3,312 views

Suy Gẫm Đừng Suy Diễn

Công Bố Phúc Âm

Đề Tài

Suy Gẫm Đừng Suy Diễn

                               

        Bạn có thấy sự dối trá và lường gạt đang phô bày trước mắt chúng ta như một dòng suối bất tận đang phá hoại đạo đức không? Daniel Webster(1782-1852) đã tiên đoán điều này khi ông nói: “ Nếu Chân lý không được truyền bá, thì sự sai lạc sẽ thế chỗ. Nếu Đức Chúa Trời và Lời Ngài không được rao giảng và tiếp nhận thì ma qủi cùng công việc nó sẽ chiếm ưu thế.     

      Nhưng một người muốn rao giảng Lời Chúa một cách chân thật, đúng như ý muốn Ngài trong Thánh Kinh, thì người ấy phải tiếp nhận Lời Ngài với một thái độ và lối sống như  thế nào cho đúng? Trong Thánh Kinh sách Gia-cơ 1 : 19-20 Lời Chúa dạy: “ Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: Người nào cũng phải mau nghe chậm nói chậm giận. Vì cơn giận của người ta sẽ không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời. Vậy hãy bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em.” Và còn vô số những câu Thánh Kinh mang tính dạy dỗ khác nữa được hiện diện khắp trong các sách của Thánh Kinh, mà mỗi người chúng ta phải tìm kiếm ý Chúa  để học hỏi. Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp. Vì nhiều người tiếp nhận Chân lý của Đức Chúa Trời hình như là suy gẫm rất cẩn thận! Nhưng sau đó thì lại suy diễn, nên rao truyền chân lý theo chiều hướng của giáo phái hoặc ý riêng của mình. Vậy thì có còn được gọi là rao truyền chân lý hay không? Hay là họ đang làm công việc “biến chế chân lý!”

        Vì nhiều người rao truyền Lời Chúa, đang cố tình uốn nắn để cho hợp với tâm lý hội chúng, hoặc với đặc điểm của giáo phái, hay tình cảm của một số người có ảnh hưởng trên hội thánh; để chinh phục họ vì mục đích nào đó, và cũng có thể để tôn vinh chính mình nữa..v….v.! Chính vì những điều đó, mà có một số khá đông người cố tình rao truyền chân lý một cách lầm lạc. Thay vì đem đạo vào đời, thì họ đã nỗ lực để đem đời vào đạo. Đem cái giả pha trộn vào trong cái thật, đem cái sai thêm vào cái đúng, đem quyền lực của sự tối tăm vào trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời!

        Trong Thánh Kinh sách Giô-suê 1: 8 Lời Chúa đã dạy cho mỗi người chúng ta một cách rất ư là cẩn thận như sau:  “ Quyển sách Luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo những điều đã chép ở trong, vì vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.”  Trong thời đại hiện nay, chúng ta phải công nhận, trình độ hiểu biết của con người đã được nâng cao đáng kể. Chỉ nói riêng về phương diện Thần học, thì đã có hàng vạn ngôi trường thuộc nhiều giáo hội, giáo phái, đã và đang được mở ra trên toàn thế giới, mà người ta bảo là để truyền đạt lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh cho vô số người “được Chúa kêu gọi”. Nhưng đây cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, đáng để cho chúng ta phải quan tâm. Vì đã gọi là Trường Thần học, thì chúng ta lại phải xem loại trường nào đặt nền tảng trên Lời của Đức Chúa Trời một cách triệt để, và thầy nào dạy người học đúng theo ý muốn Chúa mới được. Có thế, thì người học mới hiểu và làm đúng, mà không pha trộn sự suy gẫm vào trong sự suy diễn của con người. Đây là một vấn đề vô cùng phức tạp. Nói đến đây, chắc có lẽ ai đó sẽ thắc mắc và có thể sẽ cho tôi là người ngớ ngẩn. Vì Trường Thần Học là nơi dạy Lời Chúa, thì trường nào mà chẳng đặt nền tảng trên Lời Đức Chúa Trời. Và thầy nào dạy trong trường Thần Học mà chẳng đúng với Lời Chúa trong Thánh Kinh! Nhưng bạn có biết rằng: Lại có trường hợp, trường Thần học và thầy dạy học thì  đúng với Lời Chúa dạy. Nhưng khi người học xong ra trường, thì lại thực hành sai với Lời Chúa mới là nhức đầu chứ!

       Khi nói đến thành ngữ “Đặt nền tảng trên Lời của Đức Chúa Trời” thì tôi cảm thấy rùng mình, vì tôi nhớ đến đất nước Hoa-Kỳ cũng đã và đang đặt nền tảng trên Lời Đức Chúa Trời đó chứ! Và nhiều Trường Thần học trên thế giới của một số giáo phái cũng đang đặt nền tảng trên Lời Đức Chúa Trời cũng giống như Hoa-Kỳ hiện nay vậy! Cho nên trên thực tế, một số Trường Thần Học đã sản sinh ra một số người mang đặc điểm của Trường Thần học: “vừa suy gẫm vừa suy diễn”, khiến cho việc Truyền bá Tin-Lành càng ngày càng khó khăn hơn!

      Bạn có biết, trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến 20 tháng 2 năm 2014, một số đài truyền hình đã liên tục đưa tin về một mục sư mang tên Jammie Coots thuộc giáo phái Ngũ Tuần, trong khi giảng Lời Chúa đã đem theo một con rắn rồi điều khiển nó trên tay mình, mặc dù ông đã bị khuyến cáo rất nhiều lần, nhưng ông không thay đổi thái độ, mà ông còn hứa là sẽ truyền đạt kinh nghiệm này cho con trai của ông sau này- khi tiếp nối chức vụ của ông nữa. Vì ông tin rằng, con rắn sẽ bị khuất phục bởi đức tin của ông, khi ông đọc trong Thánh Kinh sách Mác 16: 17 Lời Chúa hứa như sau: “ Vậy những kẻ tin sẽ được các dấu lạ này: lấy danh ta mà trừ quỉ, dùng tiếng mới mà nói,; bắt rắn trong tay; nếu uống giống độc chi cũng chẳng hại gì; hễ đặt tay trên kẻ đau thì kẻ đau được lành.”  Nhưng chẳng may con rắn đã không khuất phục đức tin của ông, vì ông đã cố tình hiểu sai lời dạy của Chúa, nên con rắn nó đã cắn ông, và ông đã chết! Thiết tưởng đây cũng là bài học rất có gía trị, để cho những ai thích dùng Chân lý của Thánh Kinh để biến thành chân lý mang đặc điểm của giáo phái, hay là của ý riêng  mình.

        Qua sự việc vô cùng đáng tiếc này, chúng ta nghĩ gì, khi một người hầu việc Chúa đang trong giờ hành lễ, mà lại mang động vật thuộc loại bò sát vào nơi thờ phượng Đức Chúa Trời để “biểu diễn”khoe khoang về niềm tin của mình một cách vô lễ trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời? Trong Thánh Kinh Lời Chúa đề cập thế nào về con rắn? Và cũng đã có ai ở trong Thánh Kinh làm một việc qúa ư là sai trật như thế trong khi thờ phượng; để chúng ta được phép mà noi gương không? Hình ảnh này chỉ xảy ra khá nhiều ở Ấn độ với những nhà bắt rắn chuyên nghiệp và thờ rắn. Nhưng hàng năm cũng đã bị rắn cắn chết khá nhiều! Vậy thì bây giờ chúng ta cũng nên đặt ra một câu hỏi: Có chỗ nào trong Thánh Kinh nói về sự bảo vệ của Chúa cho người tin Ngài trong lúc bắt rắn không? Xin trả lời là có. Trong Thánh Kinh sách Công vụ 28: 5 3-5 có ghi lại sự việc Phao-lô tại cù lao Man-tơ : “ Phao-lô lượm được một bó củi khô quăng vô trong lửa, xảy có con rắn lục bị nóng trong lửa bò ra, quấn trên tay người. Thổ dân thấy con vật đeo thong lòng trên tay người bèn nói với nhau rằng: Thật người này là tay giết người; nên dầu được cứu khỏi biển rồi nhưng lẽ công bình chẳng khứng cho sống! Nhưng Phao-lô rảy rắn lục vào lửa chẳng thấy hề chi hết.” Nhưng sở dĩ Phao-lô nhận được lời hứa của Chúa là vì ông ở trong hoàn cảnh nguy hiểm, chứ không phải Phao-lô bắt rắn biểu diễn.

       Còn vấn đề đặt tay cầu nguyện, thì đây là một việc mà các Sứ đồ của Chúa đã thực hành trên người bệnh trong danh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Và ơn đuổi qủi cũng vậy. Trong Thánh sách Ma-thi-ơ 10 : 1 ghi lại như sau: “Đức Chúa Giê-xu gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ bệnh tật.” Còn vấn đề dùng tiếng mới thì thế nào? Chúa bảo bạn là dùng tiếng mới, vậy thì bạn phải hiểu rằng: Bạn đã được Chúa ban tiếng mới cho chưa mà dùng? Mà khi đã được Chúa ban, thì bạn phải dùng như thế nào cho đúng? Bạn phải mở Thánh Kinh sách I Cô-rinh-tô ra xem, khi mà bạn đã được ban ân tứ đó, thì Chúa cho phép bạn dùng như thế nào. Chứ không phải bạn dùng thế nào cũng được, và chẳng phải ai cũng sẵn có tiếng lạ để dùng! Xin bạn hiểu cho như vậy.

         Còn vấn đề “uống giống độc chi chẳng hại gì” bạn phải mở Thánh Kinh trong sách II Các Vua 2 : 19-22 được ghi lại như sau: “ Dân cư của Giê-ri-cô nói cùng Ê-li-sê rằng: chỗ xây cất thành này tốt lắm,,y như Chúa tôi thấy; nhưng nước thì độc và đất thì chai: Người đáp, hãy đem cho ta một cái bình mới, và đựng muối ở trong. Chúng đem bình đến cho người. Người bèn đi đến nguồn nước, đổ muối xuống nước, mà nói rằng: Ta đã chữa lành cho nước nầy, tự nó sẽ chẳng còn gây ra sự chết, hoặc sự nân nữa.” Một trường hợp nữa được chép trong sách II các-vua 4: 39-41 như sau: “ Một người trong bọn họ đi ra ngoài đồng đặng hái rau, thấy một dây rừng leo, bèn hái những dưa dại, bọc đầy vạt áo tơi mình.Khi người trở về sắt ra từng miếng bỏ vô nồi nấu canh, chẳng biết nó là thứ gì. Người ta múc cho các người ăn, nhưng vừa khi họ nếm canh,thì la lên rằng: Hỡi người của Đức Chúa Trời, sự chết ở trong nồi này! Họ ăn canh ấy không đặng. Ê-li-sê nói: Thế thì hãy đem bột lại. Người bỏ bột trong nồi, và biểu rằng: Hãy múc cho các người ăn. Vậy trong canh canh chẳng còn độc gì nữa.”

      Qua hai trường hợp tôi vừa nêu trên. Giả sử có ai đó thắc-mắc hỏi tôi rằng: Nếu bây giờ ai đó đi ra giảng đạo mà gặp trường hợp như Ê-li-sê ở trên, thì mình có thực hành giống như Ê-li-sê không? Vâng, điều tôi trả lời bạn đó là:

      1/ Đối với Lời Đức Chúa Trời, bạn phải đọc chậm và cẩn thận, suy gẫm từng chữ, từng câu văn, về trường hợp của Ê-li-sê đã được ghi trong Thánh Kinh nói riêng, cùng tất cả những phần khác ở trong Thánh Kinh nói chung.

      2/ Bạn thực hành giống như Ê-li-sê, hay là không thực hành giống như Ê-li-sê, hoặc là phải đối phó như thế nào ngay trong thời điểm của bạn, nếu trong tương lai bạn phải đối diện với nan đề này; thì bạn cũng đừng lo. Nhưng bạn đừng tự ý quyết định. Bạn cứ hỏi ý muốn Chúa. Vì trong Thánh Kinh sách Mác 16: 20 ghi rõ rằng: “Về phần các môn đồ thì đi ra giảng đạo khắp mọi nơi. Chúa cùng làm với môn đồ, và lấy các phép lạ cặp theo mà làm cho vững đạo.”

        Sự thất bại của nhiều người hầu việc Chúa hiện nay là cứ tưởng mình làm một mình, mình quyết định một mình, sự hiểu biết của mình đã lên tới tột đỉnh rồi, mà quên lửng rằng, Chúa đang cùng làm việc với mình. Cho nên bất cứ sự việc lớn nhỏ nào trong đời sống thuộc thể và thuộc linh, mình cũng phải làm theo ý muốn Chúa, và chờ đợi sự quyết định của chính Ngài. Nếu ai có bản tính tự cao, tự đại, cho mình là người đặc biệt, được ơn này, ơn kia, thì hãy mau-mau hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, để được Ngài thương xót, hầu danh Ngài luôn được tôn cao trong chức vụ cũng như đời sống của mình.

       Bạn biết rằng, sau năm 1975, các giáo phái Ngũ Tuần đến Việt-Nam, những người theo Ngũ Tuần non trẻ hay qúa khích đều cảm thấy hãnh diện khi đọc đến câu Thánh Kinh này. Vì họ tin rằng, câu Thánh Kinh này chỉ phù hợp với những người có đức tin mạnh, thuộc giáo phái Ngũ Tuần thôi, còn những giáo phái khác thì không xứng đáng được hưởng, bởi vì thiếu đức tin nơi Chúa! Nhưng nếu chăm chỉ suy gẫm theo Lời Chúa dạy, chứ đừng suy diễn, thì câu Thánh Kinh này Chúa đâu có nói là: “Vậy những kẻ theo Ngũ Tuần sẽ được những dấu lạ này đâu!” Mà Chúa hứa chung cho những kẻ nào tin nhận Ngài. Nhưng sao các giáo phái khác không đặt nặng về lời hứa của Chúa trong câu Thánh Kinh này để thực hành, mà chỉ có một số người theo Ngũ Tuần qúa khích thôi? Vâng, vì như thế cho nên người ta mới gọi đây là “đặc điểm của giáo phái.” Nhưng không phải chỉ có Ngũ tuần mới có đặc điểm. Mà đa số, mỗi giáo phái đều có đặc điểm riêng.  Có những đặc điểm vô hại, nhưng cũng có vô số những đặc điểm mang tính giáo phái vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế mà mục sư Jammie Coots đã qúa thiên về một- trong vô số đặc điểm giáo phái mang tính nguy hiểm, cho nên ông đã qua đời!

         Chúng ta nên nhớ rằng: Một người tín đồ được gọi là mạnh mẽ, không có nghĩa là phải mang danh một giáo hội, hay giáo phái nổi tiếng nào đó thiên về ân tứ và quyền năng. Vì người tín đồ của Chúa không phải hăng say, mạnh mẽ bởi tổ chức giáo phái ở bên ngoài, sau đó thấm sâu vào tấm lòng. Mà phải mạnh mẽ, hăng say, yêu mến Chúa từ trong lòng, để thể hiện ra ngoài hành động. Vì đức tin của một người được trưởng thành không phải từ nơi tổ chức của giáo phái loài người, mà phải bắt nguồn từ sự vâng phục Lời Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh sách Châm ngôn 9: 10 Lời Chúa phán: “ Kính sợ Đức Giê-hô-va ấy là khởi đầu sự khôn ngoan. Sự nhìn biết Đấng thánh đó là sự thông sáng.” Và phải thể hiện đời sống qua chín phương diện của Đức Thánh Linh đó là: “Sự yêu thương, Vui mừng, Bình an, Nhịn  nhục, Nhân từ, Hiền lành, Trung tín, Mềm mại, Tiết độ.”

          Đối với chức vụ hầu việc Chúa mà người ta thường gọi là mục sư-trong thời đại bây giờ cũng vậy, nhiều vị đã qúa nặng về hình thức bề ngoài, đến nỗi người ta không còn để ý đến ơn Chúa ban cho nữa, mà chỉ để ý đến trình độ bằng cấp thôi. Chúng ta nghĩ gì, khi mà một người mục sư đến giảng tại một hội thánh nào đó, thì người ta in tờ quảng cáo có  chân dung người diễn giả và in rõ trình độ thần học của người ấy cho hấp dẫn với hàng chữ: “ Tiến sĩ  Mục sư Nguyễn văn …. chẳng hạn.” Vậy thì có phải đây là một lời nhắn mang tính hiểu ngầm cho mọi người biết rằng: Những ai muốn nghe người “tiến sĩ” giảng Lời Chúa với trình độ cao, đặc biệt- thì hãy đến! Chứ đâu phải báo cho mọi người biết; để họ đến nghe một “đầy tớ Chúa” được Chúa sai đến giảng Lời Đức Chúa Trời đâu! Vì theo Thánh Kinh thì người đầy ơn đâu phải là Luật gia, Triết gia, hay là Tiến sĩ. Giả sử có ai đó đọc những lời này, mà nghĩ cho tôi là người không có bằng tiến sĩ nên tôi ganh tị. Vậy thì tôi xin thưa rằng: Đối với tôi, những bằng cấp nhỏ, còn nằm ẩn mình ở phía dưới tiến sĩ bao nhiêu cấp mà tôi chưa có, huống gì nói đến tiến sĩ! Nhưng tôi nhớ Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh sách Phi-líp 3: 2: “ Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình.” Và tôi sẽ chứng minh điều đó ở phần dưới đây.

        Phải chăng nhiều người nghĩ rằng: Các Sứ đồ trong thời ấy toàn là người tầm thường, không ai có cơ hội được vào trường Thần Học để đạt đến trình độ như nhiều người hầu việc Chúa ngày nay, cho nên các ông không có nấc thang trình độ để ghi vào trước cái chức vụ Sứ đồ của mình. Thật là tội nghiệp! Nhưng khi chúng ta nói đến Sứ đồ Phao-lô, thì qua mọi thời đại có ai được ơn và trình độ hiểu biết sâu sắc như ông đâu. Nhưng ông cũng đâu có để trình độ bằng cấp của ông trước chức vụ và tên của ông bao giờ. Mà ông còn được Chúa Thánh Linh cảm động để ông thốt lên một lời vô cùng giá trị được Thánh Kinh ghi lại trong sách Phi-Líp 3: 7: “ Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi coi mọi sự lời như là sự lỗ vậy. Vì sự nhận biết Chúa Giê-xu là qúi giá hơn hết, Ngài là Chúa tôi, tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi sự đó, thật tôi coi mọi sự đó như rơm rác hầu cho được Đấng Christ.”

      Vậy phải chăng ngày nay có nhiều người hầu việc Chúa đã lấy cái rơm rác đó mà để trước cái chức vụ cao quí mà Chúa đã ban cho mình? Chúng ta không phủ nhận trình độ của bất kỳ ai, vì đó là sự nỗ lực đáng quí, chúng ta phải trân trọng và kính nể, nhưng để nó vào công việc hành chánh, mà điều hành tổ chức thôi. Còn theo tôi nghĩ, thì trong lãnh vực chăn Chiên, mà người ta thường gọi là Tiến sĩ mục sư quản nhiệm, hay là Tiến sĩ mục sư diễn giả..v..v..thì khẳng định, bằng cấp không giúp chúng ta trở thành người có ơn để rao truyền Lời Đức Chúa Trời trong lúc ban phát sứ điệp. Mà phải hạ mình, khiêm nhường trước mặt Chúa. Hơn nữa, chúng ta không nên tự chia ra đẳng cấp kiến thức trong giới “đầy tớ.” Vì đã gọi chung là đầy tớ thì còn khoe đẳng cấp đầy tớ làm gì nữa cho thêm phiền. Điều đó chỉ mang tính cách phân biệt kiến thức giữa các đầy tớ với nhau,  chứ không đẹp lòng Đức Chúa Trời.

        Về một phương diện khác. Có một phụ nữ thuộc phái Ngũ Tuần gọi điện thoại hỏi tôi rằng: Theo lời hứa của Chúa cho những kẻ tin Ngài một số đặc ân, trong đó có ơn “đặt tay trên kẻ đau, thì kẻ đau sẽ được lành”. Nhưng sao tôi đặt tay trên nhiều người mà chẳng ai được lành cả, thậm chí có người bệnh còn nặng hơn rồi qua đời nữa, làm cho đức tin tôi bị lung lay. Vậy thì trường hợp đó được giải thích như thế nào? Trước khi trả lời cho cô hiểu, tôi cũng thú thật với cô là tôi không được kinh nghiệm lắm về phương diện này, nhưng Chúa cho tôi hiểu được bao nhiêu, thì tôi sẽ giúp cô bấy nhiêu. Sau đó tôi giải thích cho cô biết rằng: Nếu cô cứ nghĩ là cô đặt tay trên người đau bất cứ là ai thì người đó phải được lành, và nếu cô cứ hiểu một cách tuyệt đối đơn giản như thế, thì sẽ có vô số người bệnh được cô đặt tay, họ sẽ không bao giờ phải vào nhà thương, và những người này nếu cứ được cô cứ tiếp tục đặt tay như thế mỗi khi họ bị bệnh, thì dù ai lớn tuổi đến đâu, cũng chẳng ai phải qua đời trước khi cô nằm xuống cả!

      Tôi nói như thế không có nghĩa là Chúa chỉ hứa ở trong Thánh Kinh thôi, chứ những người tin Chúa Giê-xu sẽ không bao giờ nhận được lời hứa này. Mà chúng ta phải hiểu rằng: Khi Chúa hứa ban cho chúng ta là những người tin Ngài một cách thật lòng, thì bất kỳ điều gì, chúng ta cũng đều nhận được cả, nhưng sự đón nhận phải có điều kiện. Và phải được Chúa cho phép thực hiện trong hoàn cảnh như thế nào. Cho nên chúng ta phải hiểu một số điều quan trọng sau đây:

1/ Chúa ban cho những người tin Ngài nhiều lời hứa, để người tin Ngài làm theo ý muốn Ngài. Chứ không phải chúng ta quyết định làm theo ý muốn của chúng ta, rồi bắt buộc Chúa quyết định  theo ý muốn mình.

2/  Người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu phải xem xét lại chính đời sống mình, để tin chắc rằng, mình có đủ tiêu chuẩn về sự vâng lời, để đón nhận bất kỳ lời hứa nào của Ngài về cho mình hay không?

3/ Khi mình thực hành việc đặt tay cho người bệnh, không có nghĩa là mình có quyền quyết định thay đổi tình trạng bệnh tật của người ấy. Vì mình chỉ là công cụ, còn sự  quyết định như thế nào sau lời cầu nguyện của mình đều thuộc về quyền của Chúa cả. Cho nên mình phải nói” Theo ý Chúa được nên”. Chứ không phải mình tự tuyên bố với người bệnh là họ chắc-chắn sẽ được khỏi bệnh sau lời cầu nguyện của mình.

     Trong Thánh Kinh sách II Phi-e-rơ 3 : 16 Lời Chúa dạy rằng : “Ấy là điều người ta viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó. ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh Thánh khác, chuốc lấy sự hư mất về cho mình.” Cho nên khi nói đến Lời Đức Chúa Trời, chúng ta hãy hạ mình suy gẫm chứ đừng cố tình dùng trí để suy diễn. Amen. 

Servant  Elijah  Nghiem