4,750 views

Trả Thù Đúng Luật

        1 /  Vì người có hành động trả thù , thì họ luôn-tìm cơ hội để tấn công, mà người bị trả thù khó có thể tránh được. Vì họ làm một cách âm thầm, kín đáo, chứ không bao giờ họ tỏ vẻ công khai, để người bị trả thù có thể tìm cách mà né tránh, hay tố cáo. Người có bản tính trả thù, luôn-luôn để ý đến cái thói quen của đối phương. Để biết chắc-chắn đường đi nước bước. Mà sự chuẩn bị để trả thù đối với họ không được tính bằng thời gian, miễn là đến khi nào họ cảm thấy hại đối phương một cách chắc-chắn thì lúc đó họ sẽ ra tay để thực hiện.

       2 / Người đã  bị trả thù, luôn-luôn bị thiệt hại nặng hơn người thù mình. Vì khi họ bị tấn công họ đã có sẵn cái máu báo thù ở trong lòng họ, cho nên họ phải làm bất cứ hành động nào miễn sao đối phương nhừ tử thì họ mới hả dạ. Cho nên hậu qủa của sự trả thù không thể nào lường trước được, và cũng không biết khi nào thì hận thù chấm dứt. Vì ngọn lửa thù hằn sẽ không bao giờ tắt, chỉ khi nào con người thù hận đó nằm, thì mọi sự mới êm xuôi. Chính vì sự nguy hiểm đó mà Đức Chúa Trời cảnh cáo con người không được trả thù. Mà sự trả thù phải để dành riêng cho Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh sách Rô ma 12 : 19 Lời Chúa phán: “ sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng.” Có người hỏi: Có mấy loại trả thù? Xin trả lời: Có hai loại trả thù.

 I / Trả thù theo  luật của con người.

            Loại trả thù này không dành riêng cho bất cứ ai, mà hình như ai cũng có thể dùng loại trả thù này được, kể cả Cơ Đốc nhân không vâng lời Đức Chúa Trời. Loại trả thù này rất phổ thông, nó xảy ra trong mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Vì nó dễ làm, loại trả thù này dùng được đủ mọi loại khí giới mà người trả thù muốn như: Vũ khí, sức mạnh, quyền uy, thế lực, kể cả dùng yếu tố tâm lý, nói hành, nói xấu, ruả sả..v…v.

          Loại trả thù này được gọi là loại trả thù để bị thù. Loại trả thù này làm cho con người mất sỹ diện, mất danh dự, mất tiền bạc, mất của cải, mất  tính người, mất lương tâm, mất khôn, có khi mất mạng, mất phước,  dẫn đến mất tự do, sợ hãi, trốn tránh.

         Ông tổ phát minh ra loại trả thù này đó là ông Ca-in. Ông Ca-in thù người không thù mình, oán người không oán mình. Giết người, mà người đó chưa bao giờ đòi giết mình. Chỉ  vì ganh tị nên phát sinh ra thù oán, bất chấp mối liên hệ ruột thịt, hay bà con dòng họ.

         Ca-in là một mẫu người vô cùng nguy hiểm, dám tra tay giết chết em ruột của mình một cách không thương xót. Vì người em mà Ca-in giết, lại  là người không hề có sự mẫu thuẫn hay thù oán với Ca-in. Khi Ca-in giết em mình thì thấy qúa dễ, , chỉ vì ganh tị rồi nảy sinh thù oán Người say máu hận thù không sợ giết người, nhưng sau khi giết người rồi lại sợ người khác  giết mình. Khi Đức Chúa Trời tuyên bố hình phạt trên Ca-in, thì ông lại sợ người khác gặp mình và giết đi. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời không để cho người khác trả thù Ca-in, mà Đức Chúa Trời lại đánh dấu trên mình ông, để những người gặp ông thì không được đụng đến mạng sống ông? Thật đúng với câu dân gian thường nói: “ Chưa đánh được người thì mặt xanh mày tía , đánh được người rồi thì hồn vía không còn.”

II / Trả thù theo luật của Đức Chúa Trời.

         Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương, cho nên làm bất cứ điều gì theo luật của Đức Chúa Trời cũng phải dùng yêu thương, kể cả trả thù người khác cũng vậy. Vì có như thế mới thay đổi được lòng người, và sự thù oán mới dừng lại.

          Ai có kẻ thù, mà biết trả thù bằng luật yêu thương của Đức Chúa Trời, thì người đó có đời sống thuộc linh cao qúi, có lỗ tai thiêng liêng biết lắng nghe lời dạy của Đức Chúa Trời biết kính sợ Đức Chúa Trời. Trong Thánh Kinh sách  Lu-ca 6 : 35 Lời Chúa phán: “ Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng rất cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi cùng kẻ dữ.” Trong Thánh Kinh sách Thi-thiên97 : 10 Lời Chúa phán : “ Hỡi những kẻ yêu mến Đức Giê-hô-va hãy ghét sự ác.”

        Có một câu nói rất hay đó là: “ Hãy cho tôi biết bạn ghét gì, thì tôi sẽ cho bạn biết nhiều về bản thân của bạn. Ghét có thể là mặt mạnh của sự công chính, nhưng phải được lưu ý một cách thật cẩn thận và không bao giờ được quên, vì nếu quên sẽ đưa đến một điều tai hại cho chính bản thân của mình.

       Olive Moore nhà văn Anh thế kỷ 19 cảnh báo bằng lời như sau :“ Hãy cẩn thận với ghét ….Vì ghét là nỗi đam mê đòi hỏi gấp trăm lần năng lực yêu thương. Hãy giữ nó làm chính nghĩa, đừng giữ cho cá nhân. Hãy dành nó cho sự thiếu khoan dung, bất công, dại dột. Vì ghét là sức mạnh của kẻ nhạy cảm. Sức mạnh cùng sự cao cả của nó, tùy thuộc vào việc xử dụng nó cách vô kỷ.”

         Điều mà chúng ta phí phạm nhất trong cuộc đời: Đó là đặt tấm lòng ghen ghét  thù hằn vào những việc không đáng, chẳng hạn như: Lời bình luận của một chính trị gia. Xem phim ảnh có thể ghen ghét một diễn viên nào đó đóng trong vai không mấy được mình ưa chuộng. Đọc những bài báo không mấy thoả lòng rồi phát sinh bực bội v…v..

      Hội Thánh rạn  nứt  và chia rẽ, khi sự, ganh tị, căm ghét nổi lên với người này hoặc người khác. Thay vì tập trung sự căm ghét vào những lực lượng vô hình đang có ý đồ hủy hoại sức sống cùng sự hy vọng của chúng ta. Tiên tri A-mốt được cảm bởi Thánh Linh khuyên giục mọi người trong A-mốt  5 : 15 như sau: “ Hãy ghét điều dữ mà yêu điều lành; hãy lập sự công bình nơi cửa thành. Có lẽ Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân sẽ làm ơn những kẻ sót lại của nhà Giô-sép.”

III / Những tấm gương trả thù

         Cả thế giới kinh hoàng, khi phiến quân Chechen tàn sát hàng trăm người bị giữ làm con tin trong một trường học tại Beslan nước Nga. Nhiều nạn nhân là trẻ em , trong đó có sáu anh em bà con của hai  anh em Totiel là những Cơ Đốc nhân tích cực trong chức vụ Cơ Đốc. Một trong hai anh em đã phản ứng bằng cách, mà đa số chúng ta thấy rất khó làm. Anh nói:  Vâng, chúng tôi bị mất mát không thể đền bù được, nhưng chúng tôi không thể trả thù.”  Anh đã nói những lời đúng như Lời Đức Chúa Trời dạy trong Thánh kinh sách  Rô-ma 12 : 9.

       Một số trong chúng ta, khó có thể từ bỏ sự cay đắng về những chuyện nhỏ nhặt, không đáng kể. Chứ chưa nói đến những chuyện lớn mà gia đình này đang gặp phải. Thái độ của Totiel đã bỏ qua sự cay đắng, và tìm cách nói đến thái độ không thể trả thù của mình ngay trong lúc bị  đắng cay đó là: thái độ gớm điều dữ trong câu 9 “ Không lấy ác trả ác trong câu 17.

        Philip Yancey kể câu chuyện minh họa loại báo thù mà Thánh  Phao-lô đã đề cập trong Rô-ma 12 : 20  khi ông nói: “hãy bày tỏ nhân ái với kẻ thù là  chất than lửa trên đầu người đó.”

         Khi Nelson Mandela trở thành Tổng thống Nam phi, ông chỉ định một hội đồng xét xử những kẻ có tội tàn ác suốt thời gian phân biệt chủng tộc. Ông nói: Bất kỳ viên chức da trắng nào tự nguyện gặp những người cáo tội mình và xưng tội với họ thì sẽ không bị phạt.

          Một hôm, một phụ nữ cao tuổi được đối diện với một viên chức đã tàn nhẫn giết hại đứa con trai duy nhất, cùng chồng của bà. Khi hai người đối diện với nhau, cấp có thẩm quyền hỏi bà: Bây giờ bà muốn làm những gì đối với viên chức này? Bà nói: Dù tôi không còn gia đình, tôi đang sống cô đơn, tôi mất mát tất cả, nhưng tôi còn rất nhiều tình yêu thương để ban cho ông ta. “ Bà yêu cầu viên chức này thường xuyên đến thăm bà, để bà có thể đối xử với anh như một người mẹ đối với con mình. Rồi bà nói tiếp: Tôi muốn ôm anh ta, để anh ta biết sự tha thứ của tôi là có thật.”

        Yancey viết rõ rằng: Khi người phụ nữ cao tuổi này tiến tới bục nhân chứng, viên chức nọ cảm thấy qúa nhục nhã và hối hận tột cùng, đã té xuống ngất xỉu. Anh ta cảm thấy qúa đau đớn và khổ sở. Nỗi đau đớn và khổ sở do người phụ nữ này gây ra không phải là sự báo thù bằng hành động tội ác, mà là do sự tràn ngập tình yêu thương của Đức Chúa Trời ban cho, khiến nó dẫn đến sự ăn năn và giảng hoà. Đó chính là sự báo thù mang tính cứu chuộc. Trong Thánh Kinh sách I Giăng 3 : 18 Lời Chúa dạy: “ Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật. Bởi đó, chúng ta biết mình thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài.”

IV / Làm thế nào để con người xác thịt, hành động theo ý muốn Chúa, mà không theo ý muốn của mình?

     Một người muốn làm theo  ý muốn Chúa, thì người đó phải có  ít nhất sáu điều căn bản sau đây:

         Thứ Nhất : Điều duy nhất và trước hết, là do sự xuất phát từ ngay trong tấm lòng của người sẵn sàng đầu phục Chúa để làm theo ý muốn Chúa.

        Thứ Hai : Người đó phải có sự hiểu biết chắn-chắn theo như lời Chúa dạy đó là: làm theo ý muốn Chúa để vinh hiển danh Chúa chứ không phải tìm kiếm sự thỏa mãn bản ngã của mình. Trong Thánh Kinh sách Phi-líp 4: 13 Thánh Phao-lô được cảm bởi Thánh linh để ông thốt lên rằng: “ Tôi làm được mọi sự là do Đấng ban thêm sức cho tôi.”

          Thứ Ba : Người muốn làm theo ý muốn Chúa, phải luôn-luôn có tấm lòng lắng nghe, và quyết  tâm thực hành lời dạy của Đức Chúa Trời. Không cứng lòng trước Lời Chúa, rồi lại mềm lòng trước lời dạy của con người.

          Thứ Tư: Phải sẵn sàng đầu phục Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và bước đi theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, chứ không phải bởi lý trí của mình.  Trong Thánh Kinh sách  Ga-la-ti 6 : 1 Lời Chúa dạy: “ Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng.”

          Thứ Năm: Muốn làm theo ý muốn Chúa, phải hiểu được luật gieo và gặt. Trong Thánh Kinh sách Ma-thi-ơ 18 : 35 Lời Chúa dạy: “ Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.”

           Thứ Sáu : Khi bị xúc phạm từ một người nào đó, tránh tìm kiếm sự hậu thuẫn nơi con người, dễ gây nên phe đảng để bênh vực một cách mù quáng và trái lẽ. Nhưng hãy tìm kiếm sự an ủi từ nơi Đức Chúa Trời. Nhịn nhục, và khiêm nhường, hầu làm cho sự việc không trở nên nghiêm trọng hơn. Trong Thánh Kinh sách Giu-đe 1 :  19 Lời Chúa dạy: “ Ấy chính chúng nó là kẻ gây nên phe đảng, thuộc về tánh xác thịt , không có Đức Thánh Linh.”

        Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, có vô số sự việc xảy ra, mà chúng ta không thể ngờ được, nó phát xuất từ ngoài xã hội, cũng như trong Hội Thánh, làm cho chúng ta rất khó chịu, và bức bội. Nhưng nếu là một người yêu mến và kính sợ Chúa thì chúng ta cũng đã biết tại sao rồi. Đứng trước những nan đề như thế, chúng ta đừng nghĩ đến thắng hay bại. Nhưng phải nghĩ đến sự khôn ngoan. Thận trọng, lắng nghe tiếng Chúa và làm theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Kinh. Lời Chúa khuyên chúng ta trong Thánh kinh sách Rô-ma 12 : 21 như sau: “ Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác.” Amen.

Servant Elijah  Nghiem