3,487 views

Lời Kêu Gọi Tỉnh Thức

Công Bố Phúc Âm

Kinh Thánh : Khải Huyền 3 : 1 – 6

Đề -Tài

Lời Kêu Gọi Tỉnh Thức

     Ngày 26 tháng Hai năm 1993. Một quả bom loại mạnh nổ dưới hầm để xe của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới  tại Thành phố New York, làm chết 6 người và bị thương tích hơn 1000 người. Vụ này nảy sinh cuộc điều tra thù địch, và khiến nhiều người bị bắt giữ. Nhưng ít ai trong giới thi hành luật pháp nhận ra được; đây là một phần trong âm mưu khủng bố quốc tế.

       Khi hai toà nhà tháp đôi của Trung Tâm Thương  Mại bị quân khủng bố phá hoại năm 2001, ủy viên cảnh sát  Raymond Kelly nghĩ lại lần tấn công đầu tiên và nói : “ Lẽ ra đây phải là lời kêu gọi tỉnh thức đối với nước Mỹ.“ Nhưng thật là đã quá muộn màng, vì nếu tỉnh thức, thì hai toà nhà tháp đôi vẫn sừng sững cho đến ngày nay.

        Chúng ta đang ở Hoa-Kỳ, một quốc gia văn minh, và giàu có, đang đứng đầu thế giới này. Nhưng nếu Hoa-kỳ không tỉnh thức trước những đổ nát đã bày ra trước mắt, thì liệu trong tương lai, ngôi vị siêu cường của Hoa-Kỳ có bền vững mãi-mãi hay không? Cũng như một cây cổ thụ cao lớn, phát triển theo bề cao rất nhanh, mà rễ  thì lại trổ lên mặt đất. Vậy, liệu có gì bảo đảm cho cái cây đó đứng vững được lâu dài không? Bộ rễ là sự sống còn của một cái cây, nó không những phải gánh vác sức nặng của riêng nó, mà còn phải đứng vững trước phong ba bão tố nữa chứ, cho nên phải ăn sâu mới đúng.

       Hoa kỳ là một siêu cường thật, nhưng không  phải không có kẻ thù. Không những thế, nhìn vào thế giới ngày nay, qua sự chứng kiến những bất đồng với quốc tế  khi châm ngòi cho trận chiến I-rắc, chúng ta đã thấy được một cách rõ rang: Hoa-Kỳ có vô số kẻ thù dấu mặt trong cơ hội này. Nhưng cũng không ít những quốc gia đã xuất đầu lộ diện để chống lại Hoa-Kỳ qua nhiều mặt trận, vì ác ý của họ là không muốn Hoa-kỳ bình yên. Phải chăng trước đây nền tảng phát triển của Hoa-Kỳ  trên mọi phương diện được vững vàng là do những người đầu tiên đặt niềm tin vào sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời, nên quốc gia trở nên hùng mạnh, thịnh vượng và phát triển không ngừng? Như thế thì có phải những người Anh đã đặt chân trên quốc gia này, bộ rễ đức tin của họ đã ăn sâu vào trong vầng đá muôn đời là Đức Chúa Trời Hằng Sống không? Nhưng bây giờ có người bảo: Tại sao hiện nay đất nước này không được như xưa? Có nghĩa là người ta muốn nói rằng: Hoa Kỳ bây giờ có nhiều phương diện xuống dốc qúa. Vâng, nếu xem xét lại cho kỹ thì có bao nhiêu người hiện là công dân Hoa-Kỳ đang còn bán vào Chúa? Và bao nhiêu người đã bán vào người đời? Và bao nhiêu người bám vào thần tượng, tà thần hư không? 

         Những tai họa đang lần lượt tuôn đổ khắp mọi nơi trên thế giới nói chung, và quốc gia Hoa-kỳ nói riêng, và những ai đã và đang thấy những điều đó là một dấu hiệu báo động như lời kêu gọi tỉnh thức, thì người đó nên xem lại đời sống tự do của mình, vì một cá nhân hay quốc gia đã có nhiều điều bất ổn, thì điều đó cũng đã cho thấy rằng: Quốc gia đó, hay cá nhân đó, cũng đã có qúa nhiều sự sai trật đối với lời dạy của Đức Chúa Trời .

       Một chiếc máy không được bảo quản kỹ lưỡng. Đến một lúc nào đó, nó tự phát ra những âm thanh bất ổn từ nhỏ đến lớn, vậy thì ai dám bảo chiếc máy đó  đang trong tình trạng bình thường, và cho rằng  những  âm thanh đó là dấu hiệu tốt của cái máy?

        Một quốc gia lúc đầu đặt niềm tin vào nơi Đức Chúa Trời một cách hết lòng, thì mọi phương diện phát triển được Đức Chúa Trời chúc phước dẫn đến thịnh vượng một cách hết sức lạ lùng là điều đương nhiên. Bây giờ đến thời kỳ xáo trộn  đủ mọi thứ, ai dám bảo là quốc gia đó có nhiều người đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời không bất thường? Và ai dám bảo không có nhiều người xem thường Đức Chúa Trời bằng cách xây Chùa lập miễu, thờ đủ mọi thứ tà thần do con người tạo ra trên đất nước mà Chúa đã chúc phước?

     Trong Thánh Kinh sách I Sử Ký  28 : 9  Vua Đa-vít đã khuyên con trai mình là Sa-lô-môn trước khi lên ngôi vua thay ông mà rằng: “ Còn ngươi là Sa-lô-môn con trai ta, hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phụng sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng. Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp, nhưng nếu con lià bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời-đời.” Qua câu Thánh Kinh trên, có phải chúng ta thấy vua cha ép vua con phải thờ phượng Đức Chúa Trời không? Có phải vua Đa-vít làm như thế là cướp quyền tự do dân chủ của vua Sa-lô-môn không? Thật ra con người phải thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất, đó là điều dẫn đến phước hạnh vô tận cho đời sống mỗi con người. Nếu nói theo Thánh Kinh, thì Đức Chúa Trời bắt buộc con người phải thờ phượng Ngài. Nhưng bắt buộc để nhận phước thì chẳng lẽ sự bắt buộc đó lại trở thành một hình phạt hay sao? Vì ở thế gian này ngoài Đức Chúa Trời ra; con người tìm đâu để có được sự phước hạnh? Trong Thánh Kinh sách Thi-Thiên 16 : 2  tác giả đã được cảm bởi Thánh Linh mà thốt lên rằng: “ Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi; trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác.”

       Còn nếu bảo: con người có quyền tự do,  muốn chọn để thờ ai tùy ý; thì điều đó qúa đúng theo cách hiểu của con người có sự khôn ngoan từ thế gian mà ra, vì luật pháp của con người giúp con người hiểu theo cách sai lạc ấy. Nhưng luật của Đức Chúa Trời là Chân Lý thì khác hẳn. Vì luật của con người mang tính tự do tôn giáo, mục đích dẫn con người đi đến sự chết mất đời-đời về phần linh hồn. Vì luật của con người không biết gì về phương diện tâm linh, cho nên luật đã hướng về tâm lý, khiến hàng triệu người sống bằng tâm lý đang chết về phần tâm linh. Chính vì thế mà Lời phán của Đức Chúa Trời phải kíp truyền ra khắp đất, như là một lời kêu gọi tỉnh thức khẩn cấp cho mọi người đang lầm đường lạc lối ở trong mọi tôn giáo cần phải thoát ra. Lời Đức Chúa Trời phán trong Thánh Kinh sách Giăng 4 : 23 rằng: “ Khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.” Nếu bạn quay trở về với Đức Chúa Trời, thì đó là một sự phước hạnh thật được chính Đức Chúa Trời ban cho. Còn như nếu ai chối bỏ, thì đó là dấu hiệu chẳng lành đang chờ đợi người đó ở tương lai, mà khi đã nói đến tương lai của đời người nơi thế giới đời sau, thì chẳng ai có thể định được khoảng cách thời gian của nó, vì thế giới đời sau nó nằm sau hơi thở cuối cùng của bạn, mà hơi thở cuối cùng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời.

        Nếu được hỏi: Có khi nào bạn thấy một người bị bệnh, sau khi được chữa trị xong rồi bác sĩ dặn phải kiêng cữ điều này điều kia cho mau khỏi bệnh, mà bệnh nhân lại coi lời dặn của bác sĩ là những lời xúc phạm, vì bác sĩ đã can thiệp vào quyền tự do cá nhân của người bệnh không? Hay là người đó không những một mực nghe theo lời khuyên của bác sĩ, nhưng  cả bạn bè hay gia đình cũng giúp đỡ bằng cách nhắc nhở nữa? Còn người dại thì không cần nghe ai cả, vì họ chưa thấy được giá trị về sự sống của con người! Người biết lo đến sự sống của chính mình thì  luôn-luôn qúi trọng lời  khuyên của bác sĩ. Vì thân thể của họ đang bệnh hoạn, đó là một dấu hiệu chẳng lành, họ cần được chữa trị. Cho nên họ cần được nghe nhiều lời khuyên có giá trị. Vì  họ đã nhận thức được rằng: Lời khuyên có lợi cho chính sự sống của họ. Cho nên họ đã hiểu được, nếu đi ngược lại  lời khuyên thì họ phải  trả giá bằng chính sự sống của họ đang có.

        Đối với những người đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời thì Thánh kinh có vô số lời khuyên dạy. Nó như là một hàng rào siêu nhiên nhiều tầng, để bảo vệ cho đời sống của một người có tấm lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Mặc dù họ đang sống trong một thế giới đầy dẫy sự đau khổ này, nhưng chắc-chắn họ sẽ nhận được bình an phước hạnh từ nơi Đức Chúa Trời ban cho. Đây là một điều giá trị không tưởng mà vô số tôn giáo đang thi đua nhau tìm kiếm mà không được. Chúa Giê-xu phán: “ Ta để lại sự bình an cho các ngươi. Ta ban sự bình an ta cho các ngươi, sự bình an mà ta ban cho các người không phải như thế gian cho, lòng các người chờ bối rối và đừng sợ hãi.”

       Có một hình ảnh trong Thánh kinh, đó là khi  Sa-tan xin Đức Chúa Trời cho nó phép nó gieo tai họa ông Gióp là một người trung tín, và kính sợ Đức Chúa Trời một mực, vì nó tin rằng ông Gióp sẽ bỏ Chúa. Bởi chính Sa-tan đã nhìn thấy sự chúc phước của Đức Chúa Trời cho ông Gióp, nên nó thưa với Đức Chúa Trời, được Thánh kinh ghi lại trong sách Gióp 1 : 10 “Chúa há chẳng dựng hàng rào bênh vực ở  bốn phía người ,nhà người ,và mọi vật thuộc về người sao. Chúa đã ban phước cho công việc của tay người , và làm cho của cải người thêm nhiều trên đất .” Nhưng nó đã thất bại. Vì ông Gióp cứ một mực giữ niềm tin một cách trung thành nơi Đức Chúa Trời, dù phải trải qua bất kỳ hoàn cảnh nào. Cho nên cuối cùng của thử thách, ông đã được Chúa ban cho gấp đôi.

     Nhưng cũng có vô số những người trong Chúa lơ là với Đức Chúa Trời trong phương diện  niềm tin của mình, mà luôn-luôn muốn Chúa ban phước cho mình hơn cả những người trung tín nữa, nhưng họ đâu biết rằng khi Sa-tan nhìn vào hàng rào bảo vệ của Chúa đối với người đó, nó đâu cần quan tâm tới. Vì những người đó chỉ mang danh là những người thuộc về Chúa thôi, còn niềm tin của họ thì đã chết từ lâu rồi. Cho nên nó đâu cần xin Đức Chúa Trời cho nó thử người đó đâu, vì có thể những người đó đã thuộc về nó rồi. Đức Chúa Trời cũng đã có rất nhiều lời cảnh cáo họ để cho họ tỉnh thức. Giống như là Ngài đã cảnh cáo Hội thánh ở Sạt-đe được chép trong Thánh kinh sách Khải huyền 3 : 1 như sau : “Ngươi cũng hãy viết cho thiên sứ của Hội thánh Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vị thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao: Ta biết công việc ngươi; ngươi có tiếng là sống, nhưng mà là chết. Hãy tỉnh thức, và làm cho vững sự còn lại, là sự hầu chết; vì ta không thấy công việc của ngươi là trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời ta. Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình. Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình: Những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy. Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta, cùng trước mặt các thiên sứ Ngài. Ai có tai, hãy nghe lời Đức Thánh Linh phán cùng các Hội thánh.”

         Đối với những người theo Đạo Chúa, thì lời phán của Đức Chúa Trời mà tôi vừa đọc ở trên, đó không phải là lời kêu gọi tỉnh thức hay sao? Nếu chúng ta đặt ra một câu hỏi: Thế thì Hội Thánh tại Sạt-đe đã làm gì?

1 / Vì họ không quam tâm gì đến sự tổ chức, sinh hoạt, hay thờ phượng có tính cách sống động của  Hội Thánh. Họ không làm gì cả.

2 / Hội Thánh không bị một sự tấn công nào từ bên ngoài vào trong cả. Điều đó chứng tỏ rằng: Họ đã mất sự sống. Họ chỉ giữ Đạo theo hình thức bề ngoài, nhưng lại chối bỏ sự thật nơi bề trong.

    Một Hội-Thánh thật, có sức sống động, là một Hội Thánh luôn-luôn bị tấn công. Chúa Giê-xu đã từng phán trong Thánh kinh, sách Lu-ca 6 : 26 rằng: “ Khốn cho các ngươi, khi mọi người sẽ khen các ngươi, vì tổ phụ họ cũng đối xử với các tiên tri giả như vậy.” Phải chăng người ta đang đi tìm sự khen ngợi từ phía con người, hay những lời tiên đoán có tính cách thổi phồng, hơn là  muốn nghe Chân lý đích thực của Đức Chúa Trời.

        Muốn cứu vãn tình thế để thoát khỏi một cảnh tàn hại đang chờ đợi Hội-Thánh tại Sạt-đe, điều cần thiết duy nhất của những người Cơ Đốc tại đó là gì? Trong Thánh kinh Tân Ước không còn một mạng lịnh nào xuất hiện thường xuyên, hay bất kỳ một lời khuyên nào khác hơn là mạng lệnh hãy tỉnh thức. Chúa Giê-xu đã phán với Hội-Thánh Sạt-đe rằng: “Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình.”

         Thế giới hỗn loạn này sẽ qua đi, và một thế giới mới bắt buộc sẽ đến. Những người tin Chúa trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời muốn lên thiên đàng phải tỉnh thức, đời sống phải đổi mới, cho  phù hợp với tiêu chuẩn thiên thượng để sống trong một thiên đàng đang chờ đợi mọi người ở phí trước. Nói đến tỉnh thức thì người tin Chúa phải cần để ý một số điều sau đây.

Thứ Nhất .

     Tỉnh thức là một thái độ thường xuyên của đời sống Cơ Đốc nhân. Trong Thánh Kinh sách Rô-ma 13 : 11 Thánh Phao-lô cảm bởi Thánh Linh mà thốt lên rằng: “ Giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến. ”  Và trong I Cô-rinh-tô 16:13 Lời Chúa dạy: “ Anh em hãy tỉnh thức hãy vững vàng trong đức tin.” Có người đã nói rằng: Cảnh giác luôn-luôn, là cái giá của sự tự do. Thì cũng vậy, tỉnh thức luôn-luôn, cũng là cái giá của sự sống đời-đời.

Thứ Hai.

    Cơ Đốc nhân phải tỉnh thức, dùng Lời Chúa để chống lại mọi mưu chước của ma qủy.  Bạn nghĩ sao: khi một đơn vị quân đội mà những lính canh luôn-luôn ở trong tình trạng ngủ gục, vậy thì sẽ có điều gì sẽ xảy ra? Chắc-chắn là quân địch sẽ đến giết đi. Thế thì nói về phương diện tâm linh cũng vậy, mỗi người chúng ta đều là lính canh, và chúng ta là người có thái độ canh gác linh hồn mình thế nào, thì hậu qủa xảy ra chúng ta phải nhận lãnh như thế ấy. Cho nên đứng trước âm mưu của ma qủy, nó đến với con người bằng nhiều cách, nhằm khiến cho con người bất trung với Đức Chúa Trời, nên mỗi người trong chúng ta phải tỉnh thức.

Thứ Ba

       Phải tỉnh thức với những sự cám dỗ, vì thực tế chứng minh cho thấy: những người thường xuyên gặt hái thành qủa của sự cám dỗ, là những người không tỉnh thức. Chúa Giê-xu phán trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ  26 : 41 “ Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ.”

Thứ 4

        Phải tỉnh thức chờ đợi cho đến ngày Chúa tái lâm để kết thúc thế giới này. Chúa Giê-xu phán trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 24 : 42-43 “ Điều mà ta nói cùng các ngươi, ta cũng sẽ nói cho mọi người: Hãy tỉnh thức.” Thánh Phao-lô viết cho người Tê-sa-lô-ni-ca và dặn họ rằng: “ Vậy, chúng ta chớ ngủ như kẻ khác, nhưng phải tỉnh thức và dè dữ.” Không một ai biết giờ phút nào thì cõi đời-đời sẽ bắt lấy linh hồn mình nên phải tỉnh thức. Thánh Augustine đã nói: “ Ngày cuối cùng là bí mật, cho nên mỗi ngày phải tỉnh thức.”

         Cách đây không lâu, có một người phụ nữ gọi điện thoại hỏi tôi rằng: Tôi có đi dự một tiệc cưới tại nhà hàng ở thành phố Oakland, trước khi bắt đầu bước vào bữa tiệc thì có một vị linh mục được mời lên để cầu nguyện cho thức ăn. Vị linh mục đó cầu nguyện rằng: “Cám ơn Chúa,  Phật, đã cho chúng con thức ăn này  Amen”! Và người đó hỏi tôi, mục sư có ý kiến gì về lời cầu nguyện này? Tôi trả lời: Đây là dấu hiệu của một người tôn thờ hoà đồng tôn giáo. Người cầu nguyện đó đã thể hiện quyền tự do dân chủ tuyệt đối của mình. Cái quyền tự do mà mỗi người có, thì ai cũng có quyền hướng nó đến một trong hai con đường: Đúng hay sai, chết hoặc sống, tùy theo sự khôn ngoan của người đó đối với linh hồn mình. Nhưng đối với lời cầu nguyện của vị linh mục đó so với thực tế tâm linh của ông đang “hưởng thụ”, thì theo ông chắc có lẽ là không sai: “Vì ông vừa theo Phật giáo, vừa theo Chúa Giê-xu, cho nên lời cầu nguyện của ông phải cảm ơn cả hai bên!” Còn nếu chúng ta chỉ theo Chúa, thì chúng ta chỉ cảm tạ Chúa thôi.

       Đối với luật phát của một quốc gia, người dân muốn biết đúng sai qua những hành động của mình làm thì phải hiểu biết về luật pháp hiện hành của quốc gia đó. Còn về phương diện tâm linh muốn biết đúng sai đối với Chúa như thế nào, thì phải học luật pháp của Chúa, là Lời của Đức Chúa Trời. Vì bất kỳ ai đã theo Chúa mà có đời sống lạc lòng với Ngài, thì đó  là người không tỉnh thức, cũng chẳng “tỉnh ngủ” và chưa được tái sanh, đó là dấu hiệu của một người theo Chúa không thật lòng. Trong Thánh Kinh sách I các vua 18 : 21 Thánh Kinh có chép rằng: Tiên tri Ê-li đến trước mặt dân sự mà nói rằng: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào”. Thiết tưởng người theo Chúa phải nhớ lời Thánh Phao lô đã dạy qua sự cảm động của Đức Thánh Linh trong Phi líp 1:20 : “ Dù tôi sống hay là chết thì Đấng Christ cũng phải được cả sáng trong thân xác tôi.”

      Còn nói về những người chưa tin Chúa Giê-xu thì thế nào? Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời có chỗ nào mà Chúa muốn nhắn lời tỉnh thức cho những qúy vị đó không? Có chứ, nhiều lắm. Trong Thánh Kinh sách Lua-ca 24 : 46 Chúa Giê-xu phán rằng: “ Ngài phán: Có lời chép rằng, Đấng Christ phải chiụ đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân  danh Ngài mà rao giảng cho các dân các nước sự ăn năn, để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.” Có người hỏi: Tại sao phải ăn năn? Vì Thánh Kinh phán: “ Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Ăn năn tội thì được gì? Được Đức Chúa Trời xóa hết thảy mọi tội lỗi, dù bất cứ tội đó là tội gì mà trước đây chính mình đã phạm, và mình được làm hoà với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, được gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình. Được ban sự sống đời-đời, tên có trên thiên đàng vinh hiển.

       Bạn có biết rằng: Từ trước đến nay, tất cả mọi thiên tai, chiến tranh, dịch lệ, cùng những điềm lạ ở dưới đất, dấu lạ ở trên trời, phải chăng đó không phải là những hồi chuông báo động cho thế giới loài người tỉnh thức hay sao? Chúa Giê-xu sẽ đến bất thình lình. Trong Thánh Kinh sách Khải Huyền 16 : 2  Lời Chúa cho biết: Đức Chúa Trời sẽ trút 7 tai nạn cuối cùng trên đất. Bốn trong số 7 tai nạn đó là:

        Vị thiên sứ thứ nhất đi trút bát mình xuống đất, thì trở nên ghẻ chốc dữ và đau trên những người có dấu con thú cùng thờ lạy hình tượng nó.

        Vị thiên sứ thứ hai, trút bát mình xuống biển, thì biển biến ra huyết, như huyết người chết; phàm sinh vật ở trong biển đều chết hết.

      Vị thiên sứ thứ ba, trút bát mình xuống các sông cùng các suối nước, thì nước biến ra huyết.  

     Vị thiên sứ thứ tư trút bát mình trên mặt trời, thì mặt trời được quyền lấy lửa làm sém loài người. Loài người bị lửa rất nóng làm sém, chúng nó nói phạm đến danh Đức Chúa Trời là Đấng có quyền trên các tai nạn ấy, và chúng nó cũng không ăn năn để dâng vinh hiển cho Ngài. Lúc đó người tin Chúa và luôn tỉnh thức làm theo Lời Chúa dạy thì ở đâu? Xin thưa họ đã được Chúa cất lên không trung. Những người còn lại thì ở trên đất chiụ cảnh đau khổ này. Bạn nên tỉnh thức trước lời kêu gọi của Chúa. Vì Chúa rất yêu thương bạn và gia đình, đừng để cuộc đời bạn và gia đình trở  nên qúa trễ. Chúa Cứu Thế Giê-xu đang chờ để tiếp nhận bạn. Amen.

Servant  Elijah Nghiem