chỉ nói riêng về phương diện Đạo Chúa, thì bạn thấy, trường Thần học được mở ra khắp nơi. Và càng ngày, những người lãnh đạo tinh thần lại càng xây dựng thêm nhiều trường Thần học nữa. Mục đích là để đáp ứng nhu cầu khao khát tâm linh cho những người muốn học Lời Chúa ở khắp mọi nơi trên thế-giới: Hầu sau này làm mục sư, làm giáo sư, làm giáo sỹ.. v..v… Học thì dễ, vì mỗi trình độ, có thời gian nhất định của trình độ. Dù người đang học có đeo đuổi đến trình độ nào đi chăng nữa, thì đến một lúc nào đó, cũng có ngày kết thúc để ra trường. Nhưng hiểu thì rất khó. Vì hiểu; không có thời gian tính, cho nên, khi nói đến  một phân đoạn Kinh Thánh, hay một câu Kinh Thánh nào đó, chẳng ai dám ấn định cho ai đó, trong vòng bao nhiêu thời gian thì được gọi là hiểu “hoàn toàn”. Vì người đọc, hay học Lời Chúa phải hiểu theo ý Chúa chứ không theo ý mình. Nếu nói đến ý Chúa, thì không bao giờ Chúa dạy chúng ta chỉ một lần; trong vài phút là hết nghĩa! Vì Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn. Cho nên, Lời Đức Chúa Trời cũng chẳng có sự giới hạn cho bất cứ ai, khi học, hay đọc bất kỳ câu, hay đoạn Kinh Thánh nào.

Cũng vì chính chỗ này đây, mà hiện nay có nhiều người nghĩ rằng: Muốn giải nghĩa Lời Chúa theo  giáo phái, hay Kinh Thánh cũng giống nhau, đó là điều sai lầm trầm trọng! Không ít người ngày nay có bằng cấp Tiến sĩ, Cao học, họ ngồi muốn “mục” ghế nhà trường. Nhưng khi ra chức vụ mục sư, người thì hầu việc Chúa giáo phái này, người thì giáo hội nọ. Bây giờ trong số ấy, cũng có người không lấy Thánh Kinh làm nền tảng, để giải nghĩa một số phần trong Thánh Kinh theo ý Chúa, nhưng lại nghiêng theo đặc điểm của giáo phái, giáo hội người đó phục vụ, hoặc giải nghĩa ra ngoài Thánh Kinh rồi cho là mình mới khám phá sự mới lạ! Đây là hậu qủa của việc không hết lòng, hết sức, tìm kiếm sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, để hiểu đúng như ý muốn Ngài. Cũng từ chỗ kiêu ngạo, coi mình có sự hiểu biết “ siêu phàm”, muốn giải thích thế nào cũng được, nên mới dẫn đến con đường sai lạc là như thế. Còn tín đồ, thì cứ tiếp tục ngưỡng mộ họ, giống như tôn giáo thờ hình tượng vậy thôi. Cho nên càng ngày “mọc” ra càng nhiều giáo phái, giáo hội. Chính vì lẽ đó, Đạo Chúa khó phát triển, là tại người được kêu gọi để giảng Đạo không theo ý Chúa, mà theo ý mình, hay thiên về tập thể mà mình đang phục vụ.  Vì thế không có năng quyền khi công bố Lời Chúa, bởi người đó đã lạm quyền. Chứ không phải Chúa là Đạo, Đấng  thiếu quyền năng!

Có một Hội Thánh nọ phỏng vấn tôi. Họ bằng lòng với tất cả mọi câu mà tôi trả lời. Nhưng đến khi họ đề cập đến người Nữ thì họ hỏi tôi rằng: Ông mục sư nghĩ thế nào về “Nữ mục Sư”. Tôi trả lời họ rằng: Chức vụ mà Chúa Thánh Linh kêu gọi, thì đâu có liên quan gì đến giới tính. Vì một người Nam giới, hay Nữ giới, được kêu gọi vào chức vụ, là do sự quyết định của Đức Thánh Linh, đâu phải việc của loài người bất toàn, hữu hạn! Họ nói rằng: Họ không bằng lòng với câu trả lời của tôi. Vì lý do: Trong Thánh Kinh sách I Cô-rinh-tô, có đoạn đề cập đến người Nữ không được giảng dạy. Tôi trả lời họ rằng: “Tôi chưa học rành rẽ lắm về chức vụ người Nữ mục sư”. Vậy nếu anh rành thì cho tôi xin phép hỏi để được học thêm. Anh trả lời: Ông là mục sư thì ông phải rành, còn tôi là chấp sự thì tôi đâu có rành mà giúp ông! Tôi nói: Nếu anh nói: Tôi là mục sư phải rành vấn đề đó, vậy sao anh phủ nhận câu trả lời của tôi. Anh ta nói tiếp: Vì giáo phái tôi, họ không chấp nhận nữ mục sư; tôi chỉ biết vậy thôi! Tôi trả lời: Vậy, tôi xin cảm ơn sự hiểu biết Thánh Kinh về giáo phái của anh! Đây là một Hội thánh không có mục sư, cho nên họ cử ra một ban thẩm vấn mục sư. Tôi không xin về Hội thánh này, vì tôi đang có Hội thánh. Nhưng không biết ai giới thiệu, nên họ gọi tôi xin phỏng vấn, nếu được thì họ mời tôi về, và tôi cũng muốn biết sự phỏng vấn của họ gồm những gì, nên tôi đồng ý tiếp xúc.

Khi nói đến phương diện tâm linh của những người theo Chúa Jesus, tôi thấy có điều gì đó bất thường ở một số khá đông người trên toàn thế giới, dù thuộc bất cứ sắc dân nào. Cho nên, chúng ta phải đặt ra một số câu hỏi:

1/ Tại sao những người được kêu gọi vào chức vụ, họ đi học Thần học theo giáo phái nào, thì cách hầu việc Chúa, và giải nghĩa về Lời Chúa, lại có phần thiên về giáo phái ở một số phần Thánh Kinh là sao?  

Có vô số người học cả đời về thần học, mà cũng chẳng hiểu Chân Lý là gì. Họ cứ lấy giáo phái làm chuẩn để giải nghĩa Thánh Kinh. Vậy thì học thần học làm chi cho tốn tiền, tốn thời gian? Khi đọc Kinh Thánh, họ nói: Họ tìm kiếm ý Chúa, nhưng đến khi giảng dạy, thì họ pha trộn: Ý Chúa- ý giáo hội và ý họ! Vậy họ đâu phải là người tìm kiếm ý Đức Chúa Trời. Thế mà, đi đến đâu người ta cũng gọi là “ Đầy Tớ Chúa” mới lạ chứ, thiết nghĩ: Phải gọi là “ Đầy tớ giáo phái” thì đúng hơn! Bây giờ tôi hỏi bạn: Giả sử, có một ngàn người cầm bút, mỗi người tự gạch trên tường một đường thẳng bằng tay. Vậy theo bạn: Những đường gạch đó đã thật sự thẳng chưa? Bạn có cần lấy thước để kiểm tra không? Chắc bạn sẽ nói: Phải cần thước mới biết. Vậy thì về phương diện tâm linh, bạn có Kinh Thánh trong tay để làm gì? Có vô số người đang đọc lời Chúa, nhưng giải nghĩa thiên về  giáo hội, hay giáo phái. Cho nên, những người này thuộc loại: “Không mù chữ, nhưng mù nghĩa” là như vậy. Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 7: 21 Lời Chúa Jesus phán: “ Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa thì được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” Vậy bạn nghĩ sao về Lời phán của Chúa Jesus?

2/ Tại sao Hội thánh địa phương; khi gia nhập vào giáo phái nào, thì triệt để “ôm chân” giáo phái ấy, mà xa rời Chân Lý là sao?

Bạn có biết, giáo phái là “sợi dây xích”; khiến cho người tôn thờ giáo phái đi đến chỗ: Ganh tị, ghen ghét, ích kỷ, chia rẽ, coi thường lẫn nhau không? Trong Thánh Kinh sách Ga-la-ti 5: 22 Lời Chúa dạy: “ Nhưng trái của Thánh Linh đó là: Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ; không có luật pháp nào cấm các sự đó.” Vậy sao người Cơ-Đốc không chịu làm những điều Chúa muốn mình làm, mà lại cứ theo một số lãnh đạo bất tuân, để làm những điều Chúa cấm là thế nào? Bạn theo Chúa, bạn có biết Đức Thánh Linh là Đấng thành lập Hội Thánh không? Nếu bạn trả lời biết. Vậy Đức Thánh Linh dạy bạn những gì? Hiện bạn đang thực hành về đời sống tâm linh; có đúng như Đức Thánh Linh dạy không? Cách bạn thực hành và đối xử giữa các Hội thánh mang tính phân biệt và chia rẽ, chỉ vì tổ chức giáo phái trần gian, vậy có đẹp lòng Chúa không? Và bạn có nhận được phước gì trong cách đối xử mang tính phân biệt giáo phái, với những người cùng niềm tin trong Chúa Jesus không? Tôi khuyên bạn: Đừng nên hãnh diện về “tuổi Đạo.” Nhưng hãy xét lại mình, xem mình tin Đạo và đã hành Đạo như thế nào, có đẹp lòng Chúa là Đạo không?

Tôi khuyên bạn, nên sống một cách có trách nhiệm với linh hồn của chính mình, phát xuất từ Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Không nên sống bằng môi miệng của những kẻ cầm Thánh Kinh, nhưng lại “sặc mùi” tôn vinh giáo phái để chia rẽ anh em. Giả sử bạn hỏi tôi: Vậy giáo phái nào là tốt? Xin trả lời: Nếu nói về danh xưng của giáo phái, thì chẳng có danh xưng nào là xấu cả. Chỉ có lời nói cùng việc làm của con người thuộc giáo phái, khiến cho danh xưng giáo phái bị ảnh hưởng thôi. Chúng ta không nên nghĩ rằng, phải hạn chế giáo phái. Điều quan trọng là nên thay đổi sự suy nghĩ sai lầm của con người trong các giáo phái. Vì nếu mọi người trong mọi giáo phái, đều hướng về Lời Đức Chúa Trời, nghe và làm theo Lời Chúa dạy, thì sự kết hợp và hài hòa giữa các giáo phái, khiến công việc Chúa được kết quả lớn hơn điều mình mong đợi, vì được Đức Thánh Linh chúc phước cho. Nhưng thực tế, giáo phái càng nhiều thì sự chia rẽ giữa các Hội Thánh càng cao. Bạn cứ thử nghĩ: Những người lãnh đạo tinh thần trong các giáo phái không thể chấp nhận nhau, không thể làm việc chung với nhau, không yêu thương nhau, thì làm gì có “Trái Thánh Linh” để giúp đỡ lẫn nhau, hầu cùng nhau làm vinh hiển danh Chúa. Bạn hãy nhìn vào quê hương Việt-Nam, xem sự phát triển của Đạo Chúa giữa vòng các giáo phái hiện thế nào? Bạn cũng hãy nhìn xem các Hội Thánh Việt-Nam ở ngoại quốc, xem họ kết quả ra sao? Câu trả lời là: Rất đáng buồn!!! Trong Thánh Kinh sách Tin-lành Lu-ca 9: 48-49 Thánh Kinh ghi lại: “ Giăng cất tiếng: Thưa Thầy, chúng tôi từng thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỉ, chúng tôi đã cấm họ, vì không cùng chúng tôi theo Thầy. Nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng: Đừng cấm họ, vì ai không nghịch với các ngươi là thuận với các ngươi.”

3/ Ai Dám Cấm Người Nữ, Khi Người Ấy Được Đức Thánh Linh Kêu Gọi?

Nếu nhìn vào trong các giáo phái hiện nay, thì bạn thấy nhiều điều bất nhất, trong đó có sự nổi bật đáng kể đó là: Giáo phái này chấp nhận Nữ mục sư, trong khi giáo phái kia thì chống đối triệt để. Câu hỏi đặt ra là: Thân phận của người chống đối Nữ mục sư đó,  thì chính người ấy được giáo hội họ kêu gọi vào chức vụ, hay Đức Thánh Linh kêu gọi? Nếu ai trả lời: Đức Thánh Linh kêu gọi. Vậy thì đó là việc của cùng một Đức Thánh Linh. Vậy tại sao bạn lại chống người Nữ, khi mà Đức Thánh Linh quyết định gọi họ? Khi bạn được Chúa gọi thì có ai chống bạn không? Nếu bạn trả lời: Không. Vậy sao bạn có quyền chống người khác? Chắc bạn sẽ trả lời: Vì người đó là người Nữ, không được làm mục sư chứ gì? Như vậy, xem ra bạn là người có “lá gan âm phủ”, dám chống cả Đức Thánh Linh, khi Ngài quyết định kêu gọi một người khác giới với bạn à. Vậy, theo bạn, phải chăng Đức Thánh Linh đã quyết định một việc trái với ý muốn bạn chứ gì? Nếu bạn lý luận rằng: Bạn không hề chống Đức Thánh Linh, nhưng vì trong Thánh Kinh sách I Cô-rinh-tô 11 : 1-16  cấm người đàn bà giảng đạo nếu họ không trùm đầu lại. Vâng, đã có  nhiều mục sư trong một số giáo phái, cho phần Kinh Thánh này, Chúa cấm người phụ nữ không được làm mục sư( giảng đạo). Sự việc này có nhiều người mục sư “mù nghĩa” nên đã có giáo phái không chấp nhận “Nữ mục sư”. Vậy chẳng khác nào họ “cấm” Đức Thánh Linh không được kêu gọi bất kỳ người nữ nào trong giáo phái họ làm mục sư, và họ cũng chẳng thừa nhận bất cứ Nữ mục sư nào ngoài giáo phái họ nữa. Vì nếu Ngài có kêu gọi, thì họ cũng sẵn sàng “tẩy chay” chức vụ của người ấy. Thực tế, sự việc này đang xảy ra trong vô số Hội thánh Việt-nam. Vậy chúng ta xem phần Thánh Kinh này Chúa dạy thế nào.

Ngay sau khi mở đầu I Cô-rinh-tô 11: 1- 34 Thánh Phao-lô đã vạch ra một nan đề khá nhạy cảm, đang tồn tại trong Hội Thánh Cô-rinh-tô. Đó là vai trò của phụ nữ trong niềm tin Chúa Jesus. Ông Phao-lô viết : “ Ví bằng người đàn bà không trùm đầu, thì cũng nên hớt tóc đi. Song nếu người đàn bà lấy sự hớt tóc hoặc cạo đầu làm xấu hổ, thì hãy trùm đầu lại.” ( I Cô-rinh-tô 11:6) Khi đọc câu Thánh Kinh này, chúng ta bắt gặp từ “ nếu”. Đây là một từ rất sâu sắc, vô cùng quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua.

Khi đọc phần Thánh Kinh này chúng ta phải hiểu cho thật rõ, là tại sao sự việc này lại xảy ra ở đây? Đó là ở Cô-rinh-tô, nạn mại dâm là một thực trạng trong nền văn hóa ở Cô-rinh-tô. Nó hiện hữu ngay trong những buổi thờ cúng ở đền thờ tà thần. Về văn hóa ở Cô-rinh-tô trong thời đó được xác định, nếu một phụ nữ muốn cho mọi người biết cô ta là gái mãi dâm, không giống như những phụ nữ mẫu mực khác, thì cô ta sẽ không che mặt, hoặc trùm đầu, còn tóc thì cắt ngắn. Tóc ngắn là dấu hiệu của gái mãi dâm trong nền văn hóa ở Cô-rinh-tô.

Trong các Hội thánh Tư gia tại Cô-rinh-tô, có một vài nữ tín đồ, sau khi tin Chúa Jesus, họ kinh nghiệm bên trong tấm lòng họ được tha thứ tội lỗi, họ cảm nhận được sự giải phóng khỏi mọi ràng  buộc về tâm linh trong sự thờ phượng. Nên họ thể hiện sự tự do, bằng cách không trùm đầu lúc cầu nguyện, hay nói tiên tri( giảng đạo).

Phao-lô rất khéo léo và tế nhị; khi ông vạch trần ra nan đề này. Trong I Cô-rinh-tô 11:2 Ông nói: “ Tôi khen ngợi anh chị em, vì anh chị em đã nhớ tất cả những gì tôi truyền dạy cho anh chị em, và cẩn thận gìn giữ những truyền thống ấy”. ( I Cô-rinh-tô 11:2) Từ “ truyền thống” trong câu này đóng một vai trò vô cùng quan trọng làm nền tảng cho những điều chúng ta đang bàn tới. Có vẻ như Hội thánh đầu tiên, đã thiết lập những qui định, về những vấn đề thuộc nền văn hóa như trên, và ông Phao-lô chia sẻ rằng, những suy nghĩ của ông sẽ giúp tín hữu sống khôn ngoan trong nền văn hóa đương thời. Khi dạy về vấn đề này, ông không dựa vào một nền tảng Thánh Kinh cụ thể nào, nên ông cho rằng những hướng dẫn trên chỉ là “những truyền thống”.

“Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà, và Đức Chúa Trời là đầu Đấng Christ. Phàm người đàn ông cầu nguyện, hoặc giảng đạo mà trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình. Nhưng phàm người đàn bà  cầu nguyện hoặc giảng đạo mà không trùm đầu lại, thí làm nhục đầu mình, thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy. Ví bằng người đàn bà không trùm đầu; thì cũng nên hớt tóc đi. Song nếu người đàn bà lấy sự hớt tóchoặc cạo đầu làm xấu hổ, thì hãy trùm đầu lại. Vả người đàn ông là hình ảnh và vinh hiển Đức Chúa Trời thì không nên trùm đầu; nhưng đàn bà là vinh hiển của đàn ông. Bởi chưng không phải đàn ông ra từ đàn bà. Mà đàn bà ra từ đàn ông, không phải đàn ông vì cớ đàn bà được dựng nên, bèn là đàn bà vì cớ đàn ông vậy. Bởi đó, vì cớ các thiên sứ, đàn bà phải có dấu hiệu trên đầu, chỉ về quyền phép mình nương cậy.”( I Cô-rinh-tô 11:3-10).

Phao-lô muốn dạy tiếp chúng ta điều gì trong phân đoạn Kinh Thánh này? Trước hết, ông cho rằng: Việc nữ tín đồ không trùm đầu trong giờ nhóm chung là việc sai trật, vì cớ ý nghĩa và hành động đó trong nền văn hóa Cô-rinh-tô. Những điều chỉnh trong đời sống với tinh thần sẽ trở nên” mọi cách cho mọi người” ( I Cô-rinh-tô 9:22) là nhằm để không bỏ lỡ cơ hội khi làm chứng, nhưng Phao-lô qủa quyết rằng, nữ tín đồ nên trùm đầu. Ông cũng khuyên dạy rằng, đối với vấn đề văn hóa đương thời, nếu người nữ nào cảm thấy xấu hổ về việc để tóc ngắn, hoặc không trùm đầu, thì người nữ đó nên lấy khăn trùm đầu mình lại, và để tóc dài, nhằm đảm bảo lời chứng về đời sống của người đó.

Cho nên, đây chỉ là vấn đề truyền thống mà ông Phao-lô đã nói rất rõ về việc đang xảy ra tại Cô-rinh-tô. Vậy, những giáo phái cấm người nữ không được giảng dạy, có nghĩa là không công nhận chức vụ mục sư khi họ được kêu gọi, thì lấy nền tảng nào trong Thánh Kinh để phủ nhận họ? Đúng là không “mù chữ nhưng mù nghĩa”, một phần Thánh Kinh không khó để hiểu, mà vẫn không hiểu được, thế thì giảng cho ai nghe, và dạy cho ai học? Chính vì những sự thiếu hiểu biết của nhiều người góp lại, khiến cho cả một tập thể trở thành sai lạc! Một người mang danh mục sư thì rất dễ, nhưng xác định chức vụ này do Chúa gọi, hay giáo phái gọi mình thì không có gì khó, vì nó phải thể hiện trong thực tế của người hầu việc. Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 12: 33 Lời Chúa dạy: “ Hoặc cho là cây tốt, thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu, thì trái cũng xấu, vì xem trái thì biết cây.” Trong sách Tin-lành Lu-ca 6:44 Lời Chúa dạy: “ Vì hễ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay trái nho nơi chùm kinh cước.”

Nếu bạn đọc Thánh Kinh, bạn sẽ nhận ra rằng: Những người phụ nữ trong Thánh Kinh mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi họ làm Tiên tri trong thời Cựu ước, hay Chúa Jesus đã cứu những người phụ nữ trong khổ cảnh thời Tân-ước để thay đổi cuộc đời, thì sau đó, họ rất là trung thành trung tín với Chúa, kèm theo tính can đảm trong đức tin với lòng biết ơn. Trong thư gởi cho người Hê-bơ-rơ Chúa dạy: “ Nhìn xem Chúa Jesus là cội rễ cuối cùng của đức tin.” Nhưng ngẫm nghĩ, thật là tội nghiệp cho một số người Nữ ngày nay, khi tấm lòng của họ được Chúa thương xót và thăm viếng, kêu gọi họ vào chức vụ đầy tớ hầu việc Chúa, thì không ít những đầy tớ Nam đã dùng những lời lẽ thiếu tế nhị, chế giễu họ, miệt thị họ. Chính những người đầy tớ Nam này từ khôn ngoan đã trở nên dại dột, vì sự “mù nghĩa” đã khiến họ trở thành người công khai, phủ nhận sự kêu gọi của Đức Thánh Linh. Việc một người được kêu gọi vào chức vụ để hầu việc phục Chúa và xây dựng Hội Thánh là việc của Đức Thánh Linh, chứ không phải bởi bất kỳ giáo hội, giáo phái nào. Nhưng nếu, ai uống phải liều thuốc “mù nghĩa” của giáo phái, mắt nhắm-mắt mở, ngăn trở công việc của Đức Thánh Linh, thì  đây là dấu hiệu của những con người đầy tớ ngạo mạn, vô lễ với Đức Thánh Linh. Bạn nên nhớ rằng: Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều Nữ mục sư đầy ơn Chúa, công bố Lời Chúa như “búa đập vỡ đá”. Có thể lắm, một số người mục sư Nam có bản tánh hay chống, không chấp nhận, vì sợ tín đồ nhận ra mình là người yếu kém hơn những Nữ mục sư này? Có người quan niệm tệ hại rằng: Đã gọi là mục sư, thì họ nói gì cũng đúng, và họ làm gì cũng không sai. Xin lỗi bạn, có phải bạn đang là người tín đồ thờ mục sư không? Bạn đừng nghĩ như thế là bạn tự đưa đầu vào trong thòng lọng của sa-tan. Bạn có nhớ thiên sứ Lu-xi-phe không? Bạn có nhớ Sứ đồ Giu-đa bán Chúa không? Bạn nên hiểu rằng: Chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Hảo – Công Bình- Thánh Khiết. Còn loài người thì bất toàn, hữu hạn bạn ạ.

4/ Sự Thất Bại Của Một Số Nữ Mục Sư Cần Phải Đón Nhận Sự Soi Sáng Của Chúa Để Trở Nên Mạnh Mẽ.

Bạn nên hiểu rằng: Khi bạn được Chúa Thánh Linh kêu gọi bạn vào chức vụ mục sư, thì bạn đã lọt vào tầm ngắm của Sa-tan, vì trong tương lai, sự khôn ngoan  và ân tứ trong chức vụ của bạn, sẽ là một sự trở ngại lớn cho kẻ thù. Nhưng bạn đừng quên rằng, bạn đang ở trong vòng tay yêu thương và sự bảo vệ của Đức Chúa Trời. Sa-tan sẽ không làm gì được bạn, nếu bạn biết tôn trọng chức vụ Chúa ban, và đi trong đường lối Chúa hướng dẫn. Bạn biết không: Chẳng phải ai cũng được Đức Thánh Linh gọi như bạn đâu. Bạn thấy trên thực tế có vô số người Nữ ao ước, nhưng sao họ chưa được Chúa gọi mà bạn lại được? Vì Chúa biết tấm lòng của mỗi người, và thời điểm Chúa cần từng người. Vậy khi được Chúa gọi, đúng ra  bạn phải vui mừng tạ ơn Chúa và can đảm trong chức vụ mới phải chứ? Còn nếu bạn nhút nhát, sợ hãi, vì sợ người này sẽ chỉ trích, người kia sẽ lên án, người khác sẽ bêu rêu làm cho bạn xấu hổ. Vậy chẳng lẽ, Đức Thánh Linh đã “sai lầm” khiến sự kêu gọi của Ngài không phải là phước cho bạn, mà là họa cho bạn chăng? Phải chăng trước đây bạn cũng đứng chung “chiến tuyến” với những con người chống mục sư Nữ. Bây giờ bạn lại trở thành Nữ mục sư, phải thoát ra trong đám người ấy, nên lo sợ trong sự kêu gọi không ngờ chứ gì? Đây là sự thất bại không thể lường được của chính bạn trong chức vụ, nếu bạn không can đảm trong sự khôn ngoan Chúa ban để “đương đầu” với kẻ chống mình. Phao-lô sốt sắng với bất cứ điều gì có thể, dù tra tay tàn hại Hội thánh Chúa, nhưng việc ông làm đó chỉ vì ông chưa được thật sự gặp Chúa. Sau khi ông gặp Chúa rồi ông không bàn tới”thịt và huyết” mà chỉ biết làm theo ý Chúa để hoàn thành chức vụ trong sự kêu gọi của Chúa thôi, đến nỗi ông bất chấp sự nguy hiểm nào có thể xảy đến. Khi một người được Chúa Thánh Linh kêu gọi cũng vậy. Đó là niềm vui nhất đời, phước tột đỉnh, mà không phải ai muốn cũng có được. Đành rằng, có nhiều người hầu việc Chúa ngày nay, không thể hiện một chút gì về việc được Chúa kêu gọi cả, thế mà họ vẫn hiên ngang “như là thật” vậy. Còn bạn là “thật”, mà bạn lại tự coi sự kêu gọi như là “ không thật”, thì đó là sự thiệt thòi phát xuất từ chính bạn!

Với tư cách là một đầy tớ Chúa, thuộc Hội Truyền giáo. Tôi gởi lời chúc mừng đến tất cả Quý Nữ mục sư, là người được Đức Thánh Linh kêu gọi. Quý vị hãy mạnh dạn và can đảm lên, chúng tôi luôn ủng hộ tinh thần và chức vụ của Quý vị. Chúng tôi tuyệt đối tôn trọng bất cứ ai, dù Nam hay Nữ được Đức Thánh Linh kêu gọi vào chức vụ đầy tớ của Ngài. Nếu ai chống Đức Thánh Linh, không dùng quý vị, coi thường quý vị, chèn ép chức vụ quý vị, khiến chức vụ quý vị bị ngăn trở. Quý vị hãy đến, cùng hầu việc Chúa với chúng tôi. Chúng tôi không phân biệt Nam hay Nữ, lớn tuổi hay trẻ tuổi. Chúng tôi tôn trọng tuyệt đối về sự kêu gọi của Chúa, thì tất nhiên, chúng tôi cũng tôn trọng những người được Ngài gọi. Vì chúng tôi không phải là người “mù chữ”, cũng không phải là người “mù nghĩa”, bởi có sự soi sáng của Đức Thánh Linh để làm theo ý Ngài về phương diện này. Trong Thánh Kinh sách Tiên-tri Xa-cha-ri 4:6  câu Thánh Kinh nền tảng của chúng tôi trong đời sống chức vụ đó là: “ Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta. Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.” Nguyện Chúa thêm sức mạnh cho Quý Nữ Mục sư, cùng các bạn Trẻ Nữ, để tiến bước không ngừng trên con đường chức vụ mà Chúa Thánh Linh đã kêu gọi mình.

Servant  Elijah  Nghiem