Công Bố Phúc Âm
Dành Cho Tín Hữu
Kinh Thánh : Thi-Thiên 6 “ Hỡi kẻ làm ác kia ,khá lìa xa ta hết thảy. Vì Đức Giê-hô-va đã nghe tiếng khóc lóc ta.”
Đề- tài
Nhìn Chúa Để Tiến Lên
Câu chuyện : Phương cách làm cho sự thất vọng buồn chán nhẹ đi.
Có một bà mẹ; vừa mất đứa con trai thân yêu nhất. Bà cảm thấy mình không thể chiụ đựng nổi, nếu không tìm được cách gì mà để cho sự thất vọng nhẹ đi. Bà suy nghĩ một hồi, sau đó tìm đến nhà hiền triết nổi tiếng của Trung Hoa. Sau khi bày tỏ nỗi buồn, nhà hiền triết hứa sẽ giúp bà. Ông nói: Bây giờ bà vào trong cái làng kia. Hỏi thăm và tìm đến nhà nào chưa bao giờ bị mất mát người thân, hay buồn chán, thất vọng trong đời. Bà hãy xin người ấy một nắm hột cải mang về đây. Sau một ngày đi hỏi thăm, cả làng ấy chẳng ai mà không có những nan đề trong cuộc sống, cuối cùng bà trở về tay không. Bà nói với nhà hiền triết: tôi chẳng tìm được nhà nào không có chuyện buồn từ trước tới nay. Nhà hiền triết nói: Thế là bà đã có câu trả lời. Cuộc đời này là thế đó, ai cũng phải có. Không nỗi buồn này, thì thất vọng khác. Bà đừng nghĩ là một mình bà có chuyện buồn, thì bà sẽ được nhẹ đi.
Thật như vậy. Nếu để ý, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng: Chúng ta đang sống trong một thế giới, mà hình như tất cả mọi sự, nó đang đi ngược lại với ý muốn của chúng ta. Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp những thuận lợi chứ. Nhưng khi gặp thuận lợi rồi, chúng ta lại sợ rằng sự thuận lợi này ở với chúng ta không lâu bền. Cho nên nhiều người cố tình tìm cách giữ nó, bằng nhiều hình thức khác nhau, khiến dẫn đến mê tìn dị đoan giống như trong các tôn giáo vẫn thường làm. Như vậy có nghĩa là chúng ta đã hiểu được rằng: Con người không thể làm chủ về bất kỳ phương diện nào trong cuộc sống ở thế giới tạm bợ này. Cho nên, con người phải hiểu rằng: Tất cả những sự ước muốn về vật chất, không thuộc quyền quyết định sự thành công của con người. Nhưng con người có quyền quyết định về sự thất bại của nó. Hình như tương lai của đời sống con người là một chuỗi bí mật, mà con người không thể hiểu được. Từ sự suy nghĩ đó, mà nhiều người đã rơi vào trong tình trạng chán nản rồi thất vọng. Nói một cách thực tế nhất là: Con người chúng ta dễ hướng về sự thất vọng, hơn là hy vọng để thành công.
Chúng ta thử suy nghĩ coi: Một ngày chúng ta thốt ra từ nơi miệng của mình, không biết bao nhiêu là chữ: Chán, buồn, mệt, khó chiụ, khó ưa, bực bội, thất bại! Đa số chúng ta thích đặt mình vào sự thất vọng làm nền tảng mà không hề biết. Bạn đã có bao giờ rơi vào trong tình trạng đang vui, mà nếu có ai đó nói chạm tự ái, bạn liền xoay qua sự bực bội, rồi dẫn đến cãi vã, và nếu không kềm chế được có thể dẫn đến xô xát chưa? Nếu có, thì bạn là người không thể làm chủ được bản thân mình, mà bị người khác điều khiển bản thân của bạn. Bạn có thấy cái truyền hình không? Nó không tự tìm được tầng số để phục vụ bạn, mà nó phải cần một người nhấn nút để nó có thể hoạt động. Nhưng đồ vật là phải như thế, còn con người đừng giống như thế, mà mình phải có sự suy nghĩ, và lập trường chủ động của chính mình. Vì Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên mình là loài khôn ngoan, có hình ảnh giống như Đức Chúa Trời.
Giả sử nếu được hỏi: Có khi nào bạn bước vào một nhà hàng, ăn điểm tâm. Khi gọi ra món bạn thích, nhưng thợ nấu hôm nay làm không hợp khẩu vị, bạn liền tỏ ra thái độ khó chịu, đến nỗi gương mặt không còn những nét vui tươi như lúc đầu nữa không? Nếu có, thì bạn đang bị người đầu bếp nhà hàng điều khiển bạn rồi. Vì không phải họ muốn đóng cửa nhà hàng, nên cố tình chờ bạn đến để đối xử như thế đâu. Chẳng qua sự pha chế, đôi khi có sai sót mà mình có thể thông cảm được. Cho nên đúng ra, bạn phải hiểu hoàn cảnh người đầu bếp mà châm chế cho họ. Mặc dù bạn không vào gặp người đầu bếp để nói về sự tha thứ của bạn. Nhưng nếu bạn có sự thông cảm, bằng cách như vậy,thì người đầu bếp đã nhận được sự tha thứ từ nơi bạn rồi. Chứ không phải chỉ vì một món ăn không ngon miệng, mà bạn bị người đầu bếp điều khiển bản tính của bạn, thì là cả một điều vô lý. Ông Bà mình thường nói: “ Nhân vô thập toàn” Chẳng ai hoàn toàn cả. Không sai sót lúc này, cũng sai sót lúc khác, không gây mất lòng người này, cũng sẽ có lúc làm phiền lòng người khác. Chúng ta phải có tấm lòng rộng lượng trước những gì xảy ra trong đời sống chúng ta, dù nhỏ hay lớn, để chúng ta có một cuộc sống vui vẻ và thoải mái luôn. Về phương diện thuộc linh thì trong Thánh Kinh sách Ga-la-ti 6: 1 Lời Chúa cũng dạy chúng ta cách đối xử với một người phạm lỗi với chúng ta, bằng cách như sau đây: “ Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại., chính mình an hem cũng phải giữ, e bị dỗ dành chăng.”
Ông Gióp đã thấy được cái nghịch lý của cuộc đời. Ông viết trong sách Gióp 30: 26 “ Tôi đợi chờ phước hạnh, tai hoạ bèn xảy đến; tôi trông cậy ánh sáng, tối tăm lại đến cho” VuaĐa-vít cũng cảm thấy mình có qúa nhiều nan đề trong cuộcsống: Cho nên ông tỏ ra một số sự chán nản trong Thi thiên này .
I / Ông cảm thấy mình yếu đuối và bịnh hoạn .
Trong Thánh Kinh sách II Cô-rinh-tô 13 : 3 Lời Chúa cho chúng ta biết rằng: “ Vì anh em phải có một bằng cớ rằng: Đấng Christ phán bởi tôi, tức là Đấng đối với anh em chẳng phải là yếu đuối đâu, bèn là mạnh mẽ ở giữa anh em vậy.” Cái tư tưởng thiên về chán nản, cũng như sự yếu đuối, đôi khi nó có sức mạnh không thể tưởng tưởng được, đã đè bẹp cuộc đời của vô số người. Nhất là những người ở trong Chúa đã trở nên yếu đuối, sa sút, nguội lạnh về phương diện niềm tin của mình. Khiến cho hàng triệu người Cơ-đốc hiện nay, đã biến mình thành khán giả ưu tú, chứ không còn là diễn viên tích cực trên sân khấu thuộc linh nữa! Đây là cách mà ma quỉ đã dùng, để từ-từ làm mất khả năng chiến đấu của những người được gọi là tinh binh của Chúa Giê-xu. Nếu Sa-tan thực hành được ý đồ này trên người Cơ-đốc nào đó, thì chẳng qua; những người ấy chỉ là những người tín đồ hữu danh vô thực. Đành rằng, con người thể xác này, khi nói đến yếu đuối là chuyện thường tình phải có. Nhưng nếu chúng ta không tỉnh thức trước mọi tình huống có thể xảy ra, bằng cách bám lấy lời của Đức Chúa Trời, thì sự thất bại phải đến là điều không thể tránh khỏi. Trong Thánh Kinh sách I Giăng 2 : 14 Lời Chúa cho biết: “ Hỡi con trẻ, ta đã viết cho các con , vì các con đã biết Đức Chúa Cha . Hỡi phụ lão ,tôi viết cho các ông , vì các ông đã biết Đấng có từ lúc ban đầu . Hỡi kẻ trẻ tuổi ,ta đã viết cho các ngươi , vì các ngươi là mạnh mẽ , lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi , và các ngươi đã thắng được ma qủy.”
Câu Chuyện: Thắng Nỗi bất Hạnh
Trước đây ở vùng Basil, thuộc bang OHIO có một câu bé tên là Lewis Cook. Cậu rất thích chạy nhảy và bơi lội ở dòng sông Poplar Creek. Một ngày kia, cậu nhảy xuống song, không may bị chấn thương và tê liệt suốt đời. Bệnh tình đã thay đổi hẳn màu sắc của cuộc sống cậu. Nhưng tuổi cậu còn rất nhỏ, thế mà cậu đã nhất quyết không cho bệnh tật kềm hãm sự hy vọng của tương lai cậu. Cậu quyết tâm thay đổi nó, để chiến thắng nó bằng cách: Cậu tập viết lại. Rồi cậu viết thư cho bạn bè. Những lá thư của cậu đầy tiếng cười vui. Cậu còn kiếm được tiền bằng cách viết thư cho độc giả nhờ mua báo của mình. Nhiều người tới thăn cậu đã xác nhận rằng: Không bao giờ cậu than thở. Trái lại, người ta chỉ nghe những lời khích lệ đầy hy vọng. Muốn thắng nghịch cảnh phải tỏ ra can đảm cao độ. Vì nghị lực chiến thắng sự bất hạnh. Trong Thánh Kinh sách Tiên-tri Ê-sai 35 : 4 Lời Chúa khuyên chúng ta: “ Hãy làm cho mạnh những tay yếu đuối, làm cho vững những gối run rẩy.”
Đối với thế-giới ngày nay, chỉ trong vòng một ngày, bạn đã được nghe vô số những chuyện xảy ra trên thế- giới: Quân sự gia tăng, chính trị thất bại, cướp bóc, và giết người, cướp của hàng loạt ở vô số các thành phố trên thế giới. Thất nghiệp, kinh tế xuống dốc, thị trường chứng khoán mất điểm…v…v. Tội ác là đề tài nóng bỏng nhất, được cập nhật trên mạng lưới truyền thông toàn cầu, từng giây, từng phút. Vô số tôn giáo chống Chúa ra đời. Sa-tan và bè lũ của nó là ma quỷ đang lộng hành khắp mọi nơi. Thế mà bạn lại có thể “ bình chân như vại” được sao? Chúa là sức mạnh của chúng ta. Nếu bạn là người Cơ-Đốc yêu mến Chúa, hãy đứng lên, như Lời Chúa Giê-xu đã phán:” hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người.” Bạn ơi! Ngày gặp Chúa Giê-xu sẽ không còn xa nữa. Những dấu hiệu đang lần hồi xảy ra trên thế giới, đã cho chúng ta biết, ngày vui sắp đến rồi rồi. Tiếng chim hót chào bình minh cho một buổi sớm mai sắp lộ ra. Trong Thánh Kinh sách Cô-lô-se 3:23 Lời Chúa khuyên chúng ta: “ hãy làm công việc Chúa một cách dư dật luôn, vì công khó của anh em trong Chúa không phải là vô ích đâu.” Có nhiều người muốn hầu việc Chúa, muốn làm việc Chúa. Nhưng cũng có nhiều lý do đưa ra, để che đậy, hầu hợp thức hóa cho cái bản tính thiếu siêng năng, biếng nhác của mình. Một người muốn hầu việc Chúa, hay làm công việc Chúa, thì người đó phải thấy được cái giá trị của công việc mình làm, thì mới làm được. Vì làm việc Chúa, hay hầu việc Chúa, không có nghĩa là mình bước vào một công việc từ thiện cho Chúa, đó là một sự hiểu biết sai trật. Nhưng nếu ai là người muốn hầu việc Chúa, hay làm việc Chúa một cách trọn vẹn trong sự kính sợ Chúa, thì người đó phải thưa với Chúa rằng: “Thưa Chúa: Con là đầy tớ, là người hầu của Ngài. Mọi việc con làm là bổn phận và trách nhiệm phải làm của con, con đáng phải làm vậy.”
Khi bạn bước vào công việc Chúa, để trở thành người hầu trung thành của Chúa, bạn đừng đặt hoàn cảnh của bạn vào công việc, dù hoàn cảnh của bạn đang ở trong tình trạng như thế nào. Vì nó sẽ làm ngăn trở sự trung thành, tung tín của bạn với công việc Chúa, và với Chúa. Bạn có nghe người ta thường nói” Mỗi người đều có một hoàn cảnh không? Cho nên hầu việc Chúa không thể vì hoàn cảnh, mà do tấm lòng của một người, khi nhìn biết mình là một tội nhân đã được Chúa cứu mình thoát khỏi sự chết đời-đời.
II / Ông cảm thấy có lúc mình bị bối rối.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp nhiều sự bối rối, do đủ mọi phương diện gây nên. Nhưng không có cái bối rối nào đến với chúng ta, mà nó lớn hơn, nó nguy hiểm và khó giải quyết hơn là cái bối rối mà chính chúng ta tạo ra nó.Trong Thánh Kinh sách I Samuên 25 có ghi lại một câu chuyện:Khi sự xung đột giữa Đa-vít và vua Sau-lơ mở màn, thì Vua Đa-vít buộc phải sống ở vùng quê để tránh cơn thịnh nộ của Sau-lơ . Một nhóm khoảng 600 người cùng gia đình của họ sống quanh Đa-vít. Suốt nhiều tháng họ đóng gần Cạt-mên nơi các bầy chiên của Na-banh ( là chồng của bà A-bi-ga-in ) đang ăn cỏ. Những kẻ theo Đa-vít đã giúp đám chăn chiên của Na-banh bảo vệ chiên khỏi kẻ cướp. Đến mùa hớt lông chiên, Đa-vít sai sứ giả đến yêu cầu Na-banh người nhà giàu đền bù. Nhưng ông này từ chối và khinh miệt người của Đa-vít .
Đa-vít giận giữ hấp tấp quyết định giết Na-banh và mọi người Nam trong nhà người. Khi A-bi-ga-in nghe chuyện xảy ra, bà đã nhanh nhẹn thu gom một số lớn lương thực, can ngăn Đa-vít và binh sĩ của ông, và khiêm tốn xin lỗi về hành động của chồng bà. Đa-vít biết ngay là bà can ngăn không cho ông thực hiện sự trả thù. Ông nhận biết được hậu qủa kinh khủng nếu Đức Chúa Trời không chận đứng ông “ Ông liền ca ngợi Chúa .”
Nếu mình bị người khác làm mình bối rối, thì mình có Lời Chúa an ủi khích lệ mình. R62i để đó cho Chúa lo liệu, mình cứ tiến tới, để tiếp tục công việc Chúa giao. Trong Thánh Kinh sách Giăng 14 : 27 Lời Chúa Giê-xu phán: “ Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi ; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho . Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” Cho nên,nếu mình là thủ phạm gây cho mình bị bối rối, thì mình phải trả giá về sự bối rối đó. Như hình ảnh của Na-banh đã là một bài học rất quí giá cho chúng ta.Trong bài học này, Chúa cũng dạy cho chúng ta về sự phước hạnh cao qúi của người đứng ra giải hoà.Trong Thánh kinh sách Ma-thi-ơ 5 : 9 Lời Chúa hứa: “ Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận thì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” Nhìn vào trong tình trạng Hội Thánh Việt-nam ngày nay, xem ra rất đau buồn. Vì đa số học Lời Chúa nhiều, nhưng cũng chính cái đa số đó, không áp dụng lời Chúa được bao nhiêu. Mà bản tính xác thịt lúc nào cũng đứng đầu trên tất cả mọi sự việc. Thật là Chúa Giê-xu xuống thế gian sẵn sàng tha tội cho những người có tội. Khi Chúa đã tha rồi, thì những kẻ được tha lại tìm cách bắt tội lẫn nhau! Cho nên khó sống chung với nhau dưới đất, vậy thì làm sao sống chung với nhau trên thiên đàng?
Hội Thánh là nơi thể hiện sự bình an, phước hạnh. Vì Đức Thánh Linh ở đâu, thì sự bình an ở đó! Nhưng bây giờ có bao nhiêu người trong Hội Thánh Chúa, biết kính sợ Đức Thánh Linh? Có bao nhiêu người là môn đồ của Chúa Giê-xu biết thương anh em mình? Có bao nhiêu người học lời Chúa, để rồi đừng nói xấu lẫn nhau? Nhưng thịnh hành nhất, là đã có nhiều tín hữu trở thành “quan tòa” để phát xét anh em mình. Mặc dù Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh sách I cô-rinh-tô 4:5” Vậy, chớ đoán xét sớm qúa, hãy đợi Chúa đến.” Phải chăng câu Thánh Kinh này đã làm cho nhiều người kết luận, là Chúa làm việc qúa chậm, nên họ không thể chờ Chúa được! Mà họ phải tự ngồi lên ghế “quan tòa” để xét xử anh em mình ngay? Khi bạn làm điều này, tức là bạn đã tự tạo cho mình sự bối rối trầm trọng mà bạn không hề biết. Nếu bạn là người có trách nhiệm giảng dạy lời Chân Lý, thì bạn cũng đừng sợ mất lòng người này, được lòng người khác. Bạn hãy giống như một vị bác sĩ, khi tiếp nhận một bệnh nhân, thì trách nhiệm của ông không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo. Nhưng ông phải hoàn thành bổn phận của một người thầy thuốc, đó là chữa trị bệnh tật, đến nơi, đến chốn, với một tấm lòng yêu thương cao độ. Trong Thánh Kinh sách II Ti-mô-thê 2: 15 Lời Chúa cũng dạy chúng ta: “ Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời,như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng, giảng dạy lời của lẽ thật.”
III / Bị bỏ rơi, bỏ quên .
Ông viết trong Thi-Thiên 31 : 12 “ Tôi bị chúng quên đi như kẻ chết mà lòng không còn nhớ đến. Tôi giống như một cái bình bể nát, tôi đã nghe lời phao vu của nhiều kẻ tứ phía có sự kinh khủng.” Khi mô tả cảm thức riêng của Đa-vít, ông đã viết ra nỗi chán nản vô vọng mà tất cả mọi người rơi vào trong hoàn cảnh này, ai cũng đều cảm thấy hình như họ bị ghen ghét và chối bỏ.”Có nhiều khi chúng ta thấy, sự gian ác từ đâu nổi lên, đến với chúng ta một cách vô cớ, mà chúng ta cầu nguyện hình như Đức Chúa Trời không lắng nghe chúng ta, làm cho chúng ta đôi khi bị thất vọng, chính điều đó, mà nhiều người đã bị thất bại về phương diện niềm tin giữa mình với Đức Chúa Trời. Nhưng sự thất bại này hoàn toàn nằm về phía yếu đuối của chúng ta, chứ không hề liên quan đến Đức Chúa Trời. Vì khi sự việc này xảy ra, mà chúng ta có thái độ như thế, thì đây lại là câu trả lời, để đánh giá niềm tin của chúng ta là gì? Câu trả lời là: Đức tin trống rỗng! Vì Chúa giải quyết bất kỳ sự việc gì đó, thì không bao giờ Ngài phải chấp nhận yếu tố thời gian theo sự đòi hỏi cấp bách của chúng ta. Nhưng chúng ta phải chờ đợi ý Chúa. Vì ý Ngài không phải là chậm trễ, mà luô-luôn đúng thời điểm, là tốt lành trên tất cả mọi sự việc khi mà Ngài quyết định cho chúng ta. Trong Thánh kinh sách Thi-Thiên 9 : 18 Lời Chúa cho chúng ta biết như sau: “Người thiếu thốn sẽ không bị bỏ quên luôn-luôn, và kẻ khốn cùng chẳng thất vọng mãi-mãi.”
Nếu chúng ta muốn chấp nhận nghịch cảnh, hay nan đề một cách dễ dàng, thì chỉ có một phương cách duy nhất đó là: Chúng ta nhận thấy sự cấp bách trong mối liên hệ đích thực giữa mình với Đức Chúa Trời là chính, là quan trọng, mà phải thường xuyên. Vì Ngài là Đấng đang cầm quyền tể trị trên trời, dưới đất, và bên dưới đất. Chính vì Đa-vít đã hiểu được điều đó, nên ông thưa với Chúa trong lúc ông cảm thấy cô đơn được Thánh Kinh ghi lại trong Thi-thiên 31 : 14 như sau: “ Nhưng Đức Giê-hô-va! Tôi tin cậy nơi Ngài; tôi nói Ngài là Đức Chúa Trời tôi. Kỳ mạng tôi ở trong tay Chúa.”
IV / Có lúc ông cảm thấy bị Kiệt sức .
Bạn có cảm thấy trong một lúc nào đó, thân thể mệt mỏi, chân tay rã rời, đầu óc quay cuồng, chán nản, mà bạn không có cách nào để lấy lại sức khỏe cho mình; để tiếp tục công việc Chúa không? Có khi nào bạn dự định lui đi, vì tinh thần hăng say không còn, khi mà sự việc này cứ lập lại trên đời sống của bạn không? Nếu bạn trả lời có, thì điều này chẳng phải chỉ xảy ra đối với riêng bạn, mà trong đó có rất nhiều người giống như bạn, trong đó có cả tôi nữa. Để giải quyết vấn đề này, điều cần yếu là chúng ta phải nhờ vào lời Chúa trong Thánh Kinh sách Ê-sai 40 : 29-31 Lời Chúa cho biết: “ Ngài ban sức mạnh cho kẻ nhọc nhằn, thêm lực lượng cho kẻ chẳng có sức. Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới , cất cánh bay cao như chim ưng ,chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.” Khi gánh nặng của cuộc sống trấn áp, làm cho mệt mỏi, khiến cho mình không thể bước thêm một bước nào nữa. Nhưng nếu bạn muốn, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, Ngài sẽ khiến cho bạn được sức mới, bằng sự đổ đầy sức mạnh từ quyền năng của Đức Thánh Linh mà đứng lên tiếp tục sứ mạng Ngài giao phó.
Trước những trở ngại lớn lao trong cuộc sống như thế, thì cái bí quyết nào khiến cho Đa-vít cứ tiến tới-đến mức cuối cùng của cuộc đời một cách vinh quang như vậy? Chỉ có một điều, là Khi đối diện với tất cả những sự thử thách, đau buồn, chán nản, thất vọng và khốn khổ, thì Đa-vít biết mình phải làm gì? Đa-vít xua đuổi những sự thất vọng, sau đó ông ngửa trông lên sự thương xót của Đức Chúa Trời. Vì khi chúng ta tập trung nhìn vào Đức Chúa Trời, thì Ngài là niềm hy vọng độc nhất vô nhị của chúng ta. Khiến chúng ta không còn thấy những áp lực đang xoay quanh để làm nản lòng chúng nữa. Thay vào đó, chúng ta chỉ thấy Chúa và những gì Chúa đã hứa với chúng ta, để mình vững vàng mà tiếp tục những công việc Chúa mình phải làm. Cho nên trong Thánh kinh sách II Cô-rinh-tô 12 : 10 Lời Chúa dạy: “ Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đàng chiụ trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó, vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.”
Jockey Eddie Arcaro đã chiụ thua trong 45 cuộc đua đầu tiên. Michael Jodan đã từng bị cắt khỏi đội bóng rổ của trường Trung Học. Nhưng sẽ không ai nhớ bạn về số lần bạn thất bại lúc ban đầu, nhưng người ta sẽ nhớ bạn với những số lần chiến thắng vào đoạn cuối.” Amen.
Servant Elijah Nghiem