2,875 views

Hướng Đi Của Sự Sống

Công Bố Phúc Âm

Đề tài

Hướng Đi Của Sự Sống

          Cái khổ của thế giới hiện nay, là có vô số người không chịu hiểu tại sao con người lại phải chết! Và chính cái điều đó đã dẫn đến một điều vô cùng nguy hiểm đó là: Con người coi thường sự chết. Vì họ luôn quan niệm: Già phải chết, bệnh phải chết, không cẩn thận để xảy ra điều gì đó qúa khả năng chiụ đựng của con người thì phải chết..v…v..

       Nhiều người cho đây là một quy luật tự nhiên. Có nghĩa là có “Sanh” thì phải có “Tử,” chỉ đơn giản thế thôi. Cho nên họ chỉ biết cái chết là cái bắt buộc mà “ông Trời” đã định cho loài người là như thế. Bởi vậy cho nên mới có câu “ Trời kêu ai nấy dạ.” Chứ họ không chịu tìm hiểu, tại sao Đức Chúa Trời cho con người được sanh ra, rồi do nguyên nhân nào, mà con người lại phải chết đi? Và sau cái chết, thì linh hồn con người  sẽ như thế nào? Hàng tỷ người, thuộc đủ mọi trình độ, mọi lứa tuổi, khi nghe nói đến sự chết, thì họ đang cố tình quên, để đừng phải tìm hiểu về một vấn đề quan trọng mà họ cho là vô cùng phức tạp và rắc-rối này.

           Nếu ai đó quan niệm rằng: Đời sống của con người cần sức khỏe là chính, và vật chất đầy đủ là được. Nếu chỉ cần có như thế, thì  phần linh hồn như thế nào? Giả sử tôi nói: Tôi chỉ cần căn nhà để ở, và phòng ốc rộng rãi là được, chứ còn cửa nẻo thì không cần, vậy bạn nghĩ thế nào? Bạn có biết rằng; sẽ đến một lúc nào đó, chắc-chắn bạn sẽ không còn khỏe mạnh nữa, mà chuẩn bị hướng về cái chết thì bạn sẽ tính sao? Và sau khi đã chết rồi, đến một ngày nào đó, Đức Chúa Trời cho cả hồn lẫn xác sống lại để chịu phán xét thì lúc đó bạnsuy nghĩ thế nào? Đã có bao giờ những ngày còn đang sống trên đất, mà bạn có một mơ ước thoáng qua đó là: Sau khi trút hơi thở cuối cùng, bạn mong được về với Đức Chúa Trời ở trên thiên đàng không? Nếu giả sử bạn trả lời không. Vậy thì tại sao khi rơi vào tình trạng đau ốm bạn lại sợ chết? Muốn ra khỏi bệnh viện sớm là thế nào? Như vậy, chẳng qua là khi bạn chưa đau ốm, thì bạn sẽ không bao giờ thấy được viễn ảnh của sự đau ốm, cho nên bạn không sợ  đau ốm chứ gì? Còn lúc bạn đang khỏe mạnh; mà ai đó đề cập đến sự chết bạn sẽ coi thường, vì chưa đến lúc bạn thấy có dấu hiệu là bạn có thể chết, cho nên bạn tưởng là bạn không bao giờ phải chết, có đúng không? Lúc còn sống trên đời, ham mê đủ mọi sự trên thế gian, mà đề cập đến thiên đàng địa ngục bạn quay mặt làm ngơ chứ? Vì cho đó chỉ là chuyện mơ hồ ảo tưởng chứ không bao giờ có thật phải không? Cho đến khi  tất cả mọi dấu hiệu không lành vừa kể ở trên, lần lượt đụng đến thể xác và linh hồn bạn, nó có thể thay đổi đời sống bạn ngay tức khắc, sự tối tăm bao trùm trước mắt bạn, lúc đó bạn mới thực tỉnh thì chắc đã quá muộn cho bạn rồi!

       Theo Thánh Kinh cho biết, nhiều người xuống điạ ngục, đã có sự mơ ước lên thiên đàng khi còn sống trên đất. Nhưng vì họ chỉ mơ ước, chứ họ không nhận lãnh điều phước hạnh có một không hai đó về cho mình; như Lời Đức Chúa Trời đã phán. Cho nên họ không thể nhận được. Cuộc sống của con người chẳng những đầy đủ về phần thuộc thể. Nhưng cũng phải phước hạnh dư dật về sự sống của phần tâm linh nữa. Vì trong Thánh Kinh, Lời Đức Chúa Trời đã phán:“ Con người sống chẳng phải vì bánh mà thôi đâu. Nhưng còn nhờ vào mọi lời phán ra từ miệng Đức Chúa Trời nữa.” Từ câu Thánh Kinh này, chúng ta thấy; ngoài nhu cầu về vật chất, con người còn một nhu cầu khác quan trọng hơn hết; mà con người đã cố tình bỏ qua đó là: Nhu cầu về phần linh hồn. Kể từ khi ông A-đam và bà E-va là tổ phụ của loài người đã  phạm tội với Đức Chúa Trời. Sau đó Đức Chúa Trời đã tuyên phán với con người là phải chết. Sự chết của linh hồn sẽ là đời-đời.  Thế thì tội lỗi là gì mà ghê gớm quá vậy? Chúng ta sẽ lần lượt để tìm hiểu về vấn đề này sau đây.

     Trong Kinh Thánh có nhiều danh từ đã được dùng để chỉ về sự tuyệt giao giữa con người với Đức Chúa Trời. Đó là: Sự vi phạm, sự độc ác, sự hung dữ, sự xúc phạm, sự trái mạng lệnh, và bất tuân luật pháp. Những chữ được dùng thường nhất, để nói về sự hư hỏng của con người là” tội lỗi.” Đó là những chữ chính mà Đức Chúa Trời đã dùng. Khi cảnh cáo Ca-in là một người thanh niên đầu tiên trên trái đất phạm một trọng tội là đã  giết chết chính em ruột của mình. Ngài phán rằng: “ Còn như chẳng làm lành thì tội lỗi rình đợi ngươi trước cửa.“ Sáng-thế-ký  4: 7

          Nghĩa gốc của chữ  được dịch ra  thành từ “ Tội Lỗi “ là “ một dấu “ hay “thiếu kém.” Vậy tội lỗi là một sự vi phạm nghiêm trong, trái với Lời dạy của Đức Chúa Trời. Đó là nguyên nhân khiến cho con người không thể đạt đến mục tiêu mà Đức Chúa Trời đã đặt để. Thánh Phao-Lô đã bày tỏ điều này một cách rõ ràng trong Thánh Kinh sách Rô-ma 3 : 23 “ Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.“ Họ đã không đạt đến tuyệt điểm mà Đức Chúa Trời đã dự định cho họ.

      Bạn có thể cảm thấy khó chiụ; khi Thánh Kinh nói rằng: tất cả mọi người đều đã phạm tội không? Đã có vô số người bực bội, tức giận, nhưng rồi cũng chẳng ai tự thắng được tội lỗi, để khoe mình với Đức Chúa Trời. Tất cả mọi tôn giáo đều phủ nhận tội lỗi. Nhưng cuối cùng, mọi người trong mọi tôn giáo vẫn phải chết, kể cả những người lãnh đạo các tôn giáo ấy, cũng phải xuôi tay nhắm mắt và nằm sâu trong lòng đất, như Lời Đức Chúa Trời đã phán “ Ngươi là bụi, hãy trở về bụi.” Nhưng về cá nhân bạn, thì hãy bình tĩnh, đừng vội phân bua, vì cứ nhìn vào con người trên thế gian này, bất kỳ ai- rồi đến lượt bạn cũng vậy, tới một thời điểm nhất định nào đó, bạn cũng phải tuân phục mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, để rồi bắt buộc kết thúc cuộc đời mình bằng cách ngưng thở vĩnh viễn. Chính cái chết xảy ra với bất cứ con người nào, thì đó là dấu hiệu khiến đã ứng nghiệm câu Thánh Kinh này.

       Như thế thì bạn thấy, từ khi tổ phụ phạm tội đến nay, có ai là người không bao giờ chết, mà hiện nay vẫn còn tồn tại trên trái đất này không? Chắc chắn là không chứ? Thế thì bất kỳ ai đã được gọi là người, thì cũng phải tự khẳng định là mình có tội với Đức Chúa Trời. Còn nếu ai bảo rằng tôi không có tội gì hết. Có  nghĩa là bạn muốn phủ nhận sự có tội của mình? Thế thì theo bạn, con người chết vì nguyên nhân nào?  Nếu bạn biết chắc-chắn rằng, cuối cùng của cuộc đời mình là phải nắm chắc về cái chết. Vậy tại sao cái sống đời tạm mà bạn lại nắm níu, còn cái sống đời-đời thì bạn lại cố tình làm ngơi nghĩa là sao? Giả sử, bạn phủ nhận cái chết của bạn, không phải do nguyên nhân của tội lỗi gây ra. Vậy thì có nghĩa là bạn muốn nói chết vì già chứ gì? Nhưng bạn có biết rằng, tất cả mọi nghĩa địa trên toàn thế giới, không phải chỉ để dành riêng cho người già không, mà cho mọi lứa tuổi. Vậy những người chưa già mà đã chết thì bạn cho là bịnh chứ gì? Vậy thì nếu không có tội thì làm sao bịnh, làm sao già, làm sao chết?

           Tôi mong bạn nên hiểu cho rằng: Thôi thì đời này là đời tạm, chết không phải là hết, còn đời sau nữa. Cho nên đời sau mới là đời-đời. Vì Lời của Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên loài người cho biết, cái diễn tiến khởi đầu khi con người hiện hữu trên đất, cũng như khúc quanh nghiệt ngã do con người tạo ra, đã dẫn con người đến sự chết. Thì sự chết không phải là hết, không phải là chấm dứt vĩnh viễn, mà sự chết là một sự chuyển đổi của con người từ đời tạm sang đời đời. Trong thế giới đời đời có hai phương diện bạn phải chọn một khi còn sống trong cõi đời tạm đó là: Sống đời đời, có nghĩa là ở nơi thiên đàng vinh hiển với Đức Chúa Trời. Chết đời-đời là đi vào hỏa ngục là nơi đau khổ vĩnh viễn. Để giải quyết vấn đề này, thì có hai cách bạn chọn một: Tin Chúa Giê-xu là Đấng đã đền tội thay cho mình trên thập tự giá để tội được tha, linh hồn được cứu, được nhận sự sống đời-đời, tên có trênn thiên đàng, thì sau khi chết ở đời này, sống ở đời sau là thiên đàng. Nếu không theo Chúa Giê-xu để tội được tha, linh hồn được cứu mà theo các tôn giáo, hay theo người thế gian, thì tội chồng thêm tội, thay vì nhận sự sống ,thì phải nhận sự chết( nhận sự chết có nghĩa là con người vẫn sống cả hồn lẫn xác, nhưng không được sống trên thiên đàng phước hạnh, mà phải ở trong hỏa ngục, sau khi đã trút hơi thở cuối cùng ở đời tạm này). Vì vậy, nên tôi thành thật khuyên bạn nên tin Chúa Cứu Thế Giê-xu để được sự sống đời-đời, thì đó là điều quí giá và bình an nhất trong cả cuộc đời bạn. Nhưng nếu bạn cứ tránh né để khỏi đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu, thì đó là một điều vô cùng nguy hiểm cho sự sống của linh hồn bạn. Giả sử nếu được hỏi: Bạn có muốn chết ở trong một ngôi nhà đẹp đẽ, sang trọng, mà giá trị của nó đắt nhất thế giới, trong khi bạn thấy ngọn lửa đang bốc cháy một cách dữ dội không? Hay là  bằng bất cứ giá nào bạn cũng phải tìm cách thoát ra, ngay sau khi bạn phát hiện có dấu hiệu không lành? Vậy thì về phương diện tâm linh, mà bạn không tin Chúa Giê-xu, thì sẽ ở trong hồ lửa đời-đời, vậy mà bạn không chịu hiểu để tìm cách thoát ra khi còn đang được sống trên đất thì uổng thật! Tôn giáo có giá trị gì với linh hồn bạn đâu, chẳng qua chỉ là một tổ chức do con người đặt ra thôi mà?

        Trên thế gian có nhiều người quan niệm khác nhau về tội lỗi. Có người phủ nhận sự hiện hữu của tội lỗi. Phủ nhận sự hiện hữu của tội lỗi là một điều qúa nguy hiểm. Nhất là tội lỗi giữa mình với Đức Chúa Trời. Khi mình làm điều đó, là chính mình đã bênh vực và che dấu cho tội lỗi, để nó có cơ hội phát triển tự do, mà hoành hành thân xác và tâm linh của mình. Cho nên chẳng bao giờ tội lỗi ở trong bạn bị ngăn chận cả. Về thái độ này Lời Đức Chúa Trời có nhấn mạnh trong Thánh Kinh sách I Giăng 1:8 như sau: “ Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình.” Trong Thánh Kinh sách I Giăng 1: 10 Lời Chúa cho biết thêm: “ Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối.”

      Có người cười cợt chế diễu khi nói đến tội lỗi. Đức Chúa Trời cho những kẻ này là ngu dại. Lời Chúa phán trong Thánh kinh sách Châm-ngôn 14:9 “ Kẻ ngu dại phỉ báng tội lỗi. Nhưng người ngay thẳng có được ơn của Đức Chúa Trời.“

        Có người lại khoe khoang, tự phụ về tội lỗi của họ. Điều này đã được Ê-sai là một tiên tri lớn của Đức Chúa Trời lên án trong Thánh Kinh sách Ê-sai 3:9 như sau: “ Bộ mặt họ làm chứng nghịch cùng mình, họ bêu tội rõ ràng như thành Sô-đôm chẳng giấu chút nào. Khốn thay cho linh hồn họ! Vì họ đã làm hại cho mình.” Qua câu Thánh Kinh này có một câu nói rất hay như sau: “ Kẻ nào mắc phải tội lỗi là con người, kẻ nào khổ sở vì tội lỗi là thánh; Kẻ nào tự phụ về tội lỗi mình là ma qủi.”

        Tôi hy vọng, sau mỗi lần quý vị đọc được một bài Công Bố Phúc Âm trong website “ Công Bố Phúc Âm “ thì qúy vị sẽ vui mừng, vì Lời của Đức Chúa Trời đã giúp qúy vị nhìn  thấy những điều bí ẩn trong đời sống tâm linh, mà từ trước đến nay quý vị chưa có cơ hội để hiểu được. Hầu Lời Chúa giúp cho quý vị chạy đến với Đức Chúa Trời, để thoát khỏi một tương lai khủng khiếp đang chờ đợi qúy vị ở phía trước.

          Vẫn biết là trong Thánh kinh, Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời được công bố, có nhiều khi nó  làm cho qúy vị bị khó chiụ. Nhiều người nghĩ, tưởng chừng như mình đang bị xúc phạm. Nhưng qúy vị nhớ cho, tục ngữ Viêt nam có câu: “ thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ.“  Nhưng nếu qúy vị biết được giá trị của linh hồn mình như Lời Đức Chúa Trời đã phán: “ Một linh hồn qúi hơn cả thế gian.“  Thì quý vị sẽ cúi đầu để dâng lời cảm tạ lên cho Đức Chúa Trời. Cho nên, chúng ta phải hết sức cẩn thận cho cuộc đời của chúng ta ngay bây giờ về cả hai phương diện: Thuộc thể và linh hồn, đừng để bất kỳ một hành động trong đời sống của mình kể cả hai phương diện: thuộc thể và thuộc linh đi ngược lại với lời dạy của Đức Chúa Trời. Mà phải sáng suốt cân nhắc từng sự việc, kể cả trong lời nói, việc làm, nhất là phương diện niềm tin, phải tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu để tội được tha linh hồn được cứu.

         Nhiều người tránh nói đến tội lỗi, và lại còn tìm nhiều cách để cố tình lãng quên nó. Nếu trong số những người đó có bạn, thì bạn phải nên suy nghĩ lại. Vì  một bệnh nhân khi đến với một bác sĩ, điều mà người bệnh mong muốn là mau được lành, để sức khoẻ sớm được bình phục. Và cũng chẳng có vị bác sĩ nào, khi một bệnh nhân đến với mình, mà thương tật ở chỗ này lại đi băng bó ở một chỗ khác mà người bệnh lại đồng ý. Nhưng nếu xét về phương diện tâm linh, thì trên thế giới hiện nay có hằng tỷ người lạ lùng: Phạm tội với Đức Chúa Trời  mà lại đi nhờ con người tha tộimới lạ chứ? Chưa giải quyết xong tội lỗi giữa mình với Đức Chúa Trời, nhưng lại tìm cách trốn chạy Đức Chúa Trời. Khiến thần chết luôn bám sát để tiêu diệt linh hồn mình mà không hề phát hiện ra được.

       Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời đã phán một cách khẳng định trong sách công vụ 4: 12 như sau: “ Chẳng có sự cứu rỗi ở trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để nhờ vào đó mà được cứu.” Đối với luật công bình của Đức Chúa Trời, khi một người phạm tội với Ngài thì Ngài không bắt tội, nhưng phải được Ngài tha  tội cho, đó là tình yêu thương. Đức Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời thành nhân, Ngài từ trời giáng thế để cứu chuộc tội lỗi cho toàn thể nhân loại. Đó là một tình yêu thương vô hạn và vô lượng mà Đức Chúa Trời đã dành cho con người, cao hơn sự suy tưởng của con người! Thế mà bây giờ, cũng có một số vị lãnh đạo của một số tôn giáo lý luận rằng: Một người chỉ chết được cho một người. Chứ một người không thể chết cho cả thế giới! Vâng! Điều đó rất đúng về sự suy nghĩ của con người hữu hạn, và mang tính xác thịt không thể biện minh. Vì sự hiểu biết đó được Thánh Kinh gọi  là khôn ngoan từ thế gian mà ra, nó thuộc về đất, chứ không phải thuộc về trời. Bởi vì nó đem theo mùi của sự chết đời-đời. Vì khi đã gọi Chân lý là Lời của  Đức Chúa Trời, thì không còn khe hở để cho  ý tưởng của con người bất toàn, hữu hạn có cơ hội mà biểu dương thành tích dại dột của mình. Điều đó là một sự dại dột thật đáng tiếc. Vì quan niệm này chỉ có thể nói với con người trần gian, khi thân xác của người này và người kia có giá trị bằng nhau, do loài người xác thịt sanh ra, đồng ý chết cho nhau, hy sinh vì nhau mà cố tình chết, thì đó không phải là cứu nhau mà là tự-tử cho nhau có thế thôi! Bởi vì con người xác thịt thì nó là như thế. Trường hợp này xảy ra rất thường trong giới anh chị ngoài đời!

        Vì nếu một người muốn hiểu được giá trị vô hạn mà Đức Chúa Giê-xu đã hy sinh trên thập tự giá thay cho mình, thì trước hết, bắt buộc người đó phải trả lời đúng cho một số câu hỏi sau đây: Mình từ đâu mà có? Ai dựng nên ông bà tổ tiên mình? Tại sao Ông A-đam và bà E-va lại có mặt trên đất này? Tại sao con người được sanh ra, rồi lại phải chết đi? Người chết rồi tại sao người ta còn cúng cơm? Người chết có ăn cơm được không mà cúng? Nếu trả lời là ăn được, thì ăn bằng cách nào? Ai đã thấy người chết ăn? Nếu trả lời không, thì tại sao lại cúng? Giả sử nếu ngay bây giờ, Đức Chúa Trời kết thúc thế giới, không còn ai trên đất nữa, thì ai sẽ tiếp tục cúng cho ai? Nếu không cúng thì người chết có đói không? Khi con người đã hiểu được những điều cơ bản nêu trên; thì bạn mới có thể hiểu được Đức Chúa Giê-xu Christ là ai? Tại sao Ngài lại giáng thế thành người? Tại sao Ngài lại phải tự nguyện hy sinh trên cây thập tự? Ngài trở thành người bằng cách như thế nào? Có giống cách của con người không? Hay là bởi quyền phép của Đức Thánh Linh là Thần của Đức Chúa Trời? Đây là những điều hết sức quan trọng mà nếu không đọc Lời của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai là người phàm mắt thịt mà thấy hay hiểu được công việc của Đức Chúa Trời cả.

         Một Đức Chúa Trời vô hạn, mà muốn cứu con người hữu hạn, thì Ngài phải trở thành người, để con mắt hữu hạn của con người có thể nhìn thấy Ngài? Làm sao mắt con người hữu hạn lại có thể nhìn thấy con người đứng cách xa mình một cây số? Chứ đừng nói tới rừng rậm. Vậy thì con người tội lỗi làm sao có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời Chân Thần, toàn thiện toàn mỹ được? Muốn cho con người nhìn thấy Ngài, thì chính Ngài phải trở thành người, phải giáng thế, để cứu con người. Ngài trả giá cho con người bằng máu, bằng sự sống, bằng một hình phạt rất khủng khiếp, chứ không giống như các tôn giáo, chỉ dùng triết lý và lời nói hư không, công với luật của con người soạn thảo ra thì làm sao có hy vọng?

        Muốn chịu chết thay cho con người, thì Chúa Giê-xu phải trở thành người thật, để hiện hữu trên đất bằng xương, bằng thịt, qua quyền phép của Đức Thánh Linh. Nhưng thần tính của Ngài vẫn là Đức Chúa Trời. Có lẽ nào sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu có năng quyền cứu moị tội nhân trên thế giới theo tiêu chuẩn thiên thượng, mà con người lại dám tìm cách giới hạn sự cho phép của Ngài sao? Nếu như thế thì mình không được sống mà mình lại còn tìm cách làm cho nhiều người chết theo mình nữa; là điều nguy hiểm, không nên làm! Vì hỏa ngục đang chờ đợi người đó!

        Nếu Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đức Chúa Trời trở thành người giáng thế, hy sinh chiụ chết cho con người mà sự chết của Ngài không cứu được thế giới. Thì tôn giáo với những con người tầm thường, đã phải tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời để nằm xuống, vẫn còn nằm yên trong mồ mả thì họ cứu được ai ? Mọi người  lấy bằng chứng nào để đặt cả linh hồn của mình vào đó?

        Có thể chúng ta không nghe được những tiếng kêu than khóc dưới địa ngục, nên con người chưa sợ địa ngục! Và cũng có thể chúng ta không nghe được những tiếng vui mừng ca hát trên thiên đàng, cho nên hàng tỷ người cũng chẳng lấy gì làm khao khát thiên đàng cho lắm. Cho nên có một số khá đông đã phát biểu: Thiên đàng hay địa ngục có thể có, cũng có thể không. Vậy chẳng lẽ lại giống như một người chơi vé số, khi được hỏi: Ông hay bà có hy vọng trúng không? Thì họ sẽ trả lời: Có thể trúng, mà cũng có thể không? Vậy chẳng qua linh hồn cũng rẻ như tấm vé số sao?

        Đã có bao giờ trong cuộc đời, bạn làm lụng khó nhọc để dành tiền đầu tư một công việc vô ích chưa? Thế thì bạn cũng phải xem lại điều này cho thật kỹ càng. Chúa Giê-xu đã phán:“ Nếu không bởi ta, thì không ai được đến cùng Đức Chúa Trời.“  Khi tổ phụ loài người là ông A-đam phạm tội với Đức Chúa Trời, đã làm cho chính mình và toàn thể nhân loại hư hoại. Thì Đức Chúa Trời có ba lối để đối xử:

1 / Kết tội tất cả loài người một cách không thương xót. Bì Ngài là Đức Chúa Trời Thánh khiết và Công bình.

2 / Cứu chuộc tất cả nhân loại, hoặc dọn sẵn con đường cứu chuộc cho những ai ăn năn tội lỗi mà trở về cùng Đức Chúa Trời. Vì Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương.

3 / Cách thức duy nhất của Đức Chúa Trời công bình và thương yêu là hứa ban Đấng Mê-si để cứu dân mình ra khỏi tội. Một kế hoạc vô tiền khoáng hậu mà Đức Chúa Trời đã dành cho con người.

       Hằng bao nhiêu thế kỷ sau đó, lời hứa ban Đấng Mê-si để cứu chuộc cho nhân loại đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Khi con người đang tiến về sự chết thì do lời hứa của Đức Chúa Trời, con người nhìn vào tương lai với niềm hy vọng và tin tưởng một Đấng Cứu Thế sẽ ra đời cứu người. Ở trong Thánh Kinh sách Ga-la-ti 4 : 4-5 Lời Chúa Phán: “ Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn. Đức Chúa Trời bè sai con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, cho những kẻ ở dưới luật pháp.”

       Tên riêng mà Đức Chúa Trời đặt cho Đấng Cứu Thế là Giê-xu “ người sẽ gọi tên Ngài là Giê-xu “ Đó là tiếng đồng nghĩa với “Giô-suê.” Có nghĩa Giê-hô-va là sự cứu chuộc. Danh xưng chính thức của Ngài là Jesus Christ. Nghĩa là Đấng được xức dầu. Điều này chỉ rằng: Đức Chúa Giê-xu là Đấng đã thực hiện mọi hy vọng của Đấng Cứu Thế.

       Mỗi mùa Giáng Sinh hàng năm, bạn thấy cả thế giới đã nhắc nhở nhau về sự kiện Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống trần chiụ chết thay cho nhân loại. Tất cả những Ngôi Thánh đường đều thay phiên nhau loan báo thông điệp cứu rỗi. Mỗi năm có hàng-hàng lớp-lớp người nghe được lời kêu gọi của Đức Chúa Trời. Thức tỉnh qua cơn mê, ăn năn tội lỗi của mình và quay trở về xưng nhận niềm tin nơi Đấng Cứu Thế. Không biết bạn là người đang đọc lời trong bài giảng này, có phải bạn sẽ là người sẽ quyết định quay trở về với Đấng dựng nên mình là Đức Chúa Trời và quyết tâm thờ phượng Ngài, qua niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu hay không? Nếu bạn trả lời phải, thì đó là điều phước hạnh mà bạn đã chính thức đón nhận được. Đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu là con đường duy nhất.  Vì Ngài phán:“ Ta là đường đi Chân Lý và sự sống , chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Đức Chúa Trời.”

        Tôi chỉ mong bạn hiểu rằng: Lên Thiên đàng không phải do lễ nghi của một tôn giáo. Hay do nỗ lực của chính bạn qua bất kỳ hành động nào, mà là do sự tin nhận Chúa Cứu Thế, là Đấng đã vì tội lỗi của chính bạn mà Ngài chết thay cho. Vì nếu bảo rằng lên thiên đàng thì phải qua lễ nghi của tôn giáo, thế thì những người chết không lễ nghi, hoặc những người cô đơn chết không ai lo cho thì họ đi đâu? Bạn nên hiểu cho rằng: Nếu người qúa cố không tin Chúa, thì dù đám tang có lớn đến đâu đi chăng nữa, lễ nghi tôn giáo có kéo dài đến tận thế đi chăng nữa, thì chỉ những người còn sống mà dự tang lễ của người đó là được hưởng bình an trong sự giả tạo mà thôi. Còn riêng người qúa cố ra đi với đầy dẫy sự bất an và khốn khổ mà người còn sống chẳng ai nhìn thấy được.

       Cuộc đời của một con người bắt buộc phải nhờ vào sự chết thay của Chúa Cứu Thế Giê xu vì : Huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm sạch mọi tỗi lỗi chúng ta. Chúng ta đạt được ba điều tối quan trọng, mà con người và tất cả các tôn giáo không thể làm:

          1 / Tội lỗi giữa con người với Đức Chúa Trời  đã được giải quyết.

           2 / Bức tường ngăn cách giữa con người với Đức Chúa Trời đã bị phá đổ.

           3 / Sự chết đời-đời không có quyền gì trên con người .

          Thiên đàng là nơi phước hạnh, đầy dẫy sự vui mừng, sung-sướng, chắc-chắn phải thuộc về những người đã thật tâm, tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-Xu. Thờ phượng Đức Chúa Trời một cách hết lòng. Và trung thành trung tín với Ngài cho đến hơi thở cuối cùng. Amen.

Servant  Elijah  Nghiem