4,709 views

Khoảng Đời Còn Lại Bạn Làm Gì

        Vâng! Nếu đọc Thánh Kinh, thì những trang đầu của Sách sáng thế ký  đoạn 5, có nói đến gia phổ từ A-đam, về dòng Sết cho đến Nô-ê. Nhiều người đã có tuổi thọ làm cho chúng ta ao ước. Chẳng hạn như A-đam: 930 tuổi , Sết:  912 tuổi , Ê-nót: 905 tuổi, và người có tuổi thọ cao nhất là Mê-tu-sê-la: 969 tuổi. Nếu bạn đọc Thánh Kinh thì bạn thấy sơ khởi một số người tôi vừa kể bạn cứ xem họ đã làm được những gì với số tuổi đó?  Và nếu bây giờ, Chúa cho bạn sống đến số tuổi đó thì bạn sẽ làm được những gì ? Thiết nghĩ Đức Chúa Trời cho con người sống bao lâu thì điều đó không quan trọng. Nhưng người đó đã làm được gì trong những ngày đã sống mới là điều quan trọng chứ? Còn như ao ước sống lâu, mà không hiểu được giá trị, và ý nghĩa cùng mục đích của cuộc đời, thì dù tuổi thọ có kéo dài bao nhiêu đi nữa cũng chỉ làm thêm gánh nặng cho linh hồn mà thôi.

            Lawrence đã nói rằng:  Nếu như ai đó có được hai cuộc đời. Thì cuộc đời thứ nhất  là để lầm lỗi ……….. . . .và cuộc đời thứ hai là để hưởng cái ích lợi từ những cái lầm lỗi đó. Người tin Chúa thì cũng thấy được cuộc đời mình là ngắn ngủi chứ? Nhưng mình cũng không cầu xin Chúa cho được  sống thêm để hưởng thụ, vì điều đó hoàn toàn thuộc về ý muốn của Chúa. Nhưng chúng ta rất được an ủi , mặc dầu cuộc đời này chúng ta thấy ngắn ngủi và  đầy lầm lỗi. Nhưng khi tin Chúa, huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xóa sạch tội lỗi của chúng ta. Để chúng ta có một cuộc đời hoàn toàn mới mẻ, sống đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời .

      Nhưng muốn sống cuộc đời đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời chúng ta phải  có gì? Và phải làm gì? Đó mới là vấn đề quan trọng mà chúng ta muốn bàn ở tại đây. Chúng ta cũng đừng quên rằng: cuộc đời của một người tin Chúa là một cuộc đời  đã được đổi mới, nó luôn luôn đòi hỏi người Cơ-đốc phải có chiều hướng đi lên. Nhưng lại phải có nền tảng đức tin vững chắc.

       Giống như một chiếc xe đang lên dốc, phải có máy tốt và bộ thắng bảo đảm. Cơ đốc nhân muốn tiến lên, để trở thành một công cụ có ích lợi cho công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải làm thế nào để giữ cho cuộc đời theo Chúa của chúng ta được trọn vẹn, không lui lại, hầu bước vào  nhận lãnh mọi công việc mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sẵn-sàng chuẩn bị cho chính mình. Thánh Phao-lô đã nói rất rõ ràng trong đoạn Thánh Kinh Rô-ma 12 : 1-2  “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.  Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”

      Chắc ai cũng biết rằng: Thánh Phao-Lô là một người hầu việc Chúa trung thành với cả cuộc đời còn lại của mình, ông đặt công việc Chúa lên trên hết,  và Chúa đã cho ông đã đạt kết quả mỹ mãn. Ông đã được cảm bởi Thánh Linh để khẳng định rằng: “ Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ vững đức tin.“ Bạn có ao ước được nói những lời như Thánh Phao-Lô vào ngày cuối cùng của cuộc đời mình không? Ông không dấu diếm những bí quyết để đạt đến sự thành công, ông muốn truyền những điều đó cho chúng ta, và Đức Thánh Linh đã cảm động để ông thốt lên rằng: “ Vậy hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời mà khuyên chúng ta Khuyên chúng ta làm gì? Dễ dàng, ai cũng có sẵn sàng đó là: “ Dâng cái thân thể này cho Chúa.“

        Trong thời kỳ Cựu ước, khi một sinh tế được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Thầy Tế lễ phải giết con thú ấy, xả nó ra thành nhiều mảnh, sinh tế rất quan trọng. Nhưng Đức Chúa Trời cũng đã phán rằng: Sự vâng lời từ tấm lòng của con người với Chúa, còn quan trọng hơn của lễ nhiều. Trong Thánh kinh sách I Sa-mu-ên 12 : 22 ” Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.”  Thời kỳ Cựu ước  Đức Chúa Trời đã muốn con người dâng cho Chúa bằng tấm lòng rồi, huống chi trong thời kỳ Tân ước này. Con người không còn dâng của lễ bằng con sinh nữa, mà dâng chính đời sống của chính cho Đức Chúa Trời, thì đó thiết nghĩ là cơ hội cho mỗi Cơ đốc nhân. Bây giờ chúng ta sơ lược qua ba phần sau đây.

      I / Đức Chúa Trời không muốn con cái Chúa làm theo đời này.

       Một người nông dân, sau khi bắt cá, hay làm ruộng, đã tắm rửa  thay đồ xong rồi, có ai lại muốn nhảy xuống xình tiếp tục nữa không?

        Người Cơ Đốc sau khi đã tin Chúa. Chúa không muốn người đó trở lại một con người cũ, là một con người để dành cho sự hư mất. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được điều này, chúng ta mới thấy được giá trị sự cứu chuộc, mà  Chúa Cứu Thế Giê-xu  đã ban cho. Ấy là sau khi một người được cứu, chính thời điểm đó, Chúa muốn người đó phải khác với thế gian. Còn nếu ai đó không khác với thế gian, thì sự cứu chuộc vô giá của Chúa cũng đâu có giá trị gì đối với người đó! Giống như một người  được cứu thoát  trong một vụ cháy. Nhưng sau đó lại lấy xăng tự đổ vào mình rồi châm lửa. Vậy thì sự nỗ lực của những người hy sinh cứu sống cũng đâu có giá trị gì. Phải có cái nhìn thuộc linh, thì người được Chúa cứu mới thấy được giá trị của sự cứu chuộc, mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã  hy sinh để ban tặng không cho chúng ta.

    Thánh Phao lô nói rằng: “ Đừng làm theo đời này.“ Ông hàm ý bảo rằng: Thế gian đã  đẩy Đức Chúa Trời ra ngoài tấm lòng họ. Người ta đã và đang tìm đủ mọi cách để vô hiệu hóa sự hiện hữu của Ngài. Người ta đang chọ giận Đức Chúa Trời bằng cách tôn vinh con người và thần tượng. Người ta đang sống bởi những quan niệm chống nghịch lại với sự thương xót của Đức Chúa Trời.   J B Philips dịch câu này là:“ Chớ để cho thế gian xung quanh bạn, ép bạn rập theo khuôn đúc của nó”  Điều này không phải dễ. Nhưng không phải không làm được.  Điều mà chúng ta không thể làm được, đó là tìm cách thoát khỏi lửa hỏa ngục, thì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm rồi. Cònnhững vấn đề thuộc linh còn lại, người Cơ-đốc có quyết tâm làm hay không là do sự hấp thụ lời Chúa của mỗi chúng ta.

       Có một câu chuyện: Một nhân viên cảnh sát trẻ tuổi làm bài thi cuối khóa của mình trong trường Cao Đẳng cảnh sát HenDom Bắc Luôn Đôn, với những câu hỏi dưới đây:

      Bạn đang tuần tra ở ngoại vi thành phố Luôn Đôn- thì xảy ra một vụ nổ ống dẫn Gas chính tại một con đường kế cận. Khi đến nơi khảo sát, bạn khám phá vỉa hè bị bể, có một  cái hố,  một chiếc xe tải lập úp nằm tại đó. Bên trong xe tải có mùi rượu nồng nực. Cả hai người nam nữ trong xe đều bị thương. Bạn nhận ra người phụ nữ là vợ của vị thanh tra thuộc sư đoàn của bạn, chồng bà đang đi công tác xa ở Hoa-Kỳ. Có một chiếc mô-tô chạy ngang dừng lại để giúp đỡ, họ phát hiện người đàn ông say rượu là một tên cướp có vũ trng đang bị truy nã. Thình lình một người đàn ông từ ngôi nhà gần đó chạy đến nói với cảnh sát. Xin  được giúp đỡ vì chính vụ nổ đã làm vợ ông, bị chuyển bụng muốn sanh. Khi ông đến nơi thì bà đã sanh đôi.  Rồi bỗng nhiên một người đàn ông khác  nằm dưới con kinh gần đó xin được cứu gấp vì ông không biết bơi. Hãy mô tả hành động nào anh sẽ thực hiện.

       Chàng sĩ quan suy nghĩ một hồi đoạn cầm lấy bút viết câu trả lời như thế này: “ Tôi sẽ cởi bộ đồ quân phục của mình dấu đi,và lẩn mình vào trong đám đông.”

      Chúng ta thông cảm với viên sĩ quan này. Anh có vẻ hơi khó xử trước vô số nan đề trong bài. Nhưng Cơ đốc nhân đứng trước mọi sự cám dỗ của thế gian này, xem ra “cởi bỏ đồng phục” mà hòa vào đám đông là thường, nhiều lắm. Chúa Cứu Thế Giê-xu không cứu chúng ta để thực hành bằng cách đó. Ngài muốn người Cơ đốc phải được phân biệt trong mọi hoàn cảnh .

       Theo bạn, thì một  Cơ Đốc Nhân được Chúa Cứu để làm con tằm hay là con tắc kè? Tằm là một con nhộng, rồi sẽ trở thành con bướn xinh đẹp, bay cao và phản ánh những màu sắc tuyệt vời  qua ánh nắng.

      Nhưng nếu làm con tắc-kè thì cứ phải đổi màu thường xuyên nó mới phù hợp. Con tắc-kè luôn ẩn mình trong cây cối bụi rậm và  màu sắc đã bị đồng hóa với bối cảnh. Nhưng con bướm thì không.

      Cơ Đốc nhân được kêu gọi, không phải để thỏa hiệp với bối cảnh sống của mình. Mà phải khác hơn. Để trở thành khác biệt, không có nghĩa là trở thành con người lập dị, kỳ cục, hay  quái gở. Nhưng hãy nhìn xem Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài sống như thế nào, và  qua cuộc sống của Ngài, thế giới này đã ảnh hưởng thế nào? Chúng ta phải học theo cuộc sống của Chúa Cứu Thế Giê-xu để tiếp tục cho thế giới này được thay đổi.  Có nghĩa là chúng ta tiến tới một cuộc sống trọn vẹn hơn.

         Tờ Báo Việt-nam  số 4137 ra ngày 11 tháng 10 năm 2002 có  đăng tải một nguồn tin Kansas City. Bồi thẩm đoàn tuyên bố hôm thứ Năm, cho một nữ bệnh nhân ung thư được bồi thường 2 tỷ 2. Lý do là người bệnh nhân này đã thưa một vị  dược sĩ Robert R Courtney ra tòa, Vì sau khi ông đã thú nhận mình có pha thuốc loãng để kiếm thêm lời.  Và ông có thể bị tù 30 năm trong nhà tù liên bang.

      Dược sĩ là người bào chế thuốc để giúp trị cho bệnh nhân. Nhưng tại sao chỉ vì một số lợi nhỏ đã khiến ông trở thành một người giết bệnh nhân là thế nào? Sau khi hiểu được, chắc vị dược sĩ này đã  hài lòng với bản án dành cho mình.

       Người Cơ Đốc cũng vậy. Sau khi đã tin Chúa, được Ngài xóa hết tội lỗi và ban cho sự sống đời-đời. Người đó chỉ có quyền giúp cho người khác bước từ sự chết đến sự sống, được thoát khỏi địa ngục mà hướng đến thiên đàng. Người Cơ Đốc không vì bất kỳ một lý do nào đó mà làm cho người khác bị vấp phạm, ảnh hưởng với những thói hư tật xấu của chính mình. Nếu cố tình thì Chúa cũng sẽ dành cho mình một sự sửa  phạt thích hợp-để được tốt hơn.

II / Phải Được Biến Hóa .

       Có những người Cơ Đốc, đã cố tình vô hiệu hóa quyền năng của Đức Thánh Linh sau khi Ngài đã biến đổi cuộc đời mình.

        Trong Thánh kinh sách Rô-ma 12:2 Lời Chúa cho chúng ta biết rằng:  Chúng ta phải được “ biến hóa.“ Hay nói một cách khác, là chúng ta phải giống như con nhộng, đã biến thành con bướm, mà chính nó không bao giờ trở  lại con nhộng nữa cho đến khi chết.

       Khi tin Chúa, Chúa không bắt người Cơ đốc phải bỏ tất cả những gì tốt đẹp trong cuộc đời. Nhưng Ngài bảo chúng ta phải từ bỏ những gì đáng phải bỏ. Vì không bỏ những gì thấp hèn trái ngược với ý muốn của Đức Chúa Trời, người Cơ Đốc đâu có cơ hội để hưởng được những điều kỳ diệu mà Đức Chúa Trời ban cho.

        Có một bà Homelate sống thang trên đường phố nhiều năm, lúc nào bà cũng đeo xung quanh mình những chai mủ bà kiếm được, tối thì ngủ vỉa hè. Khi bà qua đời, người ta mời một mục sư đến làm lễ. Người ta rất ngạc nhiên, dù tang lễ của bà  ít người, nhưng toàn là người ăn mặc sang trọng và giàu có. Sau này vị mục sư được một số người cho biết, bà là người hưởng thừa kế một gia tài khổng lồ,  nhưng bà không thể xử dụng được, vì bà không thể từ bỏ nếp sống rách rưới, và ngủ lang thang, nên bà cũng không có cơ hội để xử dụng của thừa kế đó.

      Thật khó hiểu, khi biết rằng, con  nhộng  đã trở thành bướm, nó vâng lời Chúa đã duy trì sự đổi mới đó cho đến chết. Nhưng con người thì rất khó cho Chúa. Người đổi mới cũng có, nhưng người trở lại cũ cũng không phải là ít. Tiếng kêu khóc than van, buồn bã, và đau khổ, thất vọng, mất bình an và phước hạnh  trên đời sống, thường xuất hiện ở tại đây.

III / Hãy dâng thân thể mình cho Chúa một cách không ngoan .

         Nhà chú giải thánh Kinh William Barclay đã nói ‘ Chúa Giêxu đã đến không phải làm cho đời sống chúng ta dễ dãi hơn . Nhưng Ngài làm cho chúng ta vĩ đại hơn .” Trước khi tin Chúa, sự không biết của chúng ta qua mỗi hành động, mỗi thái độ, mỗi lời nói, có sức mạnh, đẩy cuộc đời của mình đến sự chết đời-đời. Nhưng tình yêu thương Chúa đã đến để giải cứu chúng ta. Muốn thoát con đường chết, chúng ta phải theo sự hướng dẫn của Chúa để bước vào con đường sống.

       Có rất nhiều đơn vị hành quân trở về con đường cũ đã bị phục kích chết. Người Cơ Đốc đã thoát khỏi cuộc sống cũ không được trở lại. Vì lần này ma quỷ sẽ có kinh nghiệm hơn đối với bất cứ ai.

       Có  người quan niệm rằng: Đừng giao phó đời sống mình cho Chúa. Ngài sẽ cất hết mọi thú vui trần thế của chúng ta. Nếu chúng ta không nghe lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta đã mắc vào một sai lầm lớn đó là, coi Sa-tan đáng kính trọng hơn  Đức Chúa Trời.

        Có khi nào ai đó nói rằng: Tôi tin Chúa, Chúa làm cho tôi thiệt hại nhiều quá không? Cái điều mà chúng ta than van ở đây, nó cũng giống như một  bệnh nhân sau khi đã khỏi bệnh, rồi trách bác sĩ: tôi vào trong  bệnh viện  bị mấy ông bác sĩ   lấy hết bệnh tật của tôi rồi!

       Có nhiều lúc chúng ta nghĩ rằng: Chúa cư xử với chúng ta không bằng người Cha thể xác. Nhưng chúng ta hãy nghe lời Chúa phán trong  Ma-thi-ơ 7: 9 “Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng?  Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao.”

        Kể cả những lúc sống trong thử thách, chúng ta muốn gục ngã . Nhưng Thánh Phao-Lô được cảm bởi Thánh Linh nói trong sách Rô-ma  8:18 rằng :” Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta.” Thánh Phao-Lô có ý nói rằng : Chúng ta thấy những sự mà chúng ta đang  chịu, nó quá lớn, qúa nặng nề, và qúa đau khổ  đối với chúng ta. Nhưng Thánh Phao-lô nói rằng: nếu đem so sánh, thì nó quá nhỏ bé, và không xứng đáng gì khi so với những gì mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hứa ban cho chúng ta.

          CT Studd, đội trưởng môn Cricket của Anh vào thế kỷ thứ 19. Khi ông được nghe Phúc Âm, và biết rằng:Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đức Chúa Trời đã đến thế gian này tìm và cứu ông thoát khỏi sự chết đời-đời. Ông tin Chúa và nói rằng: Việc mà Đức Chúa Trời  chịu khổ nhục để cứu tôi là một điều tôi không thể tưởng tượng nổi. Thì còn đối với tôi, đâu có gì quá khó để làm theo ý Ngài. Vì làm theo ý Ngài tôi sẽ có một tương lai đời-đời sung-sướng đang vẫy gọi tôi ở phía trước.

           Anh đã quyết định nghỉ công việc Đội Trưởng,  giải nghệ môn thể thao sở trường của anh. Sắp xếp luôn nhà cửa, giã từ  những tiện nghi quá đầy đủ của mấy chục năm qua. Và lên đường đi hầu việc Chúa Tại Trung Hoa Lục Địa. Trong suốt những năm tháng  hầu việc Chúa tại một quốc gia khác, ông chẳng bao giờ có ý định bỏ cuộc vì ông nói. Đức Chúa Trời bảo rằng “Thế thì, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây lấy như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta,  nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời. Vậy, anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối nghịch của kẻ tội lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi mệt sờn lòng.” Ông nói “Con đường đi đến sự chiến thắng phải  có sự hy sinh. Tôi sẽ đi đến cuối cùng của con đường đó. Amen.

Servant  Elijah  Nghiem